Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết trong số các nguồn năng lượng tái tạo, sản lượng điện Mặt Trời sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, trong khi thủy điện có tốc độ tăng trưởng chậm nhất.
- Ô nhiễm không khí: Hãy hành động, đừng ngồi im nữa!
- Biết trước ô nhiễm không khí, sao không phát cảnh báo mà đợi tới 3 tuần?
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 2/10 dự báo đến năm 2050, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng tỷ trọng và chiếm tới 49% sản lượng điện toàn cầu.
Dựa trên báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới năm 2019 công bố mới đây, EIA cho biết trong số các nguồn năng lượng tái tạo, sản lượng điện Mặt Trời sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, trong khi thủy điện có tốc độ tăng trưởng chậm nhất.
Theo EIA, Trung Quốc có thể sẽ là quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng điện Mặt Trời cao nhất do nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng, các chính sách ưu tiên phát triển của chính phủ cộng với chi phí công nghệ cạnh tranh.
Trong khi đó, điện gió vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ và chậm cải thiện sức cạnh tranh về chi phí so với điện Mặt Trời.
Tuy nhiên, EIA nhận định công nghệ điện gió vẫn có tiềm năng phát triển khả quan do nhiều khu vực tài nguyên điện gió trên thế giới vẫn chưa được khai thác.
Cơ quan trên dự báo các chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Ấn Độ và các nước châu Âu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ giúp tăng sản lượng điện gió tại các khu vực này.
Cũng theo IEA, mặc dù chiếm ưu thế trong năm 2018, song đến năm 2050, thủy điện sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm nhất so với các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Trong năm 2018, khoảng 28% sản lượng điện năng toàn cầu có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo, trong đó 96% đến từ thủy điện, năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời.