Tại buổi họp báo sáng ngày 21/10, nhà sáng lập – chủ tịch Quỹ Sống Foundation và dự án Nhà Chống Lũ – Bà Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) cho biết sau 7 năm xây gần 800 ngôi nhà chống lũ trên khắp cả nước, chị không hy vọng mình sẽ gây thêm được Quỹ mà mong muốn sẽ được chuyển giao công nghệ – kỹ thuật để nhân rộng mô hình Nhà Chống Lũ cho các mạnh thường quân khác. Hơn hết, chị hy vọng mỗi cá nhân có thể là một nhà chống lũ bằng những hành động nhỏ nhất như hạn chế rác thải hay trồng thêm cây xanh để bảo vệ môi trường!
- “Nhà Chống Lũ” kêu gọi họa sĩ tham gia đóng góp các tác phẩm gây quỹ 2019
- Lớp phủ chống lửa – Phương pháp mới bảo vệ ngôi nhà do cháy rừng
Những ngôi nhà chống lũ xây dựng trên phương châm chung tay
Phương châm hoạt động của chương trình Nhà Chống Lũ là Chung Tay trên 3 phương diện “Co-Finance, Co-Design, Co-construction”, tức là bản thân người muốn được nhận giúp đỡ phải có đóng góp về tài chính (khoảng 50% giá trị ngôi nhà), chia sẻ ý tưởng thiết kế ngôi nhà cho chính họ hay đóng góp nguyên vật liệu, công sức trong quá trình xây dựng ngôi nhà. Chị Jang Kều chia sẻ đã có rất nhiều dự án nhà tránh lũ xây theo mẫu hay các khu tái định cư cho bà con vùng lũ bị thất bại vì người dân không chịu rời bỏ hay thay đổi môi trường sống quen thuộc của họ. Chính vì thế, Nhà Chống Lũ hỗ trợ bà con xây dựng những ngôi nhà dựa trên những nhu cầu cụ thể của từng hộ gia đình, nhà bao nhiêu phòng, sơn màu gì, cửa sổ tròn hay vuông sẽ do chính người dân lên ý tưởng. Kiến trúc sư của chương trình chỉ “làm nghề” 20% để đảm bảo ngôi nhà an toàn chống được bão lũ. Chính sự tham gia trong quá trình xây dựng nên người dân sẽ yêu quý và vun đắp cho ngôi nhà của mình.
Anh Đinh Bá Vinh – kiến trúc trưởng của chương trình Nhà Chống Lũ cho biết mô hình Nhà Chống Lũ được mọi người biết đến nhiều nhất là mô hình nhà phao thực hiện ở vùng Tân Hóa – Quảng Bình nhưng mô hình đầu tiên là bê ngôi nhà gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc lên 6 cột bê tông cao để tránh lũ quét hàng năm trước, về sau bà con có thể đắp thêm vách để thành nhà 2 gác. Mọi người đều nghĩ để xây một ngôi nhà 2 tầng phải có vài trăm triệu nhưng với cách xây dựng từng bước “như nấu cháo rìu” của Nhà Chống Lũ thì bà con chỉ cần đóng góp 45-50 triệu ban đầu. Nhiều ngôi nhà được cải tạo dựa trên chính ngôi nhà hiện tại sẽ tốn kinh phí ít hơn. Hiện nay, chương trình đã phát triển đến 9 mô hình Nhà Chống Lũ phù hợp với điều kiện của từng vùng miền từ các tỉnh phía Bắc, Miền Trung đến Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Người làm từ thiện cũng phải có một cái đầu lạnh
