‘Thành trì’ châu Á lại lao đao vì Covid-19

Trước khi phát hiện ca nhiễm nội địa hôm 22/12, Đài Loan đã trải qua 253 ngày “sạch bóng” Covid-19, một thành tích từng khó có nơi nào sánh kịp.

Quan chức y tế Đài Loan đầu tuần này thông báo một phụ nữ 30 tuổi trở thành ca nhiễm nCoV nội địa đầu tiên ở hòn đảo này kể từ ngày 12/4. Người phụ nữ này là bạn của một phi công từ New Zealand, người mắc Covid-19 trước khi tới Đài Loan. Cơ quan y tế Đài Loan xác định 167 người đã tiếp xúc với hai ca nhiễm trên từ 7/12 đến 12/12, trong đó 13 người đã được cách ly.

Đài Loan cơ bản đã kiểm soát đợt bùng phát này, nhưng nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo Covid-19 có thể phá vỡ ngay cả những hệ thống phòng thủ kiên cố nhất.

Một năm sau khi những ca nhiễm đầu tiên của “căn bệnh viêm phổi lạ do virus” được báo cáo ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cuộc chiến với Covid-19 trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên khó khăn.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục. Thái Lan, quốc gia đã ngăn chặn nCoV thành công cho tới nay, đang vật lộn với đợt bùng phát lớn nhất. Hong Kong cũng chật vật để ngăn chặn làn sóng bùng phát thứ tư, trong khi Sydney, thành phố lớn nhất Australia, cũng phát hiện cụm dịch mới.

Đợt bùng phát mới xuất hiện bất chấp những thành công ấn tượng của hầu hết các chính quyền trên trong cuộc chiến với Covid-19 suốt 12 tháng qua. Kiểm soát biên giới, xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang là các biện pháp giúp các nơi này khống chế được đại dịch, trong khi số ca nhiễm mới tăng vọt ở nhiều nơi khác trên thế giới.

seoul-covid-19-6664-1608894877_r_460x0Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho người dân tại ga tàu điện Seoul, Hàn Quốc hôm 22/12. Ảnh: AFP.

Ở một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và New Zealand, số ca nhiễm mới tương đối thấp. Nhưng giới chuyên gia nhận định tâm lý mệt mỏi với các biện pháp giãn cách xã hội và số ca nhiễm tăng nhanh, cản trở nỗ lực truy vết tiếp xúc, đang khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. Thời tiết mùa đông cũng là yếu tố khiến virus lây lan mạnh hơn ở một số nơi.

Một chủng nCoV mới xuất hiện ở Anh cũng đã được phát hiện ở một số quốc gia châu Á, càng khiến nhiều người thêm lo ngại về những ca nhiễm ngoại nhập.

“Hiện nay khả năng một hành khách nhiễm virus quay trở lại các nước này tương đối cao”, Raina MacIntyre, giáo sư về an ninh sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales ở Sydney, nói.

Đài Loan, hòn đảo với gần 24 triệu dân, từng được xem là hình mẫu chống dịch thành công của thế giới, khi chỉ ghi nhận chưa tới 800 ca nhiễm và chỉ có 7 trường hợp tử vong.

Sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên sau hơn 8 tháng, Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói ca nhiễm là lời nhắc nhở về việc cần phải duy trì cảnh giác. “Nó cho thấy đại dịch còn lâu mới kết thúc và hợp tác quốc tế là chìa khóa chống dịch, bởi chúng ta cần chiến đấu cùng nhau”, bà nói.

Dù từng là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc chính thức báo cáo ca nhiễm Covid-19, Thái Lan đã tránh được các đợt bùng phát lớn trong năm qua và chỉ ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm, trong đó có 60 ca tử vong, trước tháng 12.

Nhưng ngày 17/12, một công nhân ở chợ hải sản tỉnh Samut Sakhon có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Giới chức y tế địa phương lập tức triển khai đợt xét nghiệm quy mô lớn từ ngày 20/12. Tính tới ngày 25/12, Thái Lan đã xét nghiệm hơn 8.800 người và phát hiện hơn 1.300 ca nhiễm mới. Samut Sakhon cũng đã áp lệnh giới nghiêm qua đêm và hạn chế đi ra vào tỉnh này.

Trong khi đó ở Australia, bang New South Wales, nơi có thành phố Sydney, cũng đang chiến đấu với một đợt bùng phát nhỏ mới. Hơn 100 ca nhiễm cộng đồng đã được báo cáo trong tuần này.

Những vi phạm về quy định cách ly người nước ngoài tại các khách sạn có thể là nguyên nhân của đợt bùng phát này. Dù nguồn gốc của đợt bùng phát mới nhất chưa được xác nhận, giới chức y tế nói rằng nó có thể liên quan tới một phụ nữ trở về từ Los Angeles hồi đầu tháng 12.

Hôm 21/12, giới chức Australia cho biết họ đã phát hiện một số ca nhiễm của chủng nCoV mới ở các hành khách Anh đang được cách ly.

Chính phủ Australia hôm 23/12 thông báo nới lỏng một số hạn chế trong đợt Giáng sinh, sau khi chỉ phát hiện 8 ca nhiễm mới trong gần 42.000 mẫu xét nghiệm.

