Đó là tâm sự của chú Trần Văn Dư, bố của Trần Thị Diệu Liên, cô gái đang là tâm điểm của cộng đồng trong mấy ngày qua vì thành tích đạt được học bổng gần 7 tỷ đồng từ ĐH Harvard danh giá.
Thông tin Trần Thị Diệu Liên, cô gái 19 tuổi, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, TP.HCM, được Harvard cấp học bổng trị giá 302.920 USD cho 4 năm học đại học (tương đương 7 tỷ đồng) đã khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, ngưỡng mộ và khâm phục. Khi đến thăm nhà Diệu Liên, một căn nhà nhỏ tầm 20m2 nằm trên đường Mai Thị Lựu (Q.1), chúng tôi mới biết hóa ra gia đình đã nhận được thông tin này từ tháng 4/2016. Cả tuần nay khi thông tin Diệu Liên “tay không chinh phục Harvard” được tiết lộ trên một tờ báo thì cuộc sống gia đình Liên trở nên nhộn nhịp hẳn, nhiều người gọi điện chúc mừng còn báo chí thì liên tục đến tận nhà phỏng vấn.
Cả gia đình Diệu Liên có 4 người đang sống trong căn nhà xập xệ chưa đầy 20m2 trên đường Mai Thị Lựu
Dù hoàn cảnh của Diệu Liên rất khó khăn, gia đình cô hiện nằm trong diện cận nghèo của phường, nhưng bên trong ngôi nhà nhỏ chật chội ấy dường như luôn toát lên không khí của sự ấm áp và hạnh phúc. Niềm tự hào xen lẫn xúc động đong đầy ánh mắt của bố mẹ Liên khi hai người kể về cô con gái tài năng mỗi năm đem về treo trên tường nhà hàng loạt giấy khen.“Ngày nhận tin Liên đạt được học bổng từ Harvard, cả nhà tôi mừng lắm, mẹ nó mừng phát khóc luôn. Nhưng gia đình tôi vốn không thích khoe khoang, nhận được tin vui thì âm thầm mừng trong nhà thôi, không thổ lộ cho người ngoài biết”, chú Dư tâm sự. Phảng phất trong lời kể của chú Dư, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh Diệu Liên qua bóng dáng của người bố: một người trầm tĩnh, khiêm nhường và luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
“Chiếc máy tính đầu tiên của tôi là quà của con gái”
Người cha có cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi, cũng là người gần gũi với Liên nhất trong nhà, đã xúc động chia sẻ câu chuyện gia đình ấm áp của mình:
“Tôi sinh năm 1964, quê gốc ở Thái Bình, vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1992. Đến năm 1995 tôi kết hôn với mẹ Liên (cô Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1972) và hai năm sau chúng tôi sinh Diệu Liên. Đến năm Liên lên 3 tuổi, bà ngoại cháu thương con cái khó khăn, chưa có nhà ở, nên cho hai vợ chồng tôi về ở nhờ. Căn nhà gia đình tôi đang ở xưa kia là cái chuồng heo của bà ngoại, khi ông ngoại mất rồi, nhà không nuôi heo nữa thì chuyển sang làm kho chứa củi. Tôi mua mấy tấm tôn lợp lên thành mái nhà để che mưa nắng, mua gạch bông cũ về lát lại nền nhà xi măng cho căn nhà sáng sủa hơn.
Diệu Liên và mẹ, cô Nguyễn Thị Lộc.
Cô Lộc có 20 năm làm nghề lao công, hiện đang làm lao công ở KTX ĐH Kinh tế TP.HCM. Sau giờ làm, như bao phụ nữ khác, cô lại vào bếp lo cho bữa ăn cả gia đình.
Tôi làm nghề thiết kế biển quảng cáo, công việc mang tính thời vụ, thu nhập không ổn định, còn mẹ nó thì làm nghề lao công ở các trường học, thu nhập cũng thấp, cuộc sống gia đình hồi ấy vất vả lắm. Khi sinh thêm Quỳnh (em Liên), nhà có hai con nhỏ, đôi khi vợ chồng tôi cũng thấy áp lực, cứ lo làm sao cho có đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt và sách vở để hai con đi học. À mà vở thì không lo, vì từ nhỏ Liên học giỏi, năm nào cũng được thưởng, vở nhiều lắm đến giờ xài chưa hết nữa.
Căn nhà của Liên tuy nhỏ nhưng dán đầy giấy khen, bằng khen, hầu hết của Liên khiến ai vào nhà cũng có phần “choáng ngợp”. Chú Dư và cô Lộc đầy tự hào khi nói thành tích của Liên, hai người có thể kể lại chi tiết tiểu sử của từng chiếc giấy khen của con gái.
Em Liên từ hồi học mẫu giáo đã đạt bé khỏe bé ngoan, suốt từ năm lớp 1 đến năm 12, năm nào cũng là học sinh giỏi, đoạt được nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen đem về dán khắp nhà. Liên cũng vẽ giỏi nữa, chắc là do di truyền từ tôi. Tôi còn nhớ hồi xưa khi chưa có máy cắt decal, máy in, tôi phải làm toàn bộ công việc thiết kế biển quảng cáo bằng tay hết. Hồi ấy tôi cứ ước sẽ có một chiếc máy tính để công việc thuận lợi hơn nhưng làm gì có tiền mua. Năm Liên học lớp 5, em được tham gia một buổi giao lưu nhân dịp thần đồng nước Mỹ sang thăm Việt Nam và được chương trình tặng một chiếc máy tính, đến giờ vẫn còn trong nhà nè. Từ đó hai cha con có máy tính để dùng. Tôi tự mày mò học thiết kế qua máy tính dưới sự giúp đỡ củacon gái. Liên cũng có khiếu công nghệ thông tin, toàn bộ những thông tin trong phần mềm Photoshop, Corel là con gái dạy tôi, công việc thiết kế biển quảng cáo từ đó cũng thuận lợi và khá hơn trước.
Chú Dư hiện làm nghề thiết kế biển quảng cáo. Chú Dư cho biết chú tự mày mò học thiết kế quảng cáo trên máy tính nhờ chiếc máy tính đầu tiên là quà thưởng của con gái.
“Tôi có định hướng cho con nhưng luôn để con tự quyết định cuộc đời của mình”
Vì mẹ nó đi làm suốt từ sáng đến tối, nên tôi cũng giống như mẹ của hai con, lo cho con từ ăn uống, tắm rửa, đến chuyện học hành của con tôi đều nắm rất rõ. Ngày biết tin con gái đậu vào chuyên Sinh trường Năng khiếu tôi mừng lắm. Nếu học chuyên Sinh, thì chắc chắn sẽ đậu trường Dược, tôi chỉ nghĩ đơn giản là học Dược sau này con sẽ dễ xin việc làm. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ tôi không nói ra vì sợ ảnh hưởng đến lựa chọn của con. Mỗi luồng tư tưởng con người khác nhau, tôi suy nghĩ thế này, có khi con gái lại có suy nghĩ khác, nên để con chọn thì sẽ sát với nguyện vọng của con hơn. Sau đó thì Liên chọn học chuyên Anh trường Lê Hồng Phong, tôi cũng ủng hộ. Tôi luôn muốn con tự quyết định cuộc sống của mình.
Chú Trần Văn Dư đã dạy cho con gái tự lập từ bé.
Chú Dư cho biết, dù không nói ra nhưng chú luôn muốn con gái mình sẽ đi du học.
Liên chưa bao giờ tự ti về xuất thân của mình cũng như chưa bao giờ mặc cảm mẹ mình làm nghề lao công. Thậm chí Liên còn cảm thấy vui vì dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cô vẫn phấn đầu để vào học trường chuyên, lớp chọn và đạt được nhiều thành tích trong học tập khiến bố mẹ tự hào.
Có chuyện gì Liên cũng tâm sự với bố, nên mọi chuyện buồn vui trong quá trình săn học bổng du học, tôi đều biết hết. Quả thật, tôi rất hy vọng hồi Liên dự thi học bổng A*Star của chính phủ Singapore vì tôi biết Liên học không thua kém gì các bạn thi cùng đợt đó, chỉ không biết vào vòng phỏng vấn con khúc mắc ở điểm nào nên bị trượt. Tôi buồn nhưng không nói ra, chỉ động viên con “Thua keo này ta bày keo khác”. Sau A*Star tôi biết thêm học bổng NUS của Singapore, họ cho sinh viên vay tiền học, sau khi học xong 3 năm sẽ làm trả nợ, tôi cũng chỉ hy vọng Liên đoạt học bổng NUS chứ chưa dám nghĩ đến học bổng toàn phần đâu.
Thế nên khi con gái thông báo mình nhận được học bổng toàn phần từ ĐH Harvard (Mỹ), tôi mừng lắm. Lúc ấy tôi còn chưa biết ĐH Harvard hay Oxford gì đó nằm trong những trường đại học hàng đầu thế giới, sau này mới lên mạng tìm hiểu mới biết Harvard là một trong những trường đại học danh giá, nơi sản sinh nhiều người xuất chúng của thế giới. Còn nhớ ngày Liên nhận tin từ Harvard trúng ngay ngày Cá tháng Tư, con gái còn tưởng đấy là tin đùa, không dám nói với bố nữa. Khi biết tin này chính xác là thực, cả nhà mừng đến rớt nước mắt.
Cả đời tôi có 2 ước mơ, đó là có căn nhà của riêng mình, Liên và Quỳnh đều được đi du học. Cả đời vợ chồng tôi đã sống trong cảnh nghèo khó, tôi chỉ mong con mình đi du học để thoát khỏi cái nghèo. Khi Liên đã được vào đại học Harvard xem như 1/3 tâm nguyện đời tôi đã được hoàn thành”.
Như mọi ngày, Liên đều đi học đến 8h tối mới về.
Vì thế, bữa ăn của gia đình thường bắt đầu khá trễ.
Sau bữa ăn, Liên thường tranh thủ đọc sách, học bài…
Hoặc tự ôm đàn nghêu ngao hát. Ngoài học giỏi, Liên con biết nhiều môn võ thuật như karate, judo.
Liên cũng có khiếu vẽ di truyền từ bố. Những bài vẽ năm học cấp 2 của Liên được thầy giáo giữ lại làm mẫu cho các bạn. Trong đời thường, Liên thường vẽ tranh dành tặng sinh nhật bạn bè. (Ảnh: NNCC)
Những bức chân dung Liên vẽ thường là những người bạn đặc biệt đã đồng hành trong cuộc sống của cô (Ảnh: NVCC).
Liên cũng thường nảy ra những sáng kiến nho nhỏ trong đời thường. Nhìn bề ngoài đây là một quyển sổ tay, nhưng bên trong lại có thiết kế như một chiếc Ipad mini chứa chiếc điện thoại của Liên cùng tấm hình cả nhà chụp chung được đóng vào khung gỗ đẹp mắt.
Liên có cô em gái, hiện học lớp 8 và cũng có thành tích học tập đáng nể. Ảnh: Lê Minh
Theo Trí Thức Trẻ