* Bài dự thi cuộc thi “Viết cho con” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức
Mã số dự thi: 005
Họ và tên: Lê Xuân Tình
Địa chỉ: Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Bài dự thi:
Gửi con dâu tí hon của bố!
Chiều nay bố cùng mẹ con đi siêu thị, bố giật mình khi nghe giọng nói của cô thu ngân. Giọng nói quen quen, giọng bắc nhưng “ lơ lớ” pha chút miền nam.
Thanh toán tiền xong, bố mẹ ra về bỗng mẹ con nói:
– “ Nghe giọng cô thu ngân khi nãy em nhớ cái Pi quá anh ạ!”
Bố gật đầu đáp lại mẹ con:
– “ Giọng cái Pi nghe trẻ con hơn một chút.”
Pi là tên thường gọi ở nhà của con – Con dâu bố.
Bố nhớ lần đầu tiên gặp con cách đây 7 năm, con cùng con trai bố vượt hành trình 2 ngàn cây số để xuất hiện trước mặt bố. Một cô gái “ tí hon” nhưng được cái nước da trắng và hay cười. Nhìn thấy con bố ngạc nhiên lắm, con như cô bé học sinh cấp hai và bố giật mình khi nghĩ cái cô giống học sinh cấp hai ấy chính là người yêu của con trai bố.
Cảm giác ban đầu của bố là thấy thương thương con vì đã phải vất vả đường xa về thăm bố, nhưng khi nghĩ con sẽ là con dâu của bố trong tương lai thì bố hơi hụt hẫng. Con bé thế thì làm sao ghánh vác được công việc gia đình, làm sao sinh con đẻ cái, làm sao chăm sóc người thân??? …Cảm giác hụt hẫng ấy lại tăng lên gấp bội khi con thú thật với mọi người trong nhà rằng con không biết nấu ăn, rồi khi con rửa bát thì mẹ chồng tương lai cứ nơm nớp nỗi lo sẽ rơi vỡ vài cái…
Bố lắc đầu ngán ngẩm với con trai của bố nhưng chỉ nhận được nụ cười “ bí hiểm” và câu nói: “ Bố cứ chờ mà xem, rồi bố sẽ thích Pi ngay thôi”
Bố tuy không hài lòng nhưng chậc lưỡi vì nghĩ thời đại này “ Con cái đặt đâu bố mẹ ngồi đấy”. Và bố chờ…
Những ngày tiếp theo bố thấy an tâm hơn đôi chút khi thấy con chịu khó học tập, không biết nấu nướng nhưng cứ lăng xăng phụ cái này cái kia, bố luôn cảm nhận được ở con sự vui vẻ dù những công việc hằng ngày lại là thử thách lớn với con. Cái bố thích đầu tiên ở con là sự nỗ lực và tinh thần học hỏi.
Bố và cả gia đình mặc dù còn nhiều “e ngại” khi nghĩ con sẽ con dâu tương lai của bố, nhưng thực lòng thì tiếp xúc với con mọi người đều rất thích thú. Con xuất hiện ở đâu là tiếng cười rôm rả ở đó, từ giọng nói đặc biệt, điệu bộ trẻ con và gương mặt biểu lộ sự ngạc nhiên khi chứng kiến những điểm khác lạ về văn hóa…
Con cũng rất khéo lấy.lòng người lớn, biết mẹ con hay thích được nhổ tóc sâu, cứ rảnh ra là con chải tóc cho mẹ, lại biết làm những kiểu búi tóc mẹ con thích. Biết bố thích chơi cờ tướng, con chỉ bố chơi cờ trực tuyến, hướng dẫn bố đọc tin tức trên mạng, gửi email và sử dụng Facebook.
Hơn 50 tuổi, ban đầu bố không cởi mở để tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, con lại ra sức giải thích cho bố những tiện ích mà internet mang lại và bố hoàn toàn bị thuyết phục bởi màn hùng biện của con, giọng nói của con “ Giọng miền Bắc, lơ lớ miền Nam”
Thời gian cho lần gặp gỡ đầu tiên này là nửa tháng, con và con trai bố được về quê ăn tết. Nửa tháng ngắn ngủi nhưng con làm bố mẹ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Bố nhớ hôm ấy là 24 Tết, vốn là người thích hát hò, đam mê văn nghệ, bố được xã cử đi thi hát trong hội thi “ Mừng Đảng Mừng Xuân”. Bố sẽ hát và cô Lan trong đội Văn công xã phụ họa cho bố. Bố và cô đã tập rất kỹ cho tiết mục với niềm tin giật giải trong hội thi.
