Cảnh báo tình trạng khẩn cấp về khí hậu

Phần lớn cam kết của các nước trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu là “chưa đủ tham vọng” để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 5/11, 11.258 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu do chính con người gây ra. Nghiên cứu trên, có tên gọi “Lời cảnh báo của các nhà khoa học trên toàn thế giới về tình trạng khẩn cấp khí hậu”, đánh dấu lần đầu tiên một nhóm lớn các nhà khoa học sử dụng cụm từ “khẩn cấp” để nói về biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu, cắt giảm khí thải nhà kính cho đến nay vẫn là một thử thách to lớn. “Mặc dù các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu đã diễn ra 40 năm, ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, phần lớn chúng ta vẫn không thay đổi và thất bại trong việc giải quyết vấn đề khó khăn này” – nghiên cứu nêu rõ.

Những kết luận trong nghiên cứu được đưa ra dựa trên một loạt bằng chứng “dễ dàng nhận biết” về tác động của con người đối với khí hậu, như thải khí nhà kính, gia tăng dân số, làm giảm độ che phủ rừng… bên cạnh những hệ lụy kéo theo, như nóng lên toàn cầu.

Giới khoa học đến giờ vẫn tỏ ra e dè khi sử dụng cụm từ “khẩn cấp” để nói về biến đổi khí hậu. Chuyên gia Maria Abate, từ Trường ĐH Simmons (Mỹ), nói rằng bà hy vọng nghiên cứu trên có thể thay đổi điều này, cũng như gia tăng nhận thức cho mọi người. Ông Phil Duffy, từ Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole (Mỹ), nhấn mạnh “khẩn cấp” là cụm từ phù hợp, bởi nó cho thấy quy mô của tình trạng biến đổi khí hậu và sự thiếu hành động của các nước đến thời điểm hiện tại.

Mưa lớn gây ra lũ và ngập ở khu vực Arenys de Mar, Bắc Barcelona (Tây Ban Nha) cuối tháng 10.
Mưa lớn gây ra lũ và ngập ở khu vực Arenys de Mar, Bắc Barcelona (Tây Ban Nha) cuối tháng 10.

Trong khi đó, nhóm hoạt động vì môi trường The Climate Mobilization (Mỹ) cho biết đang kêu gọi chính phủ Mỹ và những quốc gia khác ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu để thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng với tuyên bố này. Theo báo Washington Post, Hội đồng Thành phố New York cũng như San Francisco đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và nhiều thành phố ở châu Âu cũng đã thực hiện động thái tương tự.

Trong khi đó, trong báo cáo được Quỹ Sinh thái Toàn cầu (UEF) công bố hôm 5/11, giới khoa học cảnh báo phần lớn cam kết của các nước trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu là chưa đủ để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.

“Chính phủ các nước đang đi đúng hướng nhưng hành động chưa đủ quyết liệt. Hy vọng họ sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn nhiều khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Tây Ban Nha vào tháng tới” – ông Robert Watson, người đứng đầu báo cáo khoa học, khẳng định.

Báo cáo đánh giá gần 75% trong tổng số 184 cam kết của các nước, kể cả những nước thải khí nhà kính lớn như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, là chưa đủ tham vọng. Cam kết của một số nước như Úc, Nhật Bản và Brazil được đánh giá là “chỉ đủ tham vọng một phần”. Trong số 184 cam kết, chỉ 36 cam kết được đánh giá là đủ tham vọng để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trước năm 2030 không quá 1,5 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Theo ông Watson, ngay cả khi mọi quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết hiện tại, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng thêm 3-3,5 độ C, dẫn tới những hậu quả thảm khốc hơn về thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và sinh vật tuyệt chủng. Theo giới khoa học, các nước cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo baovemoitruong.org.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN