Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong một lần xuất hiện vào tháng 3/2013. Ảnh: AFP |
Ông Lý sinh năm 1923 và xuất thân từ một gia đình khá giả. Ông từng là học sinh hàng đầu tại Singapore, nhưng quãng thời gian sinh viên của ông bị trì hoãn vì Thế chiến II, khi đế quốc Nhật Bản chiến thắng khối Liên hiệp Anh và chiếm đóng Singapore, khi đó là thuộc địa của Anh, từ năm 1942 đến 1945. Sau chiến tranh, ông theo học trường Kinh tế London trước khi chuyển sang Đại học Cambridge, nơi ông tốt nghiệp với kết quả xuất sắc. Trong thời gian sống tại Anh, ông Lý nhận ra rằng Singapore cần phải được tự trị và về nước năm 1949.
Tháng 11/1954, ông Lý cùng với một nhóm trí thức trung lưu thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP). PAP chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức tháng 5/1959 nhờ tranh thủ ủng hộ từ cộng đồng người Hoa chiếm đa số, đặc biệt là những người trong công đoàn và các tổ chức học sinh cấp tiến. Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore.
Singapore năm 1963 sáp nhập với Malaysia nhưng tách khỏi nước này vào năm 1965, giữa những căng thẳng về chính trị và sắc tộc. Singapore sau đó trở thành cộng hòa độc lập và trở thành thành viên Liên Hợp Quốc. Ông Lý thôi giữ chức thủ tướng năm 1990 nhưng vẫn được coi là người có ảnh hưởng lớn đến chính quyền của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, con trai cả của ông. Ông Lý Quang Diệu rút khỏi nội các năm 2011, sau khi đảng Hành động Nhân dân mà ông đồng sáng lập nhận được kết quả bầu cử tệ nhất trong 50 năm.
Kiến thiết Singapore
Thiếu thốn tài nguyên và nguồn cấp nước, khả năng phòng thủ rất hạn chế là những thách thức lớn mà ông Lý phải đối mặt sau khi đất nước giành được độc lập. Trong khi nỗ lực tạo lập và phát triển một quốc gia ổn định và thịnh vượng, chính quyền còn phải cảnh giác trước những xung đột có thể xảy ra trong một quốc gia đa sắc tộc. Dân cư Singapore chủ yếu là người gốc Hoa, Malaysia và Ấn Độ.
“Chúng tôi không có các yếu tố cơ bản làm nên một quốc gia”, ông Lý nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ International Herald Tribune năm 2006, “dân tộc đồng nhất, ngôn ngữ, văn hóa và vận mệnh chung, chúng tôi không có những điều đó”.
Ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Malaysia, tiếng Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học sử dụng tiếng Anh, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được giảng dạy.
Trong thời gian cầm quyền, ông Lý tiến hành các chính sách đổi mới đô thị và xây dựng nhà ở công cộng mới, giao quyền hạn lớn hơn cho phụ nữ, cải cách giáo dục và công nghiệp hóa. Ông luôn chú trọng vào kinh tế và kết nối lĩnh vực này với các mặt khác của đất nước, bao gồm việc xây dựng hình ảnh quốc tế là một “Thành phố vườn”, điều được duy trì cho đến ngày nay.
Ông biến Singapore thành trung tâm vận tải và dịch vụ tài chính lớn với một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới. Theo Trung tâm Tăng trưởng và Phát triển Groningen, GDP đầu người của Singapore khi ông Lý lên nắm quyền năm 1959 là hơn 2.100 USD, và hơn 2.600 USD vào năm 1965, khi Singapore trở thành quốc gia độc lập. Con số này tăng lên hơn 14.200 USD vào năm 1990, khi ông rời ghế thủ tướng. Năm 2013, Singapore là nước có thu nhập đầu người đứng thứ ba thế giới. “Ông Lý Quang Diệu là người giúp thúc đẩy các phép màu kinh tế châu Á”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tháng 10/2009.
Thông điệp chính của ông về động lực đằng sau sự thành công của Singapore rất đơn giản: “Chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng cạnh tranh của nước đó. Sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, làm việc theo nhóm, và đạo đức nghề nghiệp mang lại lợi thế lớn mạnh nhất trong cạnh tranh”.