Để ngăn chặn các ca nhiễm ngoại nhập gây nguy hiểm cho cộng đồng, Australia đã cấm nhập cảnh với gần như tất cả người không cư trú ở đây và thậm chí giới hạn số công dân có thể trở về ở mức vài nghìn người mỗi tuần. Quy định này khiến cho khoảng 25.000 – 100.000 người Australia bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Hàn Quốc, một trong những nước từng được ca ngợi là hình mẫu chống dịch, cũng đang chật vật với đợt bùng phát tồi tệ nhất. Quốc gia này đã tránh được các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Tuy nhiên, chiến lược này đang bị thách thức bởi làn sóng Covid-19 mới.

“Thật khó để kiểm soát mà không đóng cửa, trừ khi bạn có thể triển khai tiêm vaccine”, giáo sư MacIntyre nói.

Trong tuần qua, quốc gia này báo cáo mốc kỷ lục mới về số ca nhiễm mới trong ngày với gần 1.100 ca hôm 20/12. Tới ngày 21/12, đất nước 52 triệu dân chỉ còn trống 42 giường chăm sóc đặc biệt. Một số khu vực hôm 21/12 cũng phải thông báo cấm các buổi tiệc tùng trên 5 người.

Soonman Kwon, giáo sư về kinh tế học y tế và chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul, nói rằng đợt gia tăng mới là do nhiều nguyên nhân kết hợp, như thời tiết mùa đông và tâm lý mệt mỏi người dân sau gần một năm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Giống như nhiều nơi khác ở châu Á, ông nói rằng đợt bùng phát ở Hàn Quốc có thể khó kiểm soát hơn do ý thức tuân thủ các biện pháp giảm và công tác truy vết khó khăn hơn do số ca nhiễm tăng mạnh.

Hong Kong cũng tiếp tục phải chiến đấu với làn sóng Covid-19 thứ 4 trong năm nay. Trưởng đặc khu Carrie Lam cảnh báo nó “phức tạp và nghiêm trọng hơn” với các ca nhiễm lan rộng trên khắp lãnh thổ.

Chính quyền đặc khu đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, như cấm tụ tập quá hai người, cấm dịch vụ ăn uống trong nhà hàng sau 6h tối. Bà Lam cũng kêu gọi người Hong Kong “dừng tất cả hoạt động xã hội”.

Bất chấp các biện pháp trên, số ca nhiễm mới giảm rất ít trong 4 tuần qua. Thành phố 7,5 triệu dân đã báo cáo hơn 8.300 ca nhiễm và 133 người chết.

Hôm 22/12, Hong Kong đã cấm mọi chuyến bay từ Anh nhằm tránh nguy cơ lây lan chủng nCoV mới mà các nhà khoa học Anh nói rằng có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%.

nhat-ban-covid-19-jpeg-5346-1608894878_r_460x0Máy rửa tay lưu động ở khu phố mua sắm Ginza, thủ đô Tokyo, Nhật Bản hôm 20/12. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản cũng không tránh khỏi đợt bùng phát mới và thậm chí phải đối mặt với tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng. Số ca nhiễm mới bắt đầu tăng mạnh từ hồi đầu tháng 11 và số ca nhiễm của quốc gia 126 triệu dân này đã vượt 200.000 vào hôm 21/12. Tính từ đầu tháng tới nay, Tokyo đã báo cáo gần 11.000 ca nhiễm mới.

Nhiều bệnh viện ở Nhật Bản đối mặt tình trạng quá tải. Gần một nửa trong số 4.000 giường bệnh dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 ở Tokyo đã kín chỗ vào tuần trước.

Các nhà chỉ trích nói rằng đợt bùng phát cho thấy khả năng lãnh đạo yếu kém, thiếu kiến thức khoa học và phản ứng chậm trễ của chính phủ khi đối phó với đại dịch.

Nhiều nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo và Đại học California chỉ ra những người tham gia vào chiến dịch thúc đẩy du lịch nội địa của chính phủ có nguy cơ nhiễm nCoV cao gấp hai lần so với người khác, dù chính phủ bác bỏ kết luận này. Chính phủ Nhật Bản hôm 14/12 thông báo dừng chiến dịch này nhưng phải đợi tới ngày 28/12.

Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe nói rằng mùa đông và tâm lý mệt mỏi vì Covid-19 của người dân cũng là hai yếu tố khiến tình hình đại dịch phức tạp hơn.

Hassan Vally, phó giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học La Trobe ở Melbourne, nhận định làn sóng tăng ca nhiễm mới ở châu Á – Thái Bình Dương cho thấy virus có thể tấn công bất kỳ nơi nào để lộ sơ hở.

“Kiểm soát lây lan chỉ là biện pháp tạm thời và đây là thế giới mà chúng ta sẽ sống với các đợt bùng phát lặp đi lặp lại. Cho tới khi vaccine được triển khai, chúng ta phải tiếp tục tất cả các biện pháp đã hiệu quả trước đó, như xét nghiệm, truy vết, cách ly, cũng như giãn cách xã hội, rửa tay và hạn chế tiếp xúc cộng đồng”, Vally nói.

Nguồn: Time

Thanh Tâm (Theo VnExpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN