Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo châu Âu có thể đối mặt với thời gian khó khăn phía trước, khi số ca mắc Covid-19 tăng rất mạnh.
- WHO: Châu Âu cần ‘nghiêm túc tăng tốc’ cuộc chiến chống Covid-19
- WHO nói thế giới đang trong ‘giai đoạn mới và nguy hiểm’ của COVID-19
- WHO cảnh báo dùng kháng sinh chữa COVID-19 sẽ giết nhiều người hơn
“Chúng tôi thấy một sự bùng nổ, tức là chỉ mất vài ngày để các trường hợp dương tính tăng thêm một triệu”, Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, nói. Ông cũng nhận định tỷ lệ tử vong đang tăng lên “từng chút một”.
“Chúng ta cần thành thật thừa nhận rằng thời gian tới sẽ khó khăn”, ông bổ sung.
Dù vậy, Kluge cho rằng việc đóng cửa trường học nên được coi là lựa chọn cuối cùng, đặc biệt khi “chưa bằng chứng nào cho thấy đây là nguồn lây nhiễm nCoV chính”.
Ông kêu gọi các nước trong khu vực thực hiện các biện pháp mục tiêu tương xứng với tình hình dịch bệnh. Kluge nhấn mạnh chính phủ nên tính đến hai yếu tố. Đầu tiên là tính nhất quán của hành động, để người dân thấy rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Thứ hai là dự đoán số ca nhiễm nhằm vạch ra ngưỡng đỉnh dịch hoặc các viễn cảnh có thể xảy đến trong tương lai.
Người dân thành phố Madrid, Tây Ban Nha, đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm ngăn ngừa lây nhiễm nCoV. Ảnh: AP
WHO một lần nữa ủng hộ biện pháp đeo khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm. “Bằng cách dùng khẩu trang và kiểm soát chặt chẽ các buổi tụ tập, chúng ta đã cứu sống 266.000 người hồi tháng 2 trong toàn khu vực”, ông Kluge nói.
WHO tại châu Âu bao gồm 53 quốc gia thành viên. Đến nay, các nước đã báo cáo tổng cộng hơn 12 triệu trường hợp dương tính, với gần 2 triệu ca chỉ trong 7 ngày qua.
Trước đó, Hội đồng Khoa học Pháp đã cảnh báo lục địa này có thể hứng chịu thêm nhiều đợt bùng phát của virus. Theo đó, làn sóng thứ hai tàn phá châu Âu có thể suy yếu vào cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2021. “Nó phụ thuộc vào bản thân virus, điều kiện môi trường, các biện pháp hạn chế và mức độ tuân thủ của người dân”, chuyên gia cho biết. Song ngay cả khi các biện pháp ngăn chặn được thực hiện ở nhiều nước, dịch bệnh vẫn có thể quay lại nếu thiếu vaccine.
Theo nhiều nhà khoa học, châu Âu thất bại trong việc ngăn ngừa làn sóng thứ hai của Covid-19 do nới giãn cách xã hội quá sớm, trong khi chưa củng cố lại hệ thống y tế, sàng lọc và truy vết tiếp xúc sau thời gian cao điểm.
Nguồn: AFP
Thục Linh (Theo VnExpress)