Theo Financial Times, ông Lý rất cứng rắn trong đấu tranh chống tham nhũng. Ông trao quyền lực lớn hơn cho Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) để tiến hành bắt giữ, truy lùng, điều tra tài khoản ngân hàng và việc nộp thuế thu nhập của nghi phạm và gia đình họ. Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả.
Ông Lý Quang Diệu tin vào tính hiệu quả của đòn roi. Khi còn là thuộc địa của Anh, Singapore một vài lần sử dụng đòn roi để xử lý hành vi liên quan đến bạo lực cá nhân. Chính quyền ông Lý sau đó sử dụng biện pháp này để trừng trị một loạt tội danh. Đến năm 1993, Singapore ấn định bắt buộc xử lý 42 tội danh bằng đòn roi như nghiện hút và nhập cư trái phép và có thể sử dụng với 42 vi phạm khác. Singapore là một trong trong số ít các quốc gia trên thế giới dùng hình phạt đánh vào thân thể trong kỷ luật quân đội.
Chỉ trích
Tuy sống trong một quốc gia xanh, sạch, giàu có và ít tham nhũng, sự bất mãn vẫn tồn tại trong dân thường Singapore. Nhiều người không thể mua nổi nhà đất vì giá bất động sản quá cao. Khoảng cách giàu nghèo tại nước này ngày càng lớn.
Theo WSJ, các nhóm nhân quyền chỉ trích ông Lý kiểm soát quá chặt chẽ truyền thông trong nước và hạn chế tự do dân sự, thông qua các quy định nghiêm ngặt về phát ngôn và tụ tập ở nơi công cộng.
“Chúng tôi bị gọi là quốc gia ‘bảo mẫu'”, ông Lý Quang Diệu nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2000, ám chỉ đến việc người Singapore được dạy cách cư xử lịch sự, ít ồn ào, không nhai kẹo cao su và không vẽ tranh trên tường. “Nhưng kết quả là chúng ta cư xử tốt hơn và sống ở một nơi dễ chịu hơn 30 năm trước đây”, ông Lý nói.
Ông Lý cũng bị chỉ trích vì đã áp dụng những biện pháp cứng rắn với phe đối lập và sử dụng các luật lệ về tội phỉ báng để chống lại đối thủ chính trị. Năm 2010, ông cùng con trai, Thủ tướng Lý Hiển Long, kiện New York Times tội phỉ báng vì một bài viết liên quan đến gia đình ông của một nhà báo tự do. Tờ báo và tác giả sau đó phải trả tổng cộng khoảng 11.000 USD cho ông Lý.
Tuy nhiên, di sản ông Lý Quang Diệu để lại là điều không thể chối cãi. Năm 2010, ông được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. “Điều thể hiện một nhà lãnh đạo vĩ đại là đưa xã hội từ điểm xuất phát đến vị trí nước đó chưa từng thấy”, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết trong lời giới thiệu ông Lý trên một tạp chí. “Không có nhà tư tưởng chiến lược nào giỏi hơn ông trong thế giới ngày nay”, Kissinger viết. Tổng thống Obama gọi là ông Lý là “huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21″.
Ông Lý Quang Diệu từng nói rằng khi ông qua đời, các bài viết về ông trên báo chí sẽ không thể là thước đo đánh giá những gì ông đã làm. Các học giả trong tương lai mới là những người sẽ nghiên cứu ông trong bối cảnh thời đại của họ.
“Tôi không nói rằng mọi điều tôi làm đều đúng”, ông Lý nói. “Tôi từng phải làm một số điều gây khó chịu như giam giữ người không qua xét xử. Nhưng tất cả mọi thứ tôi làm đều vì mục đích cao quý”.
Chiếc lá đã lìa cành, nhưng những câu chuyện về ông Lý Quang Diệu sẽ còn sống động thật lâu. Ông từng trích dẫn một câu tục ngữ Trung Quốc: đừng đánh giá một người trước khi người đó qua đời.
“Đóng nắp quan tài, sau đó hẵng quyết định”, ông nói.
Vnexpress