Ba bà mẹ bị tai biến sản khoa sau khi tiêm gây tê tủy sống khiến hai người tử vong, các bé sơ sinh may mắn sống sót.
Ngày 17/11, hai sản phụ 33 và 34 tuổi vào Bệnh viện Phụ nữ (quận Hải Châu) sinh mổ trong tình trạng sức khoẻ bình thường. Nhưng khi được tiêm thuốc gây tê tủy sống, bệnh nhân có biểu hiện đau vùng mông phải, vùng cùng cụt, khó chịu, co giật hai chi dưới.
Các bệnh nhân được chuyển viện lên tuyến trên với chẩn đoán “theo dõi ngộ độc thuốc tê, chưa loại trừ do thuốc”. Trong đó, sản phụ đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi tử vong. Người chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khi chưa mổ bắt con may mắn giữ được mạng sống.
Gần một tháng trước, một bệnh nhân khác ở Đà Nẵng cũng vào bệnh viện này sinh con, tiêm loại thuốc gây mê đó. Người này sau đó cũng tử vong. “May mắn ba cháu bé được an toàn”, ông Nguyễn Út – Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng thông tin tại buổi họp báo ngày 20/11.
Theo ông Võ Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ, ba ca bệnh đều diễn biến bệnh rất nhanh và được chuyển viện ngay khi có biểu hiện khác thường. Ngay trong tối 17/11, bệnh viện đã cho niêm phong toàn bộ lô thuốc gây tê, phòng mổ, phòng hồi sức, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm… và báo cáo Sở Y tế.
Bác sĩ trực tiếp gây mê cho các bệnh nhân đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Phía bệnh viện thiên về nghi vấn các nạn nhân ngộ độc thuốc tê, chưa loại trừ nguyên nhân do chất lượng thuốc. Loại thuốc tê được sử dụng là Bupivacaine của Ba Lan.
Theo Bệnh viện Phụ nữ, trước tháng 5/2019, đơn vị sử dụng gây tê Marcain (Pháp). Đến tháng 5/2019, nhà cung cấp thông báo hết hàng cung ứng nên bệnh viện lựa chọn thuốc Bupivacaine có cùng hoạt chất để thay thế. Giá thành chênh lệch nhau không nhiều.
Đợt gần nhất, Bệnh viện nhập về 250 ống thuốc từ nhà cung cấp là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1, đã sử dụng 130 ống thì phát hiện sự cố. Ở Đà Nẵng, ngoài Bệnh viện Phụ nữ còn có một số Bệnh viện chuyên về sản nhi và trung tâm y tế cũng nhập lô thuốc gây mê Bupivacaine nhưng không có sự cố.
Ông Nguyễn Út cho biết không riêng Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác ở phía Nam như Cần Thơ, Bến Tre… gần đây cũng ghi nhận có ca tai biến sản khoa liên quan đến cùng loại thuốc gây tê này. Thuốc nằm trong danh mục chi trả bảo hiểm theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, khi nhà cung ứng hết hàng, bệnh viện có thể tự xin áp thầu sang thuốc khác đã được Cục quản lý dược cho phép.
Sở Y tế Đà Nẵng đã lấy mẫu thuốc gây tê Bupivacaine gửi đi kiểm tra tại Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, dự kiến có kết quả sau khoảng 7-10 ngày. Trong thời gian này, các bệnh viện và trung tâm y tế được khuyến cáo không sử dụng Bupivacaine gây tê.
Ông Ngô Minh Tuấn – Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Đà Nẵng) – cho biết đến nay, Đà Nẵng chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Cục Quản lý Dược khuyến cáo hay cảnh báo về thuốc gây tê Bupivacaine.
Theo Ngọc Trường (ngoisao.net)