Dư âm Tết làm đảo lộn nhịp sống

Dự định đưa con vào khuôn khổ sau kỳ nghỉ Tết của anh Thắng (TP HCM) đã phá sản khi anh nhận được nhiều lời mời ăn tân niên.

Chính anh cũng chưa thể nghiêm túc làm việc nên không dám đặt bất kỳ cuộc gặp mặt công việc nào trong tuần đầu tiên đi làm của năm Ất Mùi. Ngày đầu tiên quay trở lại công ty sau Tết, ngoài việc nhận tiền lì xì từ sếp, anh uống vài chén với anh em đồng nghiệp. Sẵn hơi men tích tụ trong người liên tục từ mấy ngày trước, anh thấy chóng mặt nên chui vào phòng họp ngủ, đến mức quên cả việc đã hứa với vợ là đi đón con. Báo hại, 5h30 chiều, anh mới đưa được hai cậu con về nhà, muộn hơn bình thường 45 phút. Tắm rửa cho con xong, vợ chồng anh lập tức lên đường đến nhà người anh thân thiết nhất ăn tân niên. Đó mới chỉ là bữa nhậu khởi đầu sau Tết.

Tối mùng 7, anh có một cuộc hẹn ăn nhậu với nhóm bạn thân thời đại học. Tối mùng 8, gia đình đăng ký lên chùa cúng giải sao. Tối mùng 9 sẽ có một bữa ăn tại nhà người anh kết nghĩa. Ngày mùng 10 đã lên kế hoạch tổng kết bia rượu ngày Tết còn sót lại tại nhà chị ruột. Toàn những mối quan hệ thân thiết, anh Thắng không thể đi một mình, buộc phải dắt theo vợ con. Điều này cũng có nghĩa là hai bé Bin và Ben không thể đi ngủ từ lúc 9g30 tối như bình thường và sẽ rất khó để hôm sau chúng dậy từ 6h sáng để đi học đúng giờ.

Hôm mùng 6, Bin và Ben đến trường khi các bạn đã xếp hàng vào lớp được 5 phút. Anh Thắng phải dắt con vào tận cửa lớp xin phép cô giáo. Sáng hôm sau tình trạng đó tiếp tục lặp lại khiến anh vô cùng xấu hổ. Nếu ngày mai các con tiếp tục không thể dậy sớm, có lẽ anh đành phải cho chúng nhịn ăn sáng để kịp giờ. Vợ anh giao hẹn, nếu trong tuần này con giảm cân hay bị cô mắng vốn thì anh không được trách phạt con, vì lỗi chủ yếu là do người lớn.

Dư âm Tết làm đảo lộn nhịp sống

Trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết ở quê nhà. Ảnh: K.A.

Sau những ngày nghỉ Tết sống “vô tổ chức”, ăn uống ngủ nghỉ đều không đúng bữa, chị Giang (quận 4, TP HCM) cũng đang phải đánh vật mỗi buổi sáng để gọi con dậy đi học đúng giờ. Chị đã cẩn thận dành cả ngày mùng 5 Tết “tập dượt” làm mọi việc theo thời khóa biểu trước Tết. Buổi học đầu tiên của năm Ất Mùi, bé Vy đến lớp khá sớm. Tuy nhiên tối mùng 6, vợ chồng chị nhận được lời mời ăn tân niên ở nhà người bạn, kết quả cả nhà 11h mới đi ngủ và sáng hôm nay bé Vy lại đi học muộn dù mẹ đã để chuông báo thức sớm.

Thay vì ra quán ăn phở như ngày thường, tiếc mấy món ăn thừa ngày Tết, chị hâm lại cho cả nhà ăn. Trong lúc chị cặm cụi dưới bếp, chồng tranh thủ ngủ để mặc chuông báo thức reo liên tục. Đương nhiên là cô con gái cũng ngủ nướng theo bố. Lúc chị chạy vào phòng ngủ gọi hai bố con đã là 6h45. Không muốn đi học, bé Vy cứ nhắm nghiền mắt và lăn bên này sang bên kia. Kết quả, đến sát giờ vào lớp mà con vẫn còn đang đánh răng rửa mặt. Ép con ăn được vài miếng, chị vội vã đưa đi học còn anh chồng vẫn đang làm các thủ tục vệ sinh cá nhân buổi sáng. Hai mẹ con đến trường thì các bạn đã xếp hàng vào lớp, Vy níu xe mẹ đòi về nhà khiến chị nhăn nhó khổ sở.

Với chị Trâm (quận Phú Nhuận) nỗi khổ lớn nhất sau kỳ nghỉ Tết chính là người giúp việc vẫn chưa chịu kết thúc kỳ nghỉ của mình. Bà xin phép sau rằm mới quay trở lại. Chồng vốn không bao giờ nhúng tay vào việc nhà, chỉ nhận phần đưa đón con đi học thay vợ, mặc chị xoay xở cơm nước, lau nhà, rửa bát. Từ khi người giúp việc nghỉ phép, chị đã phải huy động hai đứa con tham gia phơi và gom quần áo, dạy chúng nhặt những rau củ đơn giản. Hai buổi trưa đi làm việc lại đầu năm, đến công ty mệt quá chị đều ngủ quá giờ nghỉ. Gần chục ngày nghỉ Tết, lúc nào chị cũng trong cảm giác thèm ngủ khi mỗi tối chỉ có 5 giờ để ngủ. Tối cho con ngủ xong, chị lại trở dậy làm tiếp việc nhà còn dang dở nên đi ngủ muộn hơn bình thường cả mấy tiếng đồng hồ. Tính chị ưa sạch sẽ, nhà cửa bừa bộn, ngủ cũng không ngon giấc.

Gia đình anh Đức (Từ Liêm, Hà Nội) cũng chưa thể trở lại nhịp sống thường ngày. Từ giờ đến Rằm tháng Giêng vợ chồng anh phải tham dự một loạt sự kiện: Ngày giỗ tổ của dòng họ, lễ hội làng, lễ cúng đầu năm, lễ giải sao, các chương trình đi đền chùa. Vợ chồng anh gần như không nấu nướng, bữa thì đi ăn cỗ, bữa ở nhà hâm lại những món thừa ngày Tết, có khi tiện đường ăn ngoài quán luôn. Với gia đình anh, tháng Giêng đúng nghĩa là tháng ăn chơi.

“Tôi không ép mấy đứa trẻ học trong những ngày này. Ngày trước, tôi cũng chẳng học gì, đến trước kỳ thi mới đem bài ra ôn, điểm vẫn cao”, anh Đức kể về việc trông con ngày Tết. Anh cho biết, bố và ông thường trong trạng thái thở ra mùi bia rượu, mẹ và bà thì đủ việc lễ lạt, chẳng ai có thời gian cũng như đủ tỉnh táo và kiên nhẫn để ngồi học bài cùng con.

Chiều mùng 7 mới quay trở lại thành phố sau một kỳ nghỉ Tết kéo dài ở quê, anh Hoàng (Gò Vấp, TP HCM) cho biết, từ giờ đến hết tuần, gia đình anh sẽ cố gắng sắp xếp để quay trở lại cuộc sống bình thường. Vợ chồng, con cái đều đã nghỉ Tết quá hai ngày nên anh không muốn nghỉ làm hay để con nghỉ học thêm nữa. Vì thế, ban ngày mọi người vẫn đi làm, đi học bình thường, còn tối về cả nhà xúm vào thu dọn nhà cửa. Ngôi nhà mới vắng người nửa tháng mà đã mốc meo như nhà hoang. Tuy nhiên, cả gia đình anh đều rất vui vì lâu lắm rồi mới được về quê ăn Tết với bố mẹ trọn vẹn như năm nay.

 Nguồn Vnexpress

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN