Khi đại dịch đến, nhiều người lo những nước nhỏ sẽ chịu thiệt hại nặng nhất. Ngược lại, chính các siêu cường thế giới phải điêu đứng trước Covid-19.
- 50 năm Di chúc Bác Hồ: Yêu thương để lại cho đời
- Phát hiện thêm một ca mắc COVID-19 ở Tây Ninh
- Cập nhật Covid-19: Nga vượt Anh trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới
Ba siêu cường Mỹ, Anh và Nga trở thành ba vùng dịch lớn và chết chóc nhất hành tinh. Những quốc gia lớn khác ban đầu cũng chật vật phản ứng với đại dịch. Trung Quốc co về phòng thủ trước mũi dùi chỉ trích vì thiếu minh bạch trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ngược lại, một số nước nhỏ lại giành được sự công nhận mới. Yanzhong Huang, thành viên cấp cao tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, cho rằng các quốc gia lớn và hùng mạnh nhất thế giới sẽ cần học hỏi nhiều điều từ những nước nhỏ bé hơn.
“Tôi muốn diễn giải điều nhà văn nổi tiếng Leo Tolstoy từng nói: tất cả quốc gia thành công đều giống nhau, những quốc gia thất bại sẽ thất bại theo cách của riêng họ”, Huang nói.
Bộ đội phòng hóa phun hóa chất tẩy trùng số nhà 125 Trúc Bạch và các khu lân cận, Hà Nội, ngày 7/3. Ảnh: Giang Huy.
Một trong những câu chuyện chống Covid-19 thành công được nhắc đến là Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á với khoảng 95 triệu dân. Huang cho rằng ngay cả khi nằm trong nhóm những nước châu Á có chiến lược chống dịch hiệu quả, Việt Nam vẫn là ngoại lệ.
Không phải một nền dân chủ giàu có như Hàn Quốc hay thành phố phát triển vượt bậc như Singapore và còn giáp Trung Quốc, Việt Nam chỉ ghi nhận 320 ca nhiễm, trong đó 60 ca đang được điều trị. Việt Nam không phát hiện ca nhiễm cộng đồng trong một tháng qua và chưa báo cáo bất kỳ ca tử vong nào.
Nhiều chuyên gia Mỹ rất ấn tượng với cách chống dịch của Việt Nam. “Việt Nam là một hình mẫu thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng để kiểm soát Covid-19″, Matthew Moore, quan chức thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhận định.
Ông chỉ ra Việt Nam đã tăng cường khả năng xét nghiệm và theo dõi lịch sử tiếp xúc rất nhanh, đồng thời xây dựng được chiến lược truyền thông rộng khắp với sự ủng hộ người dân.
Việt Nam cũng đang tìm cách khôi phục nền kinh tế giữa lúc nhiều công ty nước ngoài dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Huong Le Thu, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, tháng trước cho hay “cuộc khủng hoảng củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam trên vũ đài quốc tế, đồng thời gia tăng niềm tin của người dân vào chính phủ”.
Gruzia vẫn khá bình yên dù tiếp giáp Nga, vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 280.000 người nhiễm và hơn 2.600 người chết. Quốc gia với 3,75 triệu dân báo cáo chưa tới 700 ca nhiễm, 12 ca tử vong và nhận được nhiều ca ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hành động nhanh chóng của chính phủ, như yêu cầu kiểm tra y tế ở sân bay từ cuối tháng 1 và sớm hạn chế đi lại quốc tế, dường như đã giúp Gruzia “thắng trận đầu” trước đại dịch. Khi tốc độ lây nhiễm giảm dần và quốc gia này dự định mở cửa du lịch, đại sứ Gruzia tại Mỹ – David Bakradze cho biết văn phòng của ông đã nhận được nhiều đề nghị kinh doanh và du lịch từ những người Mỹ tò mò.
Gruzia, với địa lý nhỏ, cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm từ du khách nước ngoài. Từng điêu đứng khi Liên Xô sụp đổ, người dân luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, như chấp nhận lệnh cấm đi lại hoặc hàng loạt biện pháp kiểm soát xã hội. “Chúng tôi đã quen với việc cùng nhau sống qua giai đoạn khó khăn”, Bakradze nói.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho hành khách nam tại sân bay quốc tế Kotoka ở thủ đô Accra, Ghana. Ảnh: Reuters.
Nhiều chuyên gia từng lo lắng các nước châu Phi cận Sahara có thể trở thành nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch. Nhưng hơn ba tháng qua, một số nước châu Phi có vẻ làm tốt hơn so với các nước ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tại Ghana, quốc gia Tây Phi với khoảng 30 triệu người, chính phủ đã xét nghiệm hơn 161.000 người, chỉ đứng sau Nam Phi ở khu vực.
Ghana đã phát hiện 5.600 ca nhiễm và 28 người chết vì nCoV. Chiến dịch xét nghiệm rộng khắp giúp nước này có thể theo dõi các ổ dịch bùng phát đơn lẻ, trong đó có ổ dịch ở nhà máy chế biến cá khi một công nhân lây nhiễm cho 533 người. Các đội nhân viên y tế cộng đồng của Ghana cũng phản ứng với dịch rất hiệu quả. WHO đang nghiên cứu một số kỹ thuật của Ghana, bao gồm “xét nghiệm nhóm” để tiết kiệm thời gian, trong đó nhiều mẫu máu sẽ được xét nghiệm cùng nhau và chỉ được tiến hành riêng nếu phát hiện kết quả dương tính.
Osman Dar, giám đốc Chương trình Sức khỏe Toàn cầu tại Viện nghiên cứu Chatham House ở London, cho biết Ghana được hưởng lợi khi đa phần là dân số trẻ, chỉ 3% dân số trên 65 tuổi. Nhưng giới chức Ghana cũng “khá chủ động sử dụng ngân sách để kiểm soát dịch bùng phát”, ông nói. Ghana đã huy động quỹ khẩn cấp của chính phủ thay vì đợi chờ viện trợ quốc tế.
Một số quốc gia châu Phi khác cũng hành động quyết liệt như vậy. Nam Phi đã huy động hàng nghìn y tá trong khi Senegal nhanh chóng phát triển bộ xét nghiệm 1 USD có thể phát hiện nCoV trong 10 phút. Các lệnh cấm đi lại và lệnh giới nghiêm cũng được các nước áp dụng theo chỉ đạo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, “cơ quan đóng vai trò quan trọng trong điều phối và đưa ra phản ứng nhất quán”, theo Dar.
Costa Rica là quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh phát hiện ca nhiễm nCoV vào 6/3. Hơn hai tháng sau, quốc gia 5 triệu dân đã bắt đầu nới phong tỏa, khi ghi nhận chưa tới 850 ca nhiễm và 10 ca tử vong.
Juliana Martinez-Franzoni, phó giáo sư tại Đại học Costa Rica, chỉ ra hai yếu tố chính giúp quốc gia này chống dịch hiệu quả là hệ thống y tế thống nhất và vững mạnh, cùng việc huy động hiệu quả nguồn lực của chính quyền trung ương để cung cấp các hỗ trợ và dịch vụ cơ bản.
“Phản ứng của Costa Rica nhanh hơn bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào và có kỷ luật hơn”, bà Martinez-Franzoni nói và thêm rằng người dân tin tưởng chính phủ đang giúp họ xử lý khủng hoảng nên mức độ tuân thủ các quy định cũng cao hơn.
Không giống các quốc gia Nam Mỹ khác, Costa Rica có hệ thống y tế phổ cập và các dịch vụ như điện, nước không được tư nhân hóa. Dù còn bất bình đẳng về kinh tế và nghèo đói, những tổ chức nền tảng vẫn giúp quốc gia này đối phó và kiểm soát nCoV, đồng thời ngăn kinh tế sụp đổ.
Khi đại dịch đến, Lebanon đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, các cuộc biểu tình chính trị, hệ quả của tham nhũng và bộ máy quản lý rối loạn trong nhiều thập kỷ. Hơn một triệu người tị nạn Syria và Palestine đặt ra cho quốc gia chưa tới 7 triệu người hàng loạt thách thức.
Nhưng giới chức Lebanon đã hành động nhanh khi nCoV xuất hiện. Chính phủ ra lệnh phong tỏa một tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 2. Hành động sớm và việc người dân đã quen với khủng hoảng, sẵn sàng thực hiện các biện pháp dù có hay không có chỉ đạo từ chính phủ đã giúp Lebanon kiểm soát dịch nhanh chóng. Quốc gia ở Trung Đông báo cáo hơn 900 ca nhiễm và 26 trường hợp tử vong vì nCoV.
Covid-19 đặt ra một bài kiểm tra về khả năng kiên cường của Lebanon. Nền kinh tế đóng băng do phong tỏa làm trầm trọng thêm những tai ương kinh tế tồn tại từ trước đó. Giữa tháng 5, chính phủ bắt đầu nới lỏng hạn chế khi số ca nhiễm mới giảm và lập tức tái áp đặt phong tỏa 4 ngày khi hơn 100 ca nhiễm mới được phát hiện chỉ trong vài ngày. Giới chức tiếp tục đóng cửa đất nước để thực hiện truy vết lịch sử tiếp xúc và kiểm soát đợt bùng phát.
Người dân vẫn duy trì cách biệt cộng đồng trên một tuyến phố ở Auckland, New Zealand, hôm 14/5. Ảnh: Washington Post.
New Zealand áp chiến lược dập dịch thần tốc và chỉ mất 10 ngày để thấy thành công đầu tiên trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngày 23/3, Thủ tướng Jacinda Ardern cảnh báo quốc gia ở Châu Đại Dương chỉ có 48 giờ để chuẩn bị phong tỏa cấp 4. “Chúng ta hiện ghi nhận 102 ca nhiễm. Nhưng Italy cũng từng như vậy”, bà nói.
6 tuần sau, New Zealand bắt đầu nới lỏng hạn chế. Quốc gia 5 triệu dân ghi nhận 1.498 ca nhiễm và 21 ca tử vong vì nCoV. Tuần này, lần đầu tiên kể từ khi phong tỏa, New Zealand không phát hiện ca nhiễm mới.
Chỉ một tháng trước, khảo sát cho thấy bà Arden phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử rất khó khăn vào cuối năm nay. Nhưng tỷ lệ ủng hộ Arden trong tháng 4 đã tăng lên 65% khi bà được quốc tế ca ngợi vì phản ứng quyết liệt với đại dịch.
Van Jackson, học giả người Mỹ tại Đại học Victoria ở Wellington, cho biết ông đã nhận được nhiều cuộc gọi của người Mỹ để hỏi về thị trường việc làm ở New Zealand. “Ngay cả một số người bạn của tôi được biên chế ở các viện Ivy League cũng đang nghiên cứu xem liệu họ có nên chuyển tới sống ở New Zealand hay Australia. Bạn có biết một người được biên chế muốn chuyển tới nơi khác sống là chuyện hiếm thấy tới mức nào không?”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo vnexpress.net)