Hổ tuyệt chủng ở Lào

Đó là kết luận của một nghiên cứu mới không tìm thấy bằng chứng hổ hoang dã còn tồn tại ở nước này.

Sau năm năm khảo sát bằng bẫy ảnh ở Khu bảo tồn Nam Et-Phou Louey giàu đa dạng sinh học, nhóm nghiên cứu không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về hổ ngoài cơ man những cái bẫy chết người.

Ảnh: Bill Robichaud/Global Wildlife Conservation
Ảnh: Bill Robichaud/Global Wildlife Conservation

Dường như những cá thể hổ phải trả giá đắt nhất cho cuộc khủng hoảng bẫy thú đang hoành hành ở Lào và các nước khác tại Đông Nam Á.

Nhà động vật học Akchousanh Rasphone, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Bẫy rất dễ làm. Một người có thể đặt hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn bẫy”. Hầu hết động vật chết vì bẫy đều được bán làm thịt rừng mặc dù bản thân hổ bị những kẻ buôn bán động vật hoang dã săn lùng để lấy lông và các bộ phận cơ thể.

Hổ biến mất ở Lào là một thảm kịch có thể tránh được. Ước tính quần thể hổ gần đây nhất trên toàn thế giới được công bố vào tháng 4/2016 cho thấy số lượng hổ còn lại ở nước này là 2 cá thể. Việc quan sát thấy hai cá thể hổ cuối cùng ở Lào được ghi nhận từ năm đầu tiên của cuộc khảo sát bằng bẫy ảnh, từ đó chúng không bao giờ được nhìn thấy nữa – ngoại trừ những kẻ đặt bẫy được chúng.

“Nhóm chúng tôi đã làm những gì có thể với nguồn lực hạn chế để bảo tồn loài này. Chúng tôi đã làm hết sức mình mặc dù bị đánh bại bởi nhu cầu quốc tế về buôn lậu hổ rất cao”, Rasphone chia sẻ.

Việc hổ biến mất ở Lào tiếp nối đà suy giảm chậm chạp của loài hổ Đông Dương (Panthera tigris tigris). Ngày nay, quần thể khỏe mạnh duy nhất của chúng vẫn còn ở Thái Lan với khoảng 189 cá thể hổ hoang dã. Hổ Đông Dương cũng tồn tại ở mức không bền vững tại Trung Quốc (khoảng 7 cá thể), Việt Nam (dưới 5 cá thể) và Myanmar (số lượng không đáng tin cậy).

Thật không may, tin tức về sự tuyệt chủng của hổ ở Lào không mấy được chú ý ở nước này.

“Có vẻ như tin này gây ra rất ít cuộc thảo luận ở Lào về ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài hơn. Điều duy nhất mà chính phủ quan tâm là nghiên cứu này làm đất nước mất thể diện thay vì coi đó là bài học kinh nghiệm và suy nghĩ về cách không lặp lại sai lầm tương tự cho những loài cần bảo tồn còn lại”, Rasphone nói.

Và đó là một mối quan tâm lớn, vì việc bẫy ảnh ảnh hưởng đến nhiều thứ loài chứ không chỉ là hổ. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng Báo hoa mai (Panthera pardus) không còn tồn tại ở Lào. Loài này được chính thức quan sát thấy lần cuối vào năm 2004 nhưng các nhà bảo tồn hy vọng rằng quần thể nhỏ bé vẫn còn ở Nam Et-Phou Louey.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã xác định được một loạt các động vật lớn nhỏ tại các điểm nóng đặt bẫy ở Nam Et-Phou Louey, kể cả các loài săn mồi như Sói lửa (Cuon alpinus) và Báo gấm (Neofelis nebulosi), và dường như mọi quần thể đang giảm.

“Dựa trên khảo sát gần đây của chúng tôi, loài con mồi lớn nhất là Bò tót (Bos gaurus) đã trở nên khá hiếm”, Rasphone nói.

Ảnh: Reed Kennedy
Ảnh: Reed Kennedy

Liệu đây có phải là kết thúc với hổ ở Lào? Không hẳn thế. Về lý thuyết, nếu cuộc khủng hoảng về bẫy được giải quyết, những cá thể mèo lớn từ các nước láng giềng có thể tái đàn ở Lào. Và Rasphone cho biết nhóm nghiên cứu vẫn tiến hành các cuộc khảo sát để tìm ra bằng chứng “về những gì còn và không còn”, và chính phủ muốn có thêm các cuộc điều tra về cả hổ và báo “mặc dù hiện tại vẫn chưa có tài trợ”.

Cũng cần lưu ý rằng ở Lào vẫn còn tồn tại hổ nuôi nhốt. Hàng trăm cá thể mèo lớn bị lai cùng gen tại các trang trại nuôi hổ bất hợp pháp và khét tiếng vô nhân đạo, nơi chúng được nuôi để lấy các bộ phận cơ thể. Lào đã chính thức hứa sẽ đóng cửa các trang trại này, vốn có liên quan rộng rãi đến buôn bán hổ bất hợp pháp, nhưng dường như cho đến nay tình hình không mấy tiến triển. Trên thực tế, bằng chứng cho thấy chính phủ Lào thực ra đã cho phép các trang trại hiện có mở rộng và số lượng trang trại tăng lên.

Nghiên cứu của nhóm của Rasphone không chỉ hướng tới kỳ vọng thay đổi chính sách ở Lào mà còn là bài học cho các quốc gia khác vẫn còn quần thể hổ.

“Theo tôi, thông điệp của nghiên cứu cần phải được thực hiện như một bài học cho các quốc gia khác để bảo tồn các quần thể quan trọng còn lại”.

Với nhiều chuyên gia, bẫy là một “cuộc khủng hoảng tuyệt chủng” đối với Đông Nam Á mà thời gian để lưu tâm đến những bài học đó ngày càng ngắn lại.

Theo Nhật Anh (baovemoitruong.org.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN