Từ đó đêm nào anh sang chòi tôi chơi. Anh ngồi ngoài sân, tôi ở trong nhà. Anh ý tứ không khi nào bước vào trong. Chòi tôi ở cạnh dòng suối rất đẹp, nước trong veo nhìn thấy cá lội dưới đáy suối. Mỗi chiều tôi xuống suối tắm và lấy nước về nấu ăn.
Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho người bạn đời của tôi” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chứcMã số: 002_NBĐ |
Hai đứa tôi đều mười bảy tuổi , cùng thoát ly kháng chiến và cùng công tác ở Đài Phát Thanh vào năm 1973. Tôi chuyên viết tin cho chương trình Phát Thanh, anh phụ trách kỹ thuật. Trong cơ quan chỉ có tôi là nữ nên tôi dựng chòi ở riêng cho tiện sinh hoạt.
Trưa nọ, nghe gà rừng gáy bên kia suối, tôi nhớ nhà quá ngồi khóc. Anh Thắng đi ngang nhìn thấy. Anh hỏi:
– Nhớ sữa mẹ rồi sao?
Tôi càng tủi thân khóc nhiều hơn. Anh dổ dành:
– Đừng khóc, bạn bè nó cười.
Từ đó đêm nào anh sang chòi tôi chơi. Anh ngồi ngoài sân, tôi ở trong nhà. Anh ý tứ không khi nào bước vào trong. Chòi tôi ở cạnh dòng suối rất đẹp, nước trong veo nhìn thấy cá lội dưới đáy suối. Mỗi chiều tôi xuống suối tắm và lấy nước về nấu ăn. Hai bến tắm cách xa nhau nhưng chung một dòng suối. Nhiều lúc đang tắm tôi phải giơ tay khua mặt nước.Tôi sợ bên bến tắm nam thấy màu nước đỏ ở bến tắm của tôi. Tôi nấu cơm ăn riêng. Anh ăn cơm ở bếp tập thể của đơn vị. Hôm nào có thức ăn ngon, anh đem cơm về chòi cùng ăn với tôi, anh muốn san sẻ cho tôi, anh biết tôi thèm rau. Ở chiến trường, thiếu gạo thiếu muối thiếu rau. Thức ăn thường là một ít đậu phộng rang, vài cọng rau muống hay một miếng bầu luộc.
Một lần anh đi họp xa, nửa đêm anh về đứng ngoài sân gọi tôi:
– Thanh ơi, dậy nấu cơm ăn. Tui xin cho Thanh bẹ bạc hà ngon lắm.
Đây là lần đầu tiên anh gọi tên tôi.
Tôi xào bạc hà tận dụng cã lá của nó với bột ngọt và muối tiêu rồi nấu nồi cơm không độn khoai. Hai đứa liên hoan một bửa cơm vui vẽ, ngon miệng. Cơm nước xong, gà rừng bắt đầu gáy sáng. Anh ra về, tôi đi ngủ tiếp.
Hai chúng tôi được lịnh đi họp xa nhà. Đường rừng trắc trở rậm rạp khó đi. Nhiều cây cầu tre lắc lẻo chênh vênh bắc ngang suối, tôi không dám đi qua. Anh lấy cây tre thật dài chống xuống lòng suối. Anh bảo tôi tay trái vịn cây tre còn tay phải cầm một đầu bên nầy cây gậy, anh cầm một đầu bên kia . Anh trước tôi sau anh dẩn tôi qua cầu nhưng chúng tôi không dám nắm tay nhau.
Đầu năm 1975, khi mọi người hết sức bận rộn chuẩn bị chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Anh Thắng bổng nhiên bị sốt rét. Tôi lo lắng, nhắc nhở:
– Chuyến công tác lần này khó khăn nguy hiểm chưa lường hết được. Anh xuống trạm xá khám bệnh, uống thuốc cho mạnh khỏe, lỡ trên đường đi anh bị bệnh nặng thì khổ lắm.
Anh cười buồn.
Buổi tối, bên chòi anh có cuộc họp lảnh đạo, anh ghé chòi tôi ở nhờ chờ tan họp. Lúc ấy anh đang lên cơn rét, tôi bảo anh nằm tạm trên giường của tôi, rồi đưa mền cho anh đắp. Anh dặn khi tan họp nếu anh có ngủ quên thì kêu anh về. Nửa đêm tan họp, thấy anh vừa dứt cơn sốt, ngủ ngon, tôi không nỡ gọi. Tôi muốn giăng mùng cho anh đở muổi nhưng không dám. Tôi ngồi ngoài sân suốt đêm, sương xuống thấm lạnh, bầy muỗi rừng kêu vo ve bên tai… Đến hừng sáng đèn hết dầu. Trong bóng tối tôi dò dẫm tìm cây đèn pin trên giường của anh… Anh chợt thức giấc, hốt hoảng ngồi bật dậy. Chẳng hiểu thế nào mà hai tay tôi nằm gọn trong đôi bàn tay ấm áp của anh. Anh hỏi:
– Sao Thanh lạnh quá vậy ? Mấy giờ rồi? Họp xong chưa?
Không biết do ngồi ngoài trời cả đêm nên tôi lạnh, hay là do lần đầu tiên có người con trai nắm tay mình nên tôi run lẫy bẫy.
Tôi ngượng ngùng:
– Sáng rồi!
