Ở một số nước châu Âu, thứ sáu ngày 13 bị xem là một ngày rủi ro. Năm 2019 có hai thứ sáu ngày 13: 13-9 và 13-12. Vậy một năm có thể có bao nhiêu thứ sáu ngày 13?
Theo toán học, một năm bất kỳ có từ một đến ba thứ sáu ngày 13. Đặc biệt, một năm có ba thứ sáu ngày 13 nếu và chỉ nếu ngày đầu năm là thứ năm (đối với năm không nhuận) hoặc chủ nhật (đối với năm nhuận).
Từ 2001 đến nay, những năm có ba thứ sáu ngày 13 là 2009, 2012, 2015. Năm gần nhất sẽ có ba thứ sáu ngày 13 là 2026.
Ba thứ sáu ngày 13 trong một năm (nếu có) chỉ rơi vào tháng giêng, tháng tư và tháng bảy hoặc tháng hai, tháng ba và tháng mười một. Bộ ba “giêng, tư, bảy” ít gặp hơn so với bộ ba “hai, ba, mười một”.
Ngoài ra, khoảng cách giữa hai thứ sáu ngày 13 gần nhất chỉ có thể là 27; 90; 181; 244; 272; 335 hoặc 426 ngày. Do đó, hai thứ sáu ngày 13 gần nhất có thể cách nhau hơn một năm. Đó chính là trường hợp 13-8-1999 và 13-10-2000.
Hiện chưa có thống kê đáng tin cậy nào để gán cho thứ sáu ngày 13 với “may mắn” hay “rủi ro” theo một nghĩa nào đó. Chẳng hạn, xác suất trúng số ở Pháp vào thứ sáu ngày 13 cũng giống với những ngày khác (xấp xỉ 1 phần 14 triệu) mặc dù số người mua lô tô tại Pháp vào thứ sáu ngày 13 cao gấp 3 lần so với những ngày khác.
Paramount Pictures (Mỹ) từng công chiếu 12 tập phim Friday the 13th (Thứ sáu ngày 13) từ 1980 đến 2009 với tổng doanh thu phòng vé đạt hơn 462 triệu USD (hơn 10.722 tỉ đồng).
Ở Việt Nam có hai câu về những ngày rủi ro trong tháng: Mùng năm, mười bốn, hai ba/ Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn.
Các ngày rủi này có ít nhất một đặc điểm toán học chung: tổng hai chữ số của mỗi ngày (05; 14; 23) luôn là 5 (0 + 5 = 1 + 4 = 2 + 3 = 5). Vì sao lại là 5 mà không phải là số khác? Dưới đây là một trong số nhiều câu trả lời có thể có.
Theo truyền thuyết, khi Đại Vũ trị thủy trên sông Lạc (Trung Quốc), một con rùa lớn xuất hiện với Lạc Thư trên lưng. Là một dạng khác của Lạc Thư, hình vuông dưới đây (cửu cung đồ) có tổng các số theo hàng ngang, hàng dọc và đường chéo đều bằng 15.
4 | 9 | 2 |
3 | 5 | 7 |
8 | 1 | 6 |
Ta có thể “xoay” hoặc “lật” hình vuông trên để được các hình vuông khác có tính chất tương tự:
8 | 3 | 4 |
1 | 5 | 9 |
6 | 7 | 2 |
6 | 1 | 8 |
7 | 5 | 3 |
2 | 9 | 4 |
2 | 7 | 6 |
9 | 5 | 1 |
4 | 3 | 8 |
Vị trí của số 5 luôn không thay đổi trong các hình vuông.
Trong Anh hùng xạ điêu (hồi 29, tập 6, NXB Văn học, 2001) của Kim Dung (1924-2018), khi bị thương và được Quách Tĩnh cõng vào nhà Thần toán tử Anh Cô, Anh Cô yêu cầu Hoàng Dung “đem chín số từ 1 tới 9 xếp thành ba hàng, bất kể ngang dọc hay chéo cứ ba số đều cộng thành 15″. Đây chính là bài toán cửu cung đồ nói trên.
Theo Trường Lân (tuoitre.vn)