Rất nhiều người trong chúng ta đều mắc phải một căn bệnh gọi tên là sợ và không tự giao tiếp với sếp. Tâm lý sợ sếp thường nghiêm trọng hơn với những người hướng nội và hay tự ti. Điều đó nhiều khi trở thành áp lực và sẽ cản trở việc giúp bạn thăng tiến trong công việc hay hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Vậy làm thế nào để vượt qua tâm lý sợ sếp, bình tĩnh, tự tin hơn trong công việc?
Dưới đây là 6 bước bạn có thể tham khảo:
Tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn mang tâm lý sợ sếp
Đi tìm căn nguyên của vấn đề bao giờ cũng là cách tốt nhất để bạn khắc phục vấn đề. Hãy bắt đầu trung thực liệt kê tất cả các lý do mà bạn cho rằng là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy sợ sếp. Khi có những gạch đầu dòng này, bạn có thể biết được lý do khách quan và cả những lý do đến từ chính bản thân bạn. Những lý do chung có thể là thiếu kiến thức về công việc, thiếu chân thành và tận tụy, bản tính hướng nội ngại tiếp xúc, tự ti, cảm thấy mình kém cỏi, tính cách của sếp hoặc sợ hãi từ trong tiềm thức.
Cải thiện tâm lý sợ sếp bằng hành động
Sau khi đã liệt kê tất cả các nguyên nhân làm cho bạn luôn lo lắng sợ hãi khi giao tiếp với cấp trên, hãy bắt đầu sửa sai từng điều một. Nếu bạn cảm thấy kém tự ti với kết quả công việc không đáp ứng được mong đợi của sếp, hãy cố gắng hơn nữa để nâng cao năng lực bản thân. Bạn có thể tham gia các khóa học nâng cao, tích cực tìm kiếm tài liệu, tự học, học hỏi từ đồng nghiệp, và nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, thậm chí mạnh dạn nhờ sếp hướng dẫn.
Hãy đặt tâm huyết vào từng dự án mà bạn đang thực hiện, những thành công nho nhỏ sẽ là những nấc thang giúp bạn tìm thấy sự tự tin trong công việc. Bạn sẽ không còn cảm giác rằng sếp sẽ khó chịu với bạn nếu bạn đã làm tốt công việc của mình. Tích cực, năng động, làm việc hết khả năng, bạn sẽ không có điều gì phải sợ hãi trước sếp.
Đồng thời, luôn tương tác với sếp nhiều hơn để cải thiện tình hình bạn sẽ thấy sếp không “đáng sợ” như bạn tưởng. Điều này cần nỗ lực và có thể thời gian đầu không thoải mái, nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho bạn. Nỗi sợ sếp sẽ không bao giờ mất đi nếu bạn luôn né tránh, không biết cách làm việc và tương tác với lãnh đạo của mình. Hãy suy nghĩ tích cực, hành động tích cực, sự tự tin sẽ đến với bạn như một thói quen bạn.
Tìm hiểu về mối quan tâm của sếp
Sếp của bạn có vẻ khó tính nhưng sâu bên trong họ có lý do cho điều đó. Mọi nhà quản lý đều quan tâm đến tương lai của công ty. Vậy nên, tìm hiểu và lắng nghe những gì sếp mong đợi sẽ giúp bạn và sếp cảm thấy được kết nối bởi một mục tiêu chung và giúp bạn tự tin hơn.
Có sự chuẩn bị khi nói chuyện với sếp
Giống như cách bạn chuẩn bị trả lời các câu hỏi phỏng vấn khi tìm việc làm tại TPHCM hay bất cứ đâu, khi nói chuyện với sếp, hãy chắc chắn rằng bạn đã nghĩ mọi thứ từ mọi góc độ có thể. Bạn có thể hình dung các hướng khác nhau mà một cuộc trò chuyện có thể phát triển đến. Ví dụ khi báo cáo với sếp về một dự án đang phụ trách, bạn cần chuẩn bị tất cả các thông tin mà sếp bạn cần nghe liên quan đến dự án ấy.
Sự chuẩn bị kĩ càng không chỉ giúp bạn ghi điểm trong mắt sếp và còn giúp bạn tự tin hơn nhiều khi “trả bài” với sếp. Luôn cố gắng đi trước một bước. Dự đoán những gì sếp của bạn có thể yêu cầu để chuẩn bị trước và hoàn thành.
Tha thứ cho bản thân khi mắc sai lầm
Đừng đánh giá bản thân quá gay gắt nếu bạn mắc lỗi trong công việc trước mặt sếp. Thay vào đó, hãy thực hiện các biện pháp để đảm bảo thành công trong thời gian tới.
Khi chủ động thừa nhận những lỗi sai với sếp, bạn đã đi được nửa chặng đường trong việc tìm kiếm sự tự tin trong công việc. Hãy cố gắng làm cho sếp của bạn hiểu được bạn đã rất cố gắng với thành quả hiện tại. Điều này sẽ giúp họ hiểu về công việc của bạn tốt hơn.
Có những suy nghĩ tích cực hơn về sếp và công việc
Tìm những khía cạnh tốt và đánh giá cao về sếp của bạn. Bạn có thể luyện tập điều này bằng cách nói tốt về họ với các đồng nghiệp của bạn. Hãy bắt đầu mỉm cười và nói lời chào buổi sáng với sếp của bạn.
Tập trung và tận tâm với công việc của bạn và tiếp tục mỉm cười, nó sẽ trở thành thói quen giúp bạn tự tin. Bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi ngay khi đồng nghiệp và sếp của bạn cười lại với bạn. Khi bạn có những suy nghĩ tích cực và cảm xúc tốt khi làm việc, nỗi sợ hãi sẽ biến mất.
Nỗi sợ sếp vô cùng bất lợi cho hiệu suất của bạn tại nơi làm việc. Học vượt qua tâm lý sợ sếp sẽ giúp bạn tập trung hoàn toàn vào những gì quan trọng đối với công việc của chính bạn và mở đường thăng tiến cho bạn trong tương lai.
Pha Lê