Ngày 8-4, Sở Y tế Hà Nam và các ngành chức năng mệt nhoài sau khi tỉnh này phát hiện bệnh nhân COVID-19 thứ 4 nhưng lại là bệnh nhân phức tạp nhất.
- Sáng 9-4: Việt Nam không có ca COVID-19 mới, một nửa trong 251 ca bệnh đã khỏi
- MC Đại Nghĩa vận động gần 60 tấn gạo cho các đối tượng khó khăn trong dịch Covid-19
- Thêm 2 ca COVID-19 mới đều lây trong cộng đồng, cả nước 251 bệnh nhân
Sàng lọc bệnh nhân ngay tại cổng chính Bệnh viện Phụ sản trung ương, người bệnh và người nhà đến đây được trang bị tấm chắn giọt bắn để phòng bệnh – Ảnh: VIỆT DŨNG
Cụ thể, 3 ca bệnh trước đều từ Hà Nội về và được khoanh vùng ngay, có nguồn lây rõ ràng do đều là nhân viên Công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp suất ăn cho Bệnh viện Bạch Mai.
Nhưng với ca bệnh số 4 của Hà Nam (bệnh nhân 251 của cả nước), theo ông Lê Quang Minh – giám đốc Sở Y tế Hà Nam, quá khó tìm F0 do nguồn lây cho bệnh nhân này chưa rõ ràng.
Cách ly 45 y, bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân 251
“Bệnh nhân 251 có yếu tố dịch tễ phức tạp do có thời gian nằm viện dài ngày, cao tuổi, có bệnh nền là thiếu máu và xơ gan, ngày 8-4 bắt đầu có dấu hiệu viêm phổi.
Chúng tôi đã mời hai chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương về hỗ trợ điều trị, cách ly 45 y bác sĩ có tiếp xúc với bệnh nhân và phong tỏa khoa nội tiêu hóa nơi bệnh nhân đang điều trị” – ông Minh cho biết.
Về nguồn lây, ông Minh cho rằng nhân viên y tế, người tiếp xúc với bệnh nhân gồm người thăm ốm, người nằm cùng phòng bệnh, thân nhân đều đưa vào diện lấy mẫu xét nghiệm.
Trong số 25 người nằm cùng phòng bệnh với bệnh nhân trọn 18 ngày gần đây, có một bệnh nhân có tiền sử từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 2 đến 9-3. Sau đợt điều trị này, bệnh nhân về Hà Nam và ngày 23-3 vào khoa nội tiêu hóa điều trị cùng phòng với bệnh nhân 251.
Chưa tìm ra F0, khó khống chế ổ dịch
“Ngày 9-3 chưa phải là thời điểm bùng phát ổ dịch tại Bạch Mai và người đến Bạch Mai ở thời điểm này cũng không trong diện rà soát, nhưng do ghi nhận bệnh nhân 251 nên chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này để xét nghiệm, hôm nay (9-4) sẽ có kết quả.
Nếu đây là nguồn lây thì việc tìm F0 có hiệu quả, nếu không thì phải tiếp tục tìm F0 của bệnh nhân 251. Do bệnh nhân 251 lớn tuổi lại đang bệnh nên không đi đâu ngoài tỉnh Hà Nam, nguồn lây có thể chỉ ở xung quanh đây hoặc từ con cái từ Hà Nội về chăm nom. Nếu không tìm ra F0 thì việc khống chế ổ dịch sẽ rất khó khăn” – ông Minh nói.
Đây không phải ca bệnh đầu tiên lây lan trong cộng đồng. Trong khoảng 2 tháng rưỡi vừa qua đã có trên 90 ca bệnh lây từ cộng đồng.
Trong số này có một số ca/ổ dịch mất dấu, như ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai với khoảng 45 ca mắc, ca bệnh 243 ở Mê Linh (Hà Nội), ca bệnh 251 ở Hà Nam…
Khác với các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài và được cách ly ngay từ khi nhập cảnh, khả năng lây lan được hạn chế xuống mức rất thấp, các ca lây từ cộng đồng và mất dấu ca F0 đều tiềm ẩn dấu hiệu lây lan rộng nếu không có biện pháp khống chế hợp lý.
Định nghĩa lại F0?
Trong tình trạng ngày càng nhiều ca mất dấu F0 xuất hiện, trao đổi với báo chí ngày 8-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết không cố đi tìm F0, không cố đi tìm nguồn lây bệnh nhân đó từ đâu, mà xác định đó là một ổ dịch, đấy chính là F0.
“F0 chính là người bị bệnh có nguy cơ sẽ làm lây nhiễm ra cộng đồng nếu không phát hiện, khoanh vùng kịp thời. Vì vậy, phải khoanh nhanh những người tiếp xúc với F0 này và xét nghiệm tất cả F1 là người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh” – ông Long nói.
Các hoạt động phòng chống gần đây đã tiến hành theo cách thức này: tất cả nhân viên y tế (89 người) tiếp xúc với bệnh nhân người Thụy Điển đều được xét nghiệm và cách ly ngay, tất cả đều âm tính.
Những người tiếp xúc trực tiếp đã xác định được với bệnh nhân 243 cũng đã được cách ly và xét nghiệm, từ đó tìm ra thêm một bệnh nhân (bệnh nhân 250) và một số ca nghi ngờ.
Theo L.ANH – tuoitre.vn