Bài viết liên quan: |
Con cũng nhiệt tình ủng hộ bố, không hiểu tiếng anh nhưng con cứ nói sẽ là “ sờ – tai – lít” cho bố ( Sau này bố mới biết style nghĩa là gì). Con lăng xăng là quần áo cho bố, chạy lên tận chợ Vĩnh Yên để đổi chiếc caravat trùng màu với đôi giày của bố, rồi mua hoa để mọi người ủng hộ bố…
Sự nhiệt tình của con đã khiến bố tự tin hơn rất nhiều. Mọi thứ cứ tưởng là hoàn hảo nhưng đến phút cuối thì sự cố xảy ra, cô Lan bị té và không thể phụ họa cho bố được.
Buổi chiểu hôm đó bố buồn xo rồi đành ngậm ngùi “ Thôi thì cứ hát chay vậy”. Con chạy tới an ủi bố rồi nói với giọng tỉnh queo: “ Con phụ họa cho bố nhé”. Cứ tưởng con nói đùa bố mỉm cười nói lại với giọng hài của chú Xuân Bắc “ Được thế thì còn gì bằng” . Nghe bố nói, con cười toe rồi chạy sang nhà chị Anh mượn áo dài, nón lá. Diễn biến tâm trạng của bố đi từ bất ngờ đến lo lắng. Con trang điểm, mặc áo dài trở nên khác hẳn, nhưng khi con đi đôi giày cao gót thì bố giật mình bảo “ Thôi con ơi, không cẩn thận thì ngã chết”. Con cười nheo mắt bảo bố cứ yên tâm ( Thực tình là bố không thể yên tâm nổi)
…
Tiết mục của bố sáng bừng không hẳn vì giọng hát của bố mà vì sự xuất hiện của con, vì những ngón tay uốn dẻo, vì chiếc nón lá e ấp ngọt ngào. Mọi người phía dưới hò reo ủng hộ. Bố tự hào nghe đâu đó câu nói“ Con dâu tương lai của ông Tình đấy, người đâu mà múa đẹp thế không biết”.
Bố không ngạc nhiên khi hai bố con mình đạt giải cao trong hội thi hôm ấy, con đã hỗ trợ bố rất nhiều, nỗ lực rất nhiều. Bố biết điều đó khi mà nhiệt độ 14 độ C con vẫn dũng cảm với tà áo dài mỏng manh lên sân khấu.
Cảm ơn con! Cảm ơn con đã đến với gia đình bố, đã mang cái giọng nói miền bắc pha nam và không khí rộn ràng ấy tới với gia đình bố. Sự nhiệt thành, tận tâm và nỗ lực của con đã khiến cho bao e ngại ban đầu tan biến nhanh chóng.
Mùng 2 Tết, ngày con và con trai bố lên đường về quê hương của con tiếp tục vui xuân, chỉ sau 15 ngày ít ỏi con đã chiểm hết tình cảm của mọi người trong nhà. Đưa con ra sân bay về nhà, dường như mọi thành viên trong gia đình mình đều thấy trống vắng lạ thường, nhớ con, nhớ cái dáng dấp tí hon ấy, giọng nói ấy và nụ cười ấy của con.
Thời gian cứ thế trôi, con cùng con trai bố đã cùng nhau đi qua chặng đường đại học, cùng nhau trải qua những kỉ niệm yêu thương, và mỗi năm gia đình bố lại háo hức được đón con về trong những kỳ nghỉ lễ, lại rộn lên tiếng cười và những bất ngờ từ con.
Lần con về khoe với cả nhà đã nấu được món này món kia rồi trổ tài với nấu nướng, lần khác con biết gói bánh chưng, biết muối dưa cải…
Rồi mọi người trong nhà mình đều hân hoan với đám cưới của con và con trai bố. Đó có lẽ chỉ còn là nghi lễ để hợp thức hóa còn với bố từ lâu con chính là con dâu duy nhất rồi.
PNNN