Anh lo lắng:
– Trời ơi, Thanh ngồi đây sáng đêm nay hả? Ngày mai, nếu ai có hỏi đêm nay tui ngủ đâu thì nói không biết nha. Đừng nói tui ngủ bên nầy người ta kỷ luật hai đứa mình đó.
Đây là lần thứ hai anh gọi tên tôi.
Anh Thắng cùng mọi người xuống đường phục vụ chiến dịch giải phóng miền Nam. Tôi là nữ ở lại lo công tác tuyến sau. Mọi người đi hết, cơ quan vắng vẻ, buồn thiu. Suốt ngày tôi cứ lủi thủi một mình.
Xưa nay, tôi không bao giờ tự ý sang chòi anh vì bên ấy toàn đàn ông nhưng trưa nay, tôi chạy qua dù biết rằng không còn ai ở đó. Nhìn cảnh trống vắng ấy lòng tôi buồn vời vợi. Tôi bồn chồn lo lắng, không biết bao giờ mình mới gặp lại anh. Tôi tự hỏi:
– Hay mình đã yêu anh Thắng rồi??? Có lẻ lâu nay tôi đã yêu rồi mà không biết. Giờ xa nhau mới chợt hiểu ra.
Khi nghe tin miền Nam được giải phóng, quân ta rầm rộ tiến vào Sài Gòn, tôi hình dung nét mặt mệt nhoài nhưng rạng rỡ của anh. Ai ai cũng hò reo hân hoan… Tôi cũng thế. Nhưng tận sâu trong tâm hồn tôi còn niềm vui riêng nửa là tôi sẽ được gặp lại anh. Tôi về Sài Gòn chuyến sau!!!! Hai đứa gặp nhau ở đài phát thanh giải phóng. Vội quá không kịp nói với nhau lời nào. Anh chỉ vội nắm tay tôi rồi vội buông. Tôi lên xe về chổ ở mới.
Hai tháng sau, tôi và vài người bạn trở về căn cứ chuyển lương thực . Chốn củ bây giờ vắng lặng, không còn ai, lòng tôi cồn cào buồn bả… Tôi chạy vội ra suối, bến nước lặng tênh, giàn bầu xơ xác, mấy liếp rau héo hắt, bốn bề vắng ngắt… Tôi bật khóc nức nở… Bao nhiêu vất vả gian khổ đã qua. Ước mơ chiến thắng đã thành sự thật nhưng tôi biết từ đây những kỹ niệm mến thương xưa kia sẽ dần dần lùi vào dĩ vãng. Sẽ chẵng bao giờ tôi được sống gần bạn bè ở nơi nầy nửa rồi…
Tôi chuyển về Mỹ Tho nhưng tkhông gặp được anh để nói câu tạm biệt. Thế là chúng tôi lạc mất nhau. Năm 2005, tôi về dự họp mặt truyền thống của cơ quan củ. Chúng tôi gặp lại nhau… Tôi nghẹn ngào không nói được lời nào. Ba mươi năm rồi bạn bè, đồng đội người còn người mất… mừng mừng, tủi tủi. Bận rộn quá, hai đứa tôi không nói chuyện riêng được.
Đêm sau anh điện thoại tìm tôi. Anh kể cho tôi nghe về những lần anh đi Mỹ Tho tìm tôi trong thời bao cấp. Gian nan quá, nhưng không gặp. Anh nhắc lại kỷ niệm cái đêm tôi thức cho anh ngủ. Chuyện mà mấy chục năm rồi tôi chưa dám kể với ai.
Giờ đây vợ chồng anh chuẩn bị có cháu nội trong khi tôi vẫn đơn thân. Con trai anh tên Quốc Thanh, mọi người ai cũng biết nhưng có một điều không ai hiểu tại sao con anh trùng tên với tôi. Anh nói:
– Em cho anh về Mỹ Tho thăm em vài ngày nhé.
Đây là lần thứ ba anh gọi tên tôi.
– Sao anh không kêu em bằng chị như ngày xưa nữa? Tôi thắc mắc.
Anh cười trong điện thoại:
– Ba mươi năm qua rồi, sao em vẫn thiệt thà, thơ ngây như ngày nào?… Anh muốn được trở về chốn củ, sống lại những ngày cơ cực thiếu thốn mà vui vẻ với em như ngày xưa. Nhiều lần anh tự hỏi suốt cuộc đời nầy anh còn có cơ hội được gặp lại em không?
Ở bên nầy điện thoại, trong bóng đêm, tôi nghẹn ngào, hạnh phúc và mãn nguyện đón nhận tình cãm của anh. Tôi từ chối không cho anh đi tìm tôi nửa vì bây giờ anh đã có gia đình riêng. Lâu nay, tình yêu của chúng tôi trong sáng như ánh trăng rằm. Hãy giử cho nó mãi trong sáng như thế. Đừng tạo ra điều ngang trái, đừng tự đưa mình vào ngỏ cụt của cuộc đời.
Có nhiều cặp vợ chồng từng chung chăn chung gối mà họ luôn làm khổ nhau, luôn bạo hành lẩn nhau. Như thế họ không phải là bạn đời của nhau mà là cái nợ của nhau. Còn tôi và anh tuy xa cách không được sống gần nhau mà vẫn luôn nghĩ, luôn nhớ và luôn tự hào về nhau thì chúng mình mới là bạn đời của nhau nhé anh.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho người bạn đời của tôi” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!