Dù có xu hướng thoái trào trong vài năm trở lại đây nhưng không thể phủ nhận rằng, Học kỳ quân đội vẫn là một trong những lựa chọn được các bậc cha mẹ ưu tiên cho con em mình trong những dịp Hè.
- Chọn trường cho con: “bài toán” chưa bao giờ cũ!
- Học sinh sẽ học tốt hơn nếu không mang điện thoại đến trường
Vẫn còn sức nóng
Mặc dù không còn hiệu ứng mạnh mẽ như những năm trước đây do nhiều tổ chức ồ ạt ăn theo hoạt động không bài bản, hiệu quả huấn luyện giảm sút, khiến một số phụ huynh ngần ngại, nhưng vẫn còn nhiều bậc cha mẹ gửi gắm con em mình vào các Học kỳ quân đội trong Hè này. Còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu kỳ nghỉ hè nhưng các khóa Học kỳ quân đội tại một số trung tâm dạy kỹ năng sống trên địa bàn Q. 1, TP.HCM đã bắt đầu kín chỗ. Ngoài những phụ huynh hồi hộp đăng ký cho con tham gia lần đầu thì cũng không ít người đã cho con theo học vào những mùa Hè trước và tiếp tục đăng ký cho mùa Hè này. Đăng ký cho hai con trai là Phi Hùng (16 tuổi) và Phi Dũng (6 tuổi) tham gia Học kỳ quân đội tại một trung tâm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, chị Mỹ Linh cho biết: “Con trai lớn nhà tôi tham gia Học kỳ quân đội từ năm lớp 3 và chỉ có Hè năm lớp 5 do bài vở nhiều nên không tham gia được, còn lại thì các Hè vẫn tham gia đều đặn cho đến năm nay. Còn con trai út mới học lớp 1 nên tôi đăng ký khóa huấn luyện 3 ngày”. Lý do chọn Học kỳ quân đội cho con của chị Linh là: “Con trai đầu của tôi khá ngoan nhưng ngoan theo kiểu bố mẹ bảo gì làm đó, không có ý kiến, không tranh luận, ngoài ra tính tình cũng lãnh đạm, khá vô tâm với mọi người và giao tiếp chậm. Tuy nhiên sau khi cho con tham gia khóa huấn luyện đầu tiên về thì con có sự thay đổi rõ rệt như hoạt bát hơn trong giao tiếp, đi ra ngoài là chủ động chào hỏi rồi bắt chuyện. Con cũng bộc lộ ý kiến, quan điểm của bản thân và tranh luận nhiều hơn, đặc biệt là biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh, chứ trước đó mẹ lấy đồ đi ngang qua con mà làm rơi khăn thì thằng bé cũng dửng dưng như không, không giúp mẹ hay nói với mẹ một tiếng nào. Vì vậy mà tôi tiếp tục cho con theo học và cho cả cậu con út theo luôn”.
Thay đổi về nội dung và phương pháp huấn luyện
Để phù hợp với tâm sinh lý của thanh thiếu nhi trong sự vận động không ngừng của xã hội, cũng như tạo được sự hứng thú cho các em khi tham gia, các đơn vị tổ chức đưa ra những cải tiến khác nhau cho Học kỳ quân đội năm 2015. Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, sẽ tiết chế chương trình vừa sức với học viên và tập trung vào sự phát triển nhân cách của trẻ: giảm những nội dung khiến các em nhỏ phải khóc lóc bi lụy như những năm trước, thay vào đó, sẽ gợi mở những giá trị sống để các em có cảm xúc một cách bình tĩnh và tự nhận thức vấn đề; hướng các em rèn luyện tính tự lập, chinh phục sự sợ hãi, vượt qua thử thách. Tương tự, chương trình huấn luyện của nhà văn hóa Thanh niên sẽ xoáy mạnh vào kỹ năng sống tự lập, tự chăm sóc bản thân cũng như ngôn phong, văn hóa sử dụng trên mạng xã hội của giới trẻ hiện nay. Còn Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương lại cho đổi mới chương trình bằng các trải nghiệm như “một ngày vô gia cư”, “trải nghiệm làm người mù” để giúp các em tính tự lập, tự xử lý vấn đề khi gặp một sự cố bất ngờ, dạy các em hiểu tác dụng của sự lắng nghe, các em cũng sẽ được học cách bảo vệ bản thân khỏi bạo lực học đường.
Để có kết quả lâu dài
Ông Nguyễn Thành Nhân – người đầu tiên đưa Học kỳ quân đội về Việt Nam sau lần tham gia khóa học ở Hàn Quốc cho biết: “Tôi đưa mô hình này về Việt Nam từ năm 2007 nhưng đến năm 2008 mới bắt đầu tổ chức thí điểm tại TP.HCM. Ban đầu chỉ có 84 học viên đăng ký nhưng một vài năm sau số lượng học viên tăng lên hàng ngàn và tạo ra hiệu ứng rất mạnh vào những năm 2010, 2011, 2012”. Ông cho rằng chất lượng của những khóa huấn luyện Học kỳ quân đội bị giảm sút trong những năm gần đây là do khi chuyển giao lại cho các đơn vị tổ chức, những đơn vị này làm không đúng với nguyên tác, các tổ chức cá nhân khác khi sao chép lại có nhiều thay đổi tạo ra hàng loạt các chương trình huấn luyện na ná nhau. Nhiều tổ chức chưa chú ý đến trình độ người giảng dạy hoặc gộp chung các em học sinh có độ tuổi khác nhau vào chung một nhóm làm cho chất lượng huấn luyện ngày càng kém đi.
Ông cho biết, lứa tuổi thanh thiếu nhi hiện giờ có 3 đặc điểm là ích kỷ, ngang bướng và nổi loạn, và mỗi độ tuổi cần có một chương trình huấn luyện riêng. Trẻ ở cấp 1 cần sự tương tác với thế giới xung quanh, nên học nhiều những thói quen có ích, học lễ phép, học gấp quần áo, gấp chăn màn và một số chương trình dạy cho các em nghị lực vượt qua khi gặp khó khăn. Trẻ cấp 2 lại là độ tuổi cần tác động đến tâm lý và khơi gợi sức mạnh nhóm. Trẻ cấp 3 cần giáo dục về thể chất và các kỹ năng sống, sinh tồn đặc biệt.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng Học kỳ quân đội không phải là cây đũa thần để có thể làm thay đổi thói quen xấu của các em trong vòng mấy tuần mà cần có sự hỗ trợ lâu dài của gia đình. Nếu sau khi kết thúc học kỳ, các em quay về với gia đình vẫn là con người người cũ, môi trường cũ, ba mẹ nuông chiều thì các em sẽ không thể nào tiến bộ lên được.
Một số đơn vị, trung tâm có tổ chức học kỳ quân đội trên địa bàn TP.HCM
1. Nhà Văn hóa Thanh niên
Địa chỉ: 4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1
2. Trung tâm đào tạo tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương
Địa chỉ: 112 Nguyễn Đình Chiều, P. Đakao, Q.1
3. Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam
Địa chỉ: 212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3
4. Tổng đội thanh niên xung phong Trường Sơn
Địa chỉ: 62 Nguyễn Văn Đậu, P.6, Q.Bình Thạnh
Duyên Nguyễn (Phụ Nữ Ngày Nay)