Khoảng 10 giờ sáng nay 4/7, người dân phường Định Công (Hà Nội) phát hiện người đàn ông trung niên nằm bên vệ đường đã báo công an đưa vào BV Bạch Mai Cấp cứu. Thời điểm nhập viện, thân nhiệt bệnh nhân lên đến 41 độ C, nghi ngờ sốc nhiệt do nắng nóng.
- “Cực hình” dưới nắng nóng đỉnh điểm ở Hà Nội
- 10 mẹo chọn đồ giúp thổi bay nắng nóng của mùa hè
- Những sản phẩm vừa làm đẹp lại làm mát mà các chị em tìm đến “ầm ầm” mỗi khi trời nắng nóng
TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân được công an phường Định Công đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, không rõ thân nhân, thân nhiệt lên đến 41 độ C. Với tình trạng này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, tim… và hiện đang cần đánh giá.
Sau hơn 1 tiếng tích cực hạ nhiệt, hiện thân nhiệt bệnh nhân đã xuống 38,5 độ nhưng vẫn đang hôn mê. Công an đang xác định thân nhân bệnh nhân.
Hiện các kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân đang chờ, nhưng với biểu hiện ban đầu, rất có khả năng bệnh nhân bị sốc nhiệt do nóng nắng.
Theo TS Tuấn, trong mùa nắng nóng, tình trạng bệnh nhân nhập viện không có thân nhân là có thể xảy ra do say nắng, sốc nhiệt, ngã ra được người dân, người đưa đường đưa vào bệnh viện, nắng nóng ngã ra, không có thông tin.
Vì thế, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, di chứng mà bệnh nhân phải chịu.
“Ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… ưu tiên đầu tiên là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh”, TS Tuấn nói.
Lúc này, đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào.
Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.
Trong quá trình cấp cứu, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân.
Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.
Để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước. Khi nhiệt độ lên cao nắng nóng ngay gắt ở giờ cao điểm 11h – 15 giờ nên hạn chế hoạt động ngoài trời và hãy uống đủ nước.
Hãy cẩn trọng với say nắng, nhiều người chủ quan say nắng “chừa mình” nhưng say nắng đến rất nhanh. Thân nhiệt bệnh nhân lên rất cao (có thể trên 39,5 độ C); Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); Mạch nhanh, mạnh; Đau đầu nhức nhối; Chóng mặt, buồn nôn khiến bệnh nhân nhanh chóng không kiểm soát được bản thân. Với những trường hợp nặng hơn nữa có thể gây tổn thương não, mê sảng, mất ý thức, thậm chí tử vong, vì thế hãy luôn cẩn trọng phòng say nắng trong ngày hè.
Theo Dân Trí