Khi nhận được câu hỏi “Tình hình lũ lụt miền Trung năm nay khắc nghiệt hơn mọi năm, nhiều gia đình đã mất trắng thì chương trình có thể có ngoại lệ hỗ trợ 100% kinh phí xây nhà cho bà con được không?”, chị Jang Kều thẳng thắn “để đi được xa thì chương trình phải bám sát tiêu chí của mình”. Bản thân chị đã từng bật khóc khi đến thăm cụ bà sống một mình trong căn nhà đổ nghiêng 45 độ, tài sản trong nhà là một cỗ quan tài mà bà cụ chuẩn bị cho chính mình và 10.000 đồng. Chị có thể hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây nhà cho bà cụ nhưng trong làng còn 150 căn nhà như thế, “đã có ngoại lệ này thì sẽ còn nhiều ngoại lệ khác”. Cuối cùng căn nhà vẫn được xây theo đúng tiêu chí chung tay khi mọi người giúp bà cụ bán được toàn bộ số gỗ của căn nhà sập cũ được 8 triệu và vận động các con của cụ mỗi người đi vay được 6 triệu – một số tiền không quá khó kiếm với một thanh niên nhưng họ chưa từng nghĩ là có thể giúp mẹ xây nhà với số tiền như thế. Theo chị, muốn giúp họ thì phải đặt chân vào đôi giày của chính họ. Rất nhiều gia đình không có tiền mặt thì chương trình cho họ mượn 200 ngàn đồng để tự tay đóng gạch hoặc lên rừng chặt cây lồ ô về lợp mái, dựng vách…
Chị Jang Kều chia sẻ “bản thân người làm từ thiện cũng phải có một cái đầu lạnh biết tính toán”. Thông thường các đoàn cứu trợ tự phát sẽ đến trao quà cho những gia đình nghèo nhất, bị thiệt hại nhiều nhất theo danh sách cán bộ xã đưa rồi mới tới các gia đình nghèo nhì, nghèo ba… Kết quả là có những hộ được cứu trợ vài trăm triệu đồng, hàng trăm thùng mì còn nhiều nhà không có gì cả trong khi thực tế chính những gia đình ít nghèo lại là những người chăm chỉ lao động hơn. Thế nên mới có chuyện nhiều người gọi là “lũ vàng” và từ chối xây lại nhà vì cho rằng phải mất nhà như thế thì mới nhận được nhiều tiền cứu trợ. Chị Jang Kều cho biết “chúng ta nên giữ cái đầu lạnh khi đi cứu trợ hay từ thiện để đảm bảo công bằng và không tập cho người dân thói quen ỷ lại, lười lao động”. Đó cũng là lý do tại sao chương trình Nhà Chống Lũ yêu cầu người được giúp cũng phải có đóng góp chứ không phó mặc cho các mạnh thường quân. Sau 7 năm thực hiện chương trình, chị nhận xét những gia đình xây được nhà chống lũ là những người có ý thức giúp đỡ cộng đồng làng xóm và chuẩn bị tinh thần chống lũ hàng năm tốt hơn hẳn trước đây.
Bản thân mỗi chúng ta hãy là một Nhà Chống Lũ
Mỗi năm chương trình xây được khoảng 200 căn nhà, sau 7 năm xây gần 800 ngôi nhà chống lũ trên khắp cả nước trong khi mỗi đợt lũ có thể mất đi hàng chục ngàn căn nhà. Vì vậy, chị không hy vọng mình sẽ kêu gọi thêm được nhiều tiền cho Quỹ mà mong muốn sẽ được chuyển giao công nghệ – kỹ thuật để nhân rộng mô hình Nhà Chống Lũ cho các mạnh thường quân khác. Chị tha thiết “1+1 không phải bằng 2 mà bằng n, hy vọng sẽ có hàng trăm Nhà Chống Lũ khác cùng thực hiện”. Tuy nhiên, cho dù có hàng trăm tổ chức Nhà Chống Lũ thì chúng ta không thể cứ xây nhà để rồi hàng năm lũ lại quét đi. Bão lũ sẽ ngày càng cực đoan khi rừng đầu nguồn không còn nữa, môi trường bị hủy hoại bởi rác thải. Chị hy vọng mỗi cá nhân có thể là một Nhà Chống Lũ bằng những hành động nhỏ nhất như hạn chế rác thải hay trồng thêm một cái cây để bảo vệ môi trường. Không phải là Chống Lũ nữa mà chúng ta phải Sống Xanh, Sống Bền Vững và gây dựng lại môi trường để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai!
Hình ảnh thực tế được Nhà Chống Lũ xây dựng.
Châu Ngô