Đó là lời khuyên về việc làm từ thiện đúng cách của chuyên gia kinh tế Ý Ernesto Sirolli.
Đôi khi, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng từ thiện là một điều gì đó lớn lao mà chỉ những người có tiền, có quyền mới làm được. Tuy nhiên, dù là tầm hoạch định quốc gia hay một cá nhân nhỏ bé trong xã hội, làm từ thiện đều xuất phát từ cái tâm, chứ không phải “cái tầm”.
Không phải vô tình mà người ta nói, của cho không quan trọng bằng cách cho,vậy phải làm thế nào để làm từ thiện cho đúng, cho nhân văn? Câu chuyện của chuyên gia kinh tế Ý Ernesto Sirolli như một bài học về việc liệu bạn đã thực sự biết cách làm từ thiện hay chưa.
Ông Ernesto Sirolli là chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực phát triển kinh tế và là nhà sáng lập ra Viện Sirolli, tổ chức phi lợi nhuận chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu. Vào tháng 9/2012, ông đã có buổi phát biểu dài 17 phút tại hội thảo TED. Bài phát biểu của ông với tiêu đề “Muốn giúp đỡ người khác? Hãy im miệng và lắng nghe!” đã thu hút 2,5 triệu lượt xem trên trang web chính thức của hội thảo này. TED Talks là những bài diễn thuyết truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới. Diễn giả mà TED mời tham gia đều là những người xuất chúng trong lĩnh vực của họ và các bài nói chuyện nhằm chia sẻ “những ý tưởng đáng giá” với công chúng. |
Mở đầu bài nói chuyện 17 phút đầy cảm hứng của mình, ông Ernesto Sirolli khẳng định 7 năm được trải nghiệm và làm việc ở châu Phi khi còn trẻ đã định hình nên con người ông của hiện tại.
Sau biết bao lần thất bại trong những ngày đầu làm từ thiện ở châu Phi, ông Ernesto và những nhà từ thiện khác đến từ Ý đã nghĩ ra một hướng đi mới, không chỉ đơn thuẩn là cung cấp tiền bạc hay vật chất cho người dân nghèo khó. Đó là, dạy người Zambia trồng cà chua và dưa leo giống Ý.
Thậm chí khi người bản địa chẳng mấy hứng thú với công việc này, ông Ernesto cho biết họ vẫn sẵn sàng trả công cho người dân Zambia chỉ để… thi thoảng họ mới đến làm. Hướng đi mới của các nhà từ thiện Ý tưởng chừng không mấy hiệu quả thế nhưng chính những nỗ lực và hành động đúng lúc và đúng cách của họ đã giúp người Zambia tránh khỏi nạn đói.
Ông Ernesto Sirolli với phần diễn thuyết hài hước khiến nhiều người bật cười.
Với những trái cà chua to gấp đôi và những quả dưa leo thơm ngon hơn cả những nông sản được trồng ở Ý, có vẻ, cuộc đời của người dân Zambia sẽ khởi sắc hơn bao giờ hết. Thế nhưng, chỉ sau một đêm, những trái cà chua, dưa leo trên cánh đồng màu mỡ đều bị lũ hà mã ăn sạch.
Người dân địa phương thì thản nhiên đáp “Đó là lý do khiến chúng tôi chẳng trồng cái gì ở đây cả”,trong khi đó, các nhà từ thiện của Ý mặc dù vô cùng thất vọng và chán nản nhưng họ vẫn tìm ra được lý do để tự hào cho những nỗ lực của mình. Đó là bởi dù sao thì họ cũng đã nuôi ăn được mấy con hà mã…, thứ tưởng chừng chỉ là vớ vẩn trong mắt nhiều người.
Sau câu chuyện ngắn hài hước nhưng đầy ý nghĩa, ông Ernesto bắt đầu chỉ ra những thực tế không mấy tươi sáng của việc làm từ thiện, việc đầu tiên bất cứ nhóm tình nguyện viên nào cũng cần nắm rõ: Lắng nghe người dân, tìm hiểu xem họ cần gì và muốn gì. Nếu đội của Ernesto biết về đàn hà mã từ trước, thì kết quả hẳn sẽ khác.
Theo ông Ernesto Sirolli, các tổ chức từ thiện Ý, Anh, Mỹ, Pháp đã viện trợ cho châu Phi 2 nghìn tỷ USD trong nửa thế kỷ qua, thế nhưng, hành động này có thể là đang làm hại họ. “Nguyên tắc đầu tiên của viện trợ là tôn trọng… Trên tất cả, ở mọi nền kinh tế, nếu người khác không cần giúp đỡ, hãy để mặc họ”, ông Ernesto Sirolli nói.
Một câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng khái quát lên được vấn đề: khi bạn làm những điều tưởng chừng như có ích nhưng không phải thứ những người khác cần, thì việc đó gần như vô giá trị.
Bản chất của từ thiện là sự tôn trọng. Trước khi muốn giúp một ai đó, phải tự hỏi bản thân cũng như những người mà bạn muốn giúp rằng họ có cần hay không?
Vậy muốn làm từ thiện đúng cách, bạn nên làm gì? Lời khuyên của ông Ernesto chính là “Im miệng” và “Lắng nghe”! Hãy trở thành bạn bè trước đã, sau đó ngồi với người bản địa và tìm hiểu xem thực sự họ muốn gì. Chính những hành động thúc đẩy người khác từ nội tâm, suy nghĩ mới mang lại hiệu quả tuyệt vời nhất.
Vậy nên, từ lâu người ta mới truyền tai nhau rằng “Hãy cho họ Cần Câu chứ đừng cho họ con Cá”. Và đó cũng chính là thông điệp mà chuyên gia Ernesto Sirolli muốn gửi gắm tới những nhà làm từ thiện chân chính trên toàn thế giới.
Trong năm đầu tiên Ernesto làm việc tại thị trấn Esperance, Úc. Khi đó, ông chỉ đi tản bộ trên đường và trong 3 ngày, ông đã có khách hàng đầu tiên, một người làm nghề hun khói cá tại nhà. Ông đã giúp người này bán cá cho một nhà hàng ở Perth. Sau đó, một người khác, lại một người nữa và thậm chí cả một tổ chức đã đến tìm ông để được giúp đỡ.
Bằng khả năng của mình, ông đã giúp những người dân bán cá với giá tương đối cao. Cứ thế, từng dự án đến đến tay ông, để rồi, cuối cùng, người của chính phủ cũng phải đến tìm ông để hỏi bí quyết.
Cách của Ernesto rất đơn giản, đó là không làm từ thiện trong những căn phòng sạch sẽ và mát lạnh. Ông luôn ngồi trò chuyện cùng người dân, lúc ở quán cafe, lúc ở quán rượu và đôi khi ở ngay chính vỉa hè. Ông kiếm tìm những khát vọng đổi đời ngay trên đường phố.
“Bạn có thể cho ai đó một ý tưởng, nhưng nếu họ không có khát vọng thì cũng bỏ. Khát vọng là thứ quan trong nhất!”
Theo Trí Thức Trẻ