Thảm cảnh của những con voi phục vụ du lịch ở Thái Lan

Bị tách mẹ từ sớm, đeo móc sắt và thiếu thức ăn… là thảm cảnh của những con voi được thuần hóa, trước khi bán cho các địa điểm du lịch để phục vụ cho ngành du lịch của Thái Lan.

Ploy, 2 tuổi, đang tập làm xiếc - Ảnh: AFP
Ploy, 2 tuổi, đang tập làm xiếc – Ảnh: AFP

Ploy, 2 tuổi, phải ôm quả bóng trong lúc đang loạng choạng đứng bằng hai chân, rồi ném quả bóng về phía cái vòng. Đây là một trong nhiều thủ thuật làm xiếc mà Ploy đang học ở Ban Ta Klang, làng đào tạo voi truyền thống ở phía Đông Thái Lan.

Ở đây, họ dạy voi con cách để mua vui cho hàng chục triệu khách du lịch đến Thái Lan mỗi năm. Nhiều người rất thích thú với những màn xiếc voi chơi thể thao, nhảy múa, hay thậm chí là vẽ tranh.

Dân làng Ban Ta Klang, những người đã làm công việc thuần hóa voi trong nhiều thế hệ, nói đây là công việc cần thiết vì lý do an toàn, và họ không hề quá tay với những con voi.

“Chúng tôi không nuôi chúng lớn để làm đau chúng… Nếu chúng không bướng bỉnh thì chúng tôi không làm gì cả”, anh Charin nói trong lúc vuốt ve đầu voi Ploy một cách trìu mến.

Charin kiếm được khoảng 350 USD/tháng bằng nghề thuần hóa voi, nghề gia truyền từ thời ông của anh.

Voi con phải rời mẹ từ sớm và trải qua quá trình thuần hóa khắt khe - Ảnh: AFP
Voi con phải rời mẹ từ sớm và trải qua quá trình thuần hóa khắt khe – Ảnh: AFP

Trái với nhận định của anh Charin, những người ủng hộ quyền động vật cho rằng kỹ thuật thuần hóa (khiến voi con phải rời khỏi mẹ khi mới 2 tuổi) là tàn nhẫn và lỗi thời.

Nghề hái ra tiền

Theo hãng tin AFP, khoảng 30 năm trước, những con voi đã bị loại khỏi ngành khai thác gỗ, khiến những người quản tượng thất nghiệp.

Vì vậy, họ chuyển sang ngành du lịch, khi đó đang vào thời kỳ hưng thịnh. Những con voi lúc này làm việc trong các công viên giải trí, nơi cung cấp dịch vụ cưỡi voi và các buổi biểu diễn.

Chi phí thuần hóa một con voi có thể lên đến 80.000 USD, một khoản đầu tư khổng lồ đòi hỏi nhiều giờ lao động cực nhọc và thậm chí nguy hiểm của voi để bù đắp lại.

Du khách rất thích thú với những trải nghiệm cùng voi - Ảnh: AFP
Du khách rất thích thú với những trải nghiệm cùng voi – Ảnh: AFP

Công viên Mae Taeng ở phía bắc thành phố Chiang Mai đón tới 5.000 du khách mỗi ngày, và thu phí vào cửa tới 50 USD/khách.

Nhiều khách đến công viên Mae Taeng là để gặp Suda, con voi có thể vẽ tranh phong cảnh Nhật Bản. Du khách có thể mua tranh do Suda vẽ với giá 150 USD/bức trước khi được cưỡi Suda lòng vòng.

Tranh do Suda vẽ mang lại nguồn thu lớn cho công viên Mae Taeng - Ảnh: AFP
Tranh do Suda vẽ mang lại nguồn thu lớn cho công viên Mae Taeng – Ảnh: AFP

Ngày nay, khi những dịch vụ như vậy được xem là không nhân đạo với voi. Khách du lịch không được cưỡi voi nữa mà được khuyến khích cho voi ăn, chải chuốt và chăm sóc voi – những trải nghiệm được xem là khó quên với du khách.

Tuy vậy, những tổ chức nhân đạo cảnh báo rằng ngay cả những hoạt động có vẻ lành như vậy vẫn có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề. Như tắm cho voi vẫn có thể làm voi bị căng thẳng. Và chuyện gì xảy ra sau khi du khách về nhà? Những con voi bị xích trong nhiều giờ, bị buộc phải ngủ trên nền bê tông và bị suy dinh dưỡng.

Du lịch nhân đạo

“Trong số 220 công viên có voi trên toàn Thái Lan, trái với những lời hứa hẹn, chỉ có một ít đảm đủ điều kiện sống cho voi”, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) cho biết.

WAP đã làm việc với ChangChill, một cơ sở nuôi voi nhỏ gần Chiang Mai. Họ thay đổi cách nuôi voi: cho voi nhiều không gian hơn, tương tác ít hơn và cho chúng một môi trường sống gần giống với tự nhiên.

Kết quả là voi “ít bệnh và bình tĩnh hơn”, giám đốc cơ sở Supakorn Thanaseth cho biết.

Từ đó, nguy cơ du khách gặp tai nạn do voi bị căng thẳng đã giảm. Dù vậy những người quản tượng vẫn phải thủ sẵn cái móc sắt để điều khiển voi trong trường hợp khẩn cấp.

Voi phục vụ du lịch phải làm việc nhiều trong điều kiện sống thiếu thốn - Ảnh: AFP
Voi phục vụ du lịch phải làm việc nhiều trong điều kiện sống thiếu thốn – Ảnh: AFP

Cơ sở ChangChill hy vọng sẽ có lãi trong mùa cao điểm du lịch hiện tại, nhưng cơ sở này chỉ nhận 40 khách mỗi ngày để tương tác với 6 con voi, vì mục tiêu đặt voi lên hàng đầu.

Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu, vì trên lãnh thổ Thái Lan hiện có tới 4.000 con voi thuần hóa.

Theo AFP, do thiếu không gian nuôi nhốt và khả năng xung đột với con người, một số tổ chức phi chính phủ (NGO) kiến nghị nên thả voi về tự nhiên, nhưng chính phủ Thái Lan làm lơ vì ngành du lịch Thái Lan hiện nay đón tới 38 triệu du khách mỗi năm.

Một con voi tắm cùng người quản tượng ở cơ sở ChangChill, phía bắc thành phố Chiang Mai - Ảnh: AFP
Một con voi tắm cùng người quản tượng ở cơ sở ChangChill, phía bắc thành phố Chiang Mai – Ảnh: AFP

Các hiệp hội bảo vệ động vật đã đệ trình nhiều văn bản kiến nghị cho chính phủ, đề ra các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn những con voi thuần hóa. Tuy nhiên, theo lời tổ chức phi chính phủ Friends of the Asian Elephants, họ vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng.

Trên thực tế, có bằng chứng cho thấy tình cảnh của những coi voi thuần hóa ở Thái Lan đã trở nên tồi tệ hơn.

Tiến sĩ Schmidt-Burbach từ WAP cho biết nghiên cứu cuối cùng của họ vào năm 2015 cho thấy có khoảng 1.771 con voi có điều kiện sống dưới chuẩn, nhiều hơn 357 con so với năm 2010.

Theo tuoite.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN