“Phải nói rằng, hình ảnh Tổng thống Obama là kết quả của một ekip truyền thông chuyên nghiệp mang quốc tịch Mỹ chứ không phải là một thứ quà tặng tuyệt vời ông Trời ban cho một người đàn ông da màu. Nếu bạn hiểu như vậy, bạn sẽ rất bình tĩnh trước Obama” – nhà văn Trang Hạ chia sẻ.
– Ở góc độ người làm truyền thông, và một người thích quan sát dự luận, chị có bình luận gì về sự kiện Tổng thống Obama đến Việt Nam vừa qua?
– Tôi nghĩ là chúng ta đang bị bão hòa về truyền thông trong câu chuyện Obama. Tại vì, thông tin về ông ấy đến từ tất cả các kênh: báo chính thống, mạng xã hội và… truyền miệng. Đa số mọi người, ai cũng viết status hoặc bình luận, hoặc nói chuyện về Obama, như thể sắp trở thành chuyên gia về Obama vậy. Đó là một điều phấn khởi cho một sự kiện, nhưng nó cũng phản ánh rằng, cư dân mạng Việt Nam là chuyên gia của mọi lĩnh vực: chuyên về dịch tễ (mùa tiêm chủng), chuyên gia về cá (khi cá chết), chuyên gia về giáo dục (vào các mùa thi). Trong cuộc “lên đồng” tuyên ngôn đó, mỗi người sẽ có một chân lý của riêng mình. Tôi đã từng khiếp sợ khi thấy mạng xã hội xuất hiện hàng loạt tri thức mạng, sau mỗi sự kiện.
Nhưng, khi đọc loạt bài điều tra về việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy phép bừa bãi cho các loại phân bón trên một tờ báo, thì tôi lại nghĩ, may mà có Obama, nên Bộ Nông nghiệp lần này được cư dân mạng “tha”. Chứ tôi đồ rằng, không có sự kiện ông ấy đến Việt Nam, thì rất có thể trên mạng thời điểm này sẽ xuất hiện hàng loạt chuyên gia phân bón.
Nói là thế, nhưng chuyện Tổng thống Mỹ – Obama đến Việt Nam là một hiện tượng truyền thông đáng chú ý.
– Vẫn ở góc nhìn của mình, chị có cảm nhận thế nào về những bài phát biểu của ông Obama tại Hà Nội và Tp.HCM?
– “Ông ấy thật là tuyệt vời”, “Ông ấy thật là am tường nhiều lĩnh vực”, v.v.. Đó là những phát biểu về Tổng thống da màu của Mỹ trên mạng xã hội Việt Nam. Nhưng, nhiều khi người ta đã quên mất một điều rằng, chính trị gia ở nước ngoài là một nghề. Và để có một sản phẩm ưu tú của nghề đấy, ngoài tố chất của một cá nhân, thì tôi vẫn tin, không có một người nào trên đời vừa là chuyên gia về trang phục, vừa là chuyên gia của lịch sử, văn hóa của cả hành tinh. Không ai có đủ khả năng đáp ứng “khẩu vị” của dân chúng thuộc tất cả các quốc gia trên thế giới. Nên chắc chắn, đằng sau mỗi lần xuất hiện của Tổng thống Obama là một đội ngũ chuyên gia đồ sộ.
Chuyện ông ấy lẩy Kiều, việc lựa chọn điểm đến trong hành trình ở Việt Nam, dừng chân ở đâu cũng đều được tính toán chi tiết, để đạt hiệu quả hình ảnh tốt nhất. Đó không thể là điều ngẫu nhiên, tôi tin như vậy. Tất nhiên, điều này thì còn quá xa lạ với các chính khách ở Việt Nam.
Tôi nghĩ, chắc chắn rất hiếm chính khách nào ở ta có stylist riêng, hiếm hơn nhiều so với một ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh. Nên, phải nói rằng, hình ảnh tổng thống Obama là kết quả của một ekip truyền thông chuyên nghiệp mang quốc tịch Mỹ chứ không phải là một thứ quà tặng tuyệt vời ông Trời ban cho một người đàn ông da màu. Nếu bạn hiểu như vậy, bạn sẽ rất bình tĩnh trước Obama.
– Nhưng, chắc hẳn chị cũng biết rằng, bạn chỉ có thể có sản phẩm hoàn hảo, nếu bạn thức sự có mong muốn đó!
– Bởi vậy, nếu dành một lời khen tặng mang tính cá nhân, thì tôi đặc biệt cảm kích với ứng xử của ông Obama tại chùa Ngọc Hoàng. Đó là khi ông ấy phải đối diện với sự va chạm giữa hai nền văn hóa trong cuộc viếng thăm đó. Khi GS Dương Ngọc Dũng (người hướng dẫn Tổng thống Obama thăm chùa Ngọc Hoàng – PV) trả lời cho câu hỏi: “Hầu hết mọi người đến đây cầu xin điều gì?” – và nhận được lời giải thích rằng: “Chùa này nổi tiếng cầu con. Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ hay xin con trai vì tâm lý người Việt Nam thích con trai hơn. Đôi khi có con gái rồi, họ đến đây để cầu xin con trai nữa”, thì ông Obama đã nói: “I like daughters” (Tôi thích con gái). Tôi tin, một người không có tín niệm như ông ấy, đã dạy cho rất nhiều đàn ông Việt Nam – nhóm những người có niềm tin tuyệt đối vào chuyện “trọng nam khinh nữ” một bài học không phải về bình đẳng giới, mà là bài học về yêu thương.
Và khi ông ấy nói câu này, tôi tin ông ấy nói bằng phản ứng thực sự của ông ấy. Bởi, đó là một tình huống không lường trước trong ngoại giao, nó rất đời thường. Bởi lẽ đó, tôi quan tâm đến điều này. Tôi tin đó là một đáp trả cá nhân, nó đến từ tình cảm thực sự của ông ấy.
– Chị nghĩ chúng ta học được gì từ chuyến thăm của ông Obama?
– Trong thời gian trước đây, tôi có cơ hội được hỗ trợ tư vấn làm hình ảnh cho một vài chính trị gia tại Việt Nam. Nhưng tôi cũng học được từ chuyến công du của ông Obama rất nhiều. Ông đã có những cộng sự cực kỳ ham học hỏi. Và điều tuyệt vời là, ông đã rất am tường về STEM – một khái niệm tôi rất quan tâm ở thời điểm hiện tại. Nó là khái niệm rất quan trọng trong giáo dục đào tạo tại Việt Nam. Trong khi đó, ông Obam đã lý giải nó dưới góc độ tích cực, thân thiện một cách tuyệt vời. Ông đã nói về điều đó trong bối cảnh khi rất nhiều người Việt Nam không coi trọng giao tiếp bằng quan hệ. Nên tôi nghĩ, nhiều người đã nghe nhưng không nắm bắt hết được những điều ông ấy muốn nói.
Bằng sự bao quát đó, các bài phát biểu của ông đã gửi được nhiều thông điệp khác nhau đến nhiều tầng lớp người nghe khác nhau. Từ sau chuyến đi này, người Việt Nam nhận được rất nhiều của cải tinh thần bên cạnh những hiệp định thương mại.
– Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Theo Đẹp