Các nhà khoa học phát hiện kháng thể chống virus SARS-CoV-2 không tồn tại lâu trong máu người bệnh. Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống miễn dịch có ghi nhớ “kẻ thù” của nó, nguy cơ tái nhiễm là bao nhiêu?
- Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh chưa từng có, thế giới vào giai đoạn nguy hiểm
- Ung thư cổ tử cung đang trẻ hóa về độ tuổi: Cảnh báo 3 hành động làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Bệnh nhân phi công người Anh đủ điều kiện rời khu hồi sức tích cực
Virus corona gây bệnh COVID-19 nhìn qua kính hiển vi – Ảnh: AP
Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Medicine, nhóm khoa học Trung Quốc phát hiện kháng thể chống virus corona có thể chỉ tồn tại được 2-3 tháng trong máu bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân không triệu chứng có kháng thể ít hơn người phát triệu chứng.
Trước đây giới nghiên cứu hi vọng rằng chủng virus mới cũng giống với các họ hàng corona khác, tức người đã nhiễm có thể miễn dịch được từ 6-12 tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy 3 tháng là tối đa.
Kết quả này tương tự một nghiên cứu khác chưa được đánh giá của một nhóm khoa học Mỹ và Trung Quốc đăng trên trang medRxiv.org.
Họ xét nghiệm 23.000 mẫu máu của các y bác sĩ ở Vũ Hán, với ít nhất 25% đã từng nhiễm COVID-19, tuy nhiên chỉ 4% mẫu phát hiện có kháng thể. Hơn 10% bệnh nhân thậm chí mất kháng thể bảo vệ chỉ trong vòng 1 tháng sau khi nhiễm.
Điều này là chưa từng có tiền lệ. Trong trường hợp hội chứng viêm hô hấp cấp nặng (SARS) trước đây, một số bệnh nhân thậm chí còn giữ kháng thể IgG thậm chí tận 12 năm sau.
Nếu các kết quả trên là chính xác, có một số hệ quả mang ảnh hưởng lớn đối với công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thứ nhất, huyết tương của người khỏi bệnh sẽ không phù hợp để dùng chữa cho bệnh nhân khác nếu 3 tháng đã trôi qua. Thứ hai, xét nghiệm kháng thể đại trà để đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng sẽ không khả thi.
Từ đó lại dẫn tới đánh giá mức độ “miễn dịch cộng đồng” cũng không chính xác. Những ý tưởng kiểu “cấp hộ chiếu miễn dịch” cho người đã khỏi bệnh cũng sẽ phá sản, vì có khả năng họ không còn kháng thể nào chỉ trong 3 tháng.
Với những người đã từng nhiễm COVID-19 không triệu chứng, nếu muốn kiểm tra xem mình đã từng nhiễm chưa cũng bất khả thi nếu thời điểm mắc đã quá lâu.
Cuối cùng là câu hỏi quan trọng nhất: Nếu kháng thể biến mất nhanh như vậy, liệu bệnh nhân COIVD-19 có gặp nguy cơ tái nhiễm? Liệu vắcxin có tạo được miễn dịch cộng đồng?
Miễn dịch cộng đồng là chìa khóa để cuộc sống quay trở lại thời kỳ “tiền corona”. Chưa đạt được miễn dịch cộng đồng nên hầu hết các quốc gia đều chấp nhận kiểu sống “bình thường mới” với các biện pháp giãn cách xã hội – Ảnh: Reuters
Báo New York Times dẫn ý kiến một số chuyên gia Mỹ cho rằng mất kháng thể không hẳn là dấu hiệu cho thấy một người có thể tái nhiễm COVID-19 chỉ sau vài tháng, lý do là hệ thống miễn dịch có cơ chế lưu giữ ký ức về các loại vi trùng từng tấn công.
“Hầu hết mọi người không chú ý đến tế bào miễn dịch T mà chỉ tập trung vào mức độ kháng thể. Một số kháng thể, dù chỉ ở mức nhỏ, cũng mang hiệu quả kháng virus rất lớn”, nhà virus học Angela Rasmussen lưu ý.
“Tế bào T mang chức năng giết virus, còn tế bào lympho B ghi nhớ dấu hiệu hóa học của virus. Nếu chúng gặp lại virus, chúng sẽ tạo ra kháng thể rất nhanh”, nhà virus học Florian Krammer, Trường Y Icahn, giải thích thêm.
Vấn đề này có lẽ cần chờ thêm nhiều nghiên cứu sâu khác, bởi nó còn liên quan đến hiệu quả của các loại vắcxin đang phát triển. Nhìn chung hiểu biết của con người về virus SARS-CoV-2 vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, nghiên cứu của Trung Quốc còn xác định bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng cũng mắc tổn thương phổi tương tự những người khác. Đây là kết quả khẳng định những nghiên cứu trước, rằng người bệnh không thể thoát “một cách toàn vẹn” một khi đã nhiễm virus.
Một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) còn gợi ý rằng bệnh nhân nào sản sinh quá nhiều kháng thể COVID-19, nguy cơ tử vong cao hơn hẳn so với người phản ứng vừa phải. Đây cũng là một trong nhiều vấn đề đang được theo dõi.
Phúc Long (Theo Tuổi Trẻ)