Cứ cuối tháng 7, đầu tháng 8 là các gia đình có con đi học lại nín thở chờ thông báo học phí mới. Năm nay, đồng loạt cả Hà Nội lẫn TP.HCM đều có kiến nghị tăng mức học phí cho năm học mới lên 3 – 5 lần. Chưa biết là kiến nghị có được phê duyệt hay không nhưng nhiều người có kinh nghiệm “chống chọi” với các mức tăng học phí đầu năm mới khẳng định chắc nịch như đinh đóng cột: Chắc chắn là tăng!
Tăng là đúng!
Theo các cơ quan có chức năng, việc đề xuất tăng học phí là bởi học phí cũ đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội nói chung. Các năm học sau, mức thu sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm. Mức thu đó cũng không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình và khung học phí Nghị định 49 của Chính phủ.
Đại đa số các bậc phụ huynh được PNNN khảo sát nhanh thì việc tăng học phí là cũng… đúng thôi. “Thêm tiền học phí, nghe thì nhiều, chia theo ngày học trong tháng, bất quá như thêm tiền “gửi xe”, mà con mình chẳng lẽ không quý bằng cái xe?”, một phụ huynh ở TP.HCM, nói vui.
Một thực tế là mức chênh lệch học phí giữa các trường công lập và khối trường bán công, tư thục, quốc tế hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, điều này không phản ánh việc chênh lệch về chất lượng dạy và học, cũng không thực sự phản ánh sự chênh lệch về chất lượng “nuôi”. Thậm chí còn dẫn đến một nghịch lý là: nhiều người, nhiều gia đình có điều kiện nhưng không muốn cho con học trường dân lập hay trường quốc tế, họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền khá lớn để “chạy trường” cho con, bất chấp tình trạng trái tuyến, thậm chí là dẫn đến việc nhiều trẻ đúng tuyến còn bị “mất suất”. Khi cán cân học phí giữa khối công lập – dân lập có chiều hướng cân bằng, thì việc “chạy trường” này sẽ có thể giảm xuống.
Nhưng công tăng, thì tư cũng chẳng đứng yên!
Tuy nhiên, khả năng này là khó xảy ra, bởi theo đa số người được hỏi cũng cho rằng: trường công lập tăng 1 thì trường dân lập sẽ tăng 10. Chị Minh Phú, ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết: “Con mình đi học mầm non có 3 năm thì trường tăng học phí tới
6 lần. Mỗi lần tăng là lại viện cớ đầu tư, sắm sửa một cái gì đó trong khi con mình học mẫu giáo thì nói thực là gia đình cũng chỉ có nhu cầu các cô chăm cháu ăn uống, ngủ nghỉ cho tốt, còn học hành thì thêm được cái gì thì thêm, không thì thôi, chứ cũng không có nhu cầu nhồi nhét các cháu nào hết loại năng khiếu này tới năng khiếu kia. “Đỉnh cao” của việc tăng học phí khiến cho toàn bộ phụ huynh của trường phải “choáng váng” là trường thông báo đóng cửa một tháng để nâng cấp. Thực ra nói là để sơn sửa lại thì đúng hơn. Chứ trường diện tích chỉ có thế, học sinh thì số lượng ổn định rồi, nâng cấp kiểu gì cho được. Vậy nhưng mở trường lại là họ tăng học phí: đang từ tính tiền Việt chuyển sang tiền USD luôn. Lập tức gây nên một cuộc tháo chạy của phụ huynh khỏi trường. Nhưng cũng chỉ một thời gian thôi, với cái mác “quốc tế” mới được gắn vào, lại có những phụ huynh đưa con đến nhập học và chấp nhận mặt bằng giá mới. Cũng coi như là một cuộc đầu tư của họ đã thành công”.
Còn chị Hồng Nga, phụ huynh có con học ở hệ thống trường quốc tế cũng ngay trong khu Linh Đàm, Hà Nội, thì cho biết: “Học phí của các cháu khi đi học hè là đã tăng rồi. Mình có ướm thử các cô thu ngân lễ tân về chuyện học phí năm học mới sẽ thế nào thì các cô đều trả lời nước đôi là chưa có chủ trương gì từ nhà trường. Nhưng mình tin là học phí chắc chắn sẽ tăng, vì năm nay trường tiếp tục nâng cấp mở rộng thêm. Chỉ đang nín thở chờ xem tăng ít hay tăng nhiều thôi. Hy vọng là ở mức chấp nhận được. Chứ nói thật, gia đình mình cho cháu vào học trường này cũng là hơi cố so với khả năng. Tóm lại là với tinh thần là tất cả vì con em chúng ta thôi. Nhưng nếu tăng nữa thì cũng phải tính lại. Nhưng mà lại sợ là bây giờ mà xin cho con ra học trường công thì lại mất một khoản “chạy trường”, cũng chẳng phải là ít đâu…”.
Phụ Nữ Ngày Nay