Dự án “Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam” thu hút nhiều đối tác Pháp và Việt Nam

Được điều phối bởi Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, dự án “Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam” sẽ có sự tham gia của rất nhiều đối tác Pháp và Việt Nam.

Mới đây, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ngài Nicolas WARNERY, đã công bố khởi động dự án hợp tác “Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam” tại buổi họp báo diễn ra vào ngày  9/5 tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nhằm phát huy và gìn giữ các di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam.

Được điều phối bởi Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, dự án “Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam” sẽ có sự tham gia của rất nhiều đối tác Pháp và Việt Nam. Đó là các bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng khoa học về con người (lịch sử, dân tộc học…), bảo tàng lịch sử tự nhiên, trung tâm khoa học và kỹ thuật, khu bảo tồn thiên nhiên, trường đại học và chính quyền các cấp.

conf presse 4Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban điều phối dự án đã diễn ra vào ngày thứ hai 9 tháng 5, với sự hiện diện của Ngài Nicolas Warnery – Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Ông Matthieu Berton – Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế Bộ Văn hóa Pháp, Ông Denis Duclos – Giám đốc Đối ngoại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, PGS. TS. Nguyễn Trung Minh – Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cùng đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và Bộ Ngoại giao của Việt Nam. Dự án nhận được nguồn tài trợ lên đến 14 tỉ đồng cho 2 năm 2022 – 2024 từ chính phủ Pháp và sẽ được bổ sung thêm bởi các đối tác khác của Pháp (các bảo tàng, địa phương, trường đại học…).

conf presse 6Ngài Nicolas WARNERY cho biết: “Dự án này mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác vốn rất ý nghĩa giữa Pháp và Việt Nam, thể hiện mong muốn của cả hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực di sản, đặc biệt là trong hoạt động bảo tồn, thông qua các hoạt động đào tạo và trao đổi chuyên môn”.

Dự án hợp tác “Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam” sẽ cho phép triển khai rất nhiều hoạt động thuộc ba lĩnh vực sau :

– Tập huấn chuyên môn cho đội ngũ công tác trong ngành bảo tàng ở Việt Nam: Các chương trình đào tạo sẽ được đảm trách bởi các chuyên gia đến từ những bảo tàng nổi tiếng và đại học của Pháp. Hoạt động hợp tác giữa các bảo tàng Pháp và Việt Nam cũng sẽ được tăng cường thông qua những chuyến thực địa trao đổi kinh nghiệm tại Pháp.

– Phát triển các chương trình đào tạo về ngành nghề bảo tàng trong các trường đại học ở Việt Nam (bảo quản các bộ sưu tập, xây dựng nội dung trưng bày, bài trí không gian trưng bày, truyền đạt nội dung và đón tiếp công chúng) để đào tạo đội ngũ giảng viên và tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam hiểu hơn về các ngành nghề mới trong lĩnh vực bảo tàng.

– Hỗ trợ thiết kế các dự án thí điểm trong bảo tồn di sản tại 3 miền của Việt Nam, với sự tham gia hợp tác của các chuyên gia Pháp và Việt Nam: cải tạo Trung tâm du khách của Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), hỗ trợ cho Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Môi trường của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thiết kế và thực hiện những chiếc “Hộp kể chuyện” cho các bảo tàng (TP.HCM).

conf presse 5Tại buổi họp báo, bà Sophie MAYSONNAVE – Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa cho biết: “Hợp tác văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tàng và di sản, là một trong những trụ cột vững chắc và lâu đời giữa hai nước Pháp – Việt. Từ năm 2004 đến 2011, Pháp đã tích cực hợp tác thông qua dự án phát huy di sản bảo tàng của Việt Nam. Các chuyên gia đến từ những bảo tàng lớn nhất của Pháp, thuộc nhiều ngành nghề, đã tham gia phát triển các dự án với nhiều đối tác Việt Nam như: Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng Điêu khắc Champa ở Đà Nẵng, bảo tàng Đak Lak…”.

Còn ông Denis Duclos – Giám đốc Đối ngoại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp cho biết: “Mối quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp và các cơ quan hàn lâm, khoa học của Việt Nam đã có từ lâu và được vun đắp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi xin chân thành cảm ơn Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã đề nghị bảo tàng chúng tôi tham gia dự án FSPI “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam, văn hóa, thiên nhiên và đa dạng sinh học” này, nhờ đó, hợp tác giữa bảo tàng với Việt Nam mở ra trong một lĩnh vực mới: xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng.”

Ông Nguyễn Trung Minh – Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã trình bày mong muốn của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam: “Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là đơn vị non trẻ, đầu hệ trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng dự án “Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam” và các dự án tương tự sẽ là cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các bảo tàng Việt Nam và Pháp, góp phần nâng tầm bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nói riêng và các bảo tàng Việt Nam nói chung sánh tầm với các bảo tàng của Pháp và các Bảo tàng trên thế giới.”

Chất lượng và các hoạt động bảo tồn di sản cũng như các bảo tàng đã góp phần quan trọng đưa Pháp trở thành địa điểm du lịch hàng đầu thế giới và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Pháp. Quả vậy, năm 2019, đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành vào GDP của Pháp đạt 211 tỉ euros (tức 8,5% nền kinh tế quốc gia) và tác động đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế (lưu trú, nhà hàng, giao thông, bán hàng, bảo tàng, hướng dẫn du lịch…). Bảo tồn và phát huy di sản chính là tạo cơ hội việc làm chất lượng và góp phần tạo tăng trưởng kinh tế bền vững.

Hà Anh

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN