Tháng Giêng được ví là “tháng ăn chơi” bởi đâu đâu cũng có lễ hội. Nhưng nhiều người cũng phải “rùng mình” với những hình ảnh xấu xí về văn hóa du xuân của người Việt mình.
Lạ đời đám cưới mâm cao cỗ đầy không ăn mà chia phần để mang về
Giò lụa 6 miếng, giò bò 6 miếng, thịt gà 12 miếng, bánh giày 6 cái, quýt 6 quả… mâm 6 người cứ thế mà chia. Đến cái tăm cũng tròn 6 cái, ai xỉa răng mà vô tình làm gẫy thì thôi, để về nhà xỉa tiếp. |
Vỡ đầu mẻ trán cướp phết
Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra vào ngày 20/2 (13 tháng Giêng) vừa qua khiến cho nhiều người bàng hoàng trước cảnh tượng cướp phết đầy bạo lực. Đây là lễ hội có ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa – Đức Thánh mẫu Đại vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.
Dù buổi chiều muộn mới diễn ra lễ hội nhưng ngay từ sớm, hàng nghìn thanh niên trai tráng, trong đó có nhiều người xăm trổ đã sẵn sang tranh cướp phết để cầu may mắn.
Ngay sau phần lễ, 6 quả phết được ông “Chỉ Tiên” đem ra tung cho người dân với ý nghĩa: Nếu ai bị quả phết rơi vào đầu hay chạm tay thì năm đó không chỉ riêng họ mà cả làng, gia đình, thôn xóm đều gặp may mắn. Vì thế, hàng nghìn người mình trần lao vào nhau, giẫm đạp, ẩu đả để cướp bằng được quả phết với hy vọng mang lại may mắn cho mình. Biển người hỗn loạn, gào thét tạo nên cảnh tượng tranh giành phản cảm.
Chẳng biết cướp được phết may mắn có đến với người “sở hữu” được nó hay không nhưng đã có người vỡ đầu mẻ trán, có người bị đám đông chen đến ngất lịm, cũng chẳng hiếm người mặt mày lấm lem, thần sắc hoảng loạn do ẩu đả. Khi xem những clip chia sẻ hẳn nhiều người sẽ rùng mình với những hình ảnh “xấu” ở lễ hội tháng giêng cướp phết này.
Trèo lên bàn thờ xin ấn
Tại lễ hội đền Trần (Nam Định) diễn ra tối 14 tháng giêng hàng năm, cảnh tượng chen lấn, trèo tường, leo lên lư hương, giẫm lên bệ thờ để cướp ấn lại diễn ra.
Ngay trong những giờ khắc đầu tiên của lễ phát ấn đền Trần, cảnh tượng hỗn loạn xảy ra khiến người ta phải choáng váng. Cả biển người ùa lên, dẫm đạp lên nhau để giành lộc, đẩy ngã người khác, xô đổ hàng rào, leo lên cả rào chắn, đỉnh đồng, đu lên xà nhà, cành cây, vò tiền ném rào rào vào kiệu rước và la hét ầm ĩ.
Để tổ chức lễ hội an vui, ban tổ chức đã chuẩn bị các phương án an ninh chặt chẽ như huy động hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, dân quân tự vệ trên địa bàn tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông nhưng vẫn không ngăn được cảnh tượng rùng mình này.
Đám đông tranh cướp không chỉ là lá ấn mà còn là tất cả những thứ họ tin là có “linh khí” như hoa và nến trên bàn thờ cũng bị cướp sạch. Chỉ vài tiếng sau khi làm lễ khai ấn, các vật phẩm như hoa, quả tại ban thờ ngoài sân đền Thiên Trường đã bị cướp đến tan hoang.
Lạm dụng, chọc ghẹo phụ nữ
Lễ hội Gầu Tào (từ ngày 4 – 6/1 Âm lịch) ở xã Sa Pả, tỉnh Sa Pa là phong tục truyền thống của người Mông được tổ chức chức hằng năm để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ cho mọi người, mọi nhà khỏe mạnh, dân bản ấm no, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng…nhưng cũng bị thanh niên làm cho biến tướng.
Phần hội có trò kéo vợ thể hiện sự danh giá của người phụ nữ, đồng thời thể hiện tình yêu mãnh liệt của người con trai dành cho người con gái người Mông. Nhưng một số thanh niên lạm dụng, chọc ghẹo phụ nữ khiến ý nghĩa tốt đẹp của tập tục này ít nhiều bị giảm sút.
Và còn rất rất nhiều các lễ hội trong tháng giêng ở mọi nơi dù diễn ra trong không khí rộn ràng, vui tươi đầu năm nhưng đâu đó vẫn có những hình ảnh “xấu” khiến nhiều người cũng phải ngán ngẩm. Tính nhân văn của nhiều lễ hội rõ ràng đã biến tướng, nhiều nơi chẳng khác nào sàn đấu cho những con người hung hăng, hiếu thắng và tham lam.
Điều đáng nói, không ít những người ăn mặc lịch sự đến chốn linh thiêng mà hành xử chẳng khác côn đồ. Sự xô bồ này đã làm mất đi vẻ đẹp của các lễ hội và tạo cơ hội cho nạn trộm cắp, chặt chém hoành hành.
Theo PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, lễ hội tháng Giêng người dân đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam với mong ước cầu an, may mắn, sức khỏe cho gia đình và bản thân trong năm mới.
Tuy nhiên, ngày nay các nét đẹp ấy dần bị biến tướng khi tại rất nhiều lễ hội diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn.
Đây là dấu hiệu của sự suy thoái tinh thần, ý thức đạo đức của một số cá nhân cụ thể trong xã hội. Bản năng “hung tính” của con người trỗi dậy dẫn tới những hành vi ứng xử thiếu tính nhân văn. Nguyên nhân của thực trạng này là sự sai lệch trong ý thức và văn hóa cư xử của số đông những người tham gia lễ hội.
Con người không được giáo dục tới nơi, tới chốn để biết cách hành xử như thế nào khi tới chốn tâm linh. Bên cạnh đó là sự yếu kém trong quản lý của ngành văn hóa và chính quyền địa phương, phục hồi lễ hội có tính chất ồ ạt.
Theo Gia đình & Xã hội