Dịch sốt xuất huyết – lơ là là chết!

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát ở nhiều quốc gia và đã có hàng nghìn người tử vong. Trong bối cảnh chung ấy, tại Việt Nam, dịch SXH cũng tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bùng phát ở nhiều nước

Thống kê của WHO, năm 2015 này, tại nhiều nước trên thế giới bùng phát dịch SXH, với hàng trăm nghìn người mắc bệnh, hàng nghìn người tử vong. 9/10 nước ASEAN đều ghi nhận dịch SXH. Cụ thể, ở Philippines, chỉ trong 4 tuần gần đây đã ghi nhận hơn 30.000 ca mắc (84 ca tử vong), nâng tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 110.000, trong đó 317 ca tử vong. Số ca mắc tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết là 106,33/100.000 dân. Bão lớn cũng đang gây lụt lội, càng làm lo ngại bệnh dịch này tiếp tục lây lan nhanh chóng.

Dịch sốt xuất huyết - lơ là là chết!
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia tìm diệt bọ gậy trong Chiến dịch diệt loăng quăng do ngành y tế phát động vừa diễn ra tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: D.L

Tại Malaysia từ đầu năm đến nay cũng có gần 100.000 ca mắc SXH, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó 263 ca tử vong. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết là 313,94/100.000 dân. Tại Myanmar cũng ghi nhận 36.000 ca SXH kể từ đầu năm, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số cao nhất kể từ khi bệnh dịch này được thống kê năm 1965.

Cạnh Việt Nam, Campuchia đã ghi nhận gần 8.000 ca mắc SXH, tăng tới 350% so cùng kỳ năm ngoái. Tại vùng lãnh thổ Đài Loan, số ca mắc đã lên đến hơn 21.300, với 89 ca tử vong. Ấn Độ cũng trải qua dịch SXH tồi tệ nhất trong 5 năm qua với hơn 1.800 ca mắc và 5 ca tử vong. Tại các nước Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh, dịch SXH cũng hoành hành.

Người dân không được lơ là

“Phải liên tục tuyên truyền cho người dân thông điệp: Không có bọ gậy không có SXH. Người dân cần đậy bể nước, dọn tất cả các vật dụng có thể chứa nước để tránh muỗi làm tổ. Việc này phải làm hàng ngày, hàng tuần như một thói quen chứ không phải đợi đến khi bùng phát dịch mới làm”. (TS Trần Đắc Phu)

PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam cũng nằm trong “bản đồ” dịch SXH trên thế giới. Ghi nhận từ đầu năm đến giữa tháng 10, cả nước có 54/63 tỉnh, thành có ca mắc SXH với gần 50.000 trường hợp mắc, 34 ca tử vong. Dù số ca mắc cao hơn năm 2014 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2010 (hơn 130.000 ca mắc).

“Đó là vì ngay từ đầu năm, Việt Nam đã xác định năm nay theo chu kỳ dịch, SXH sẽ tăng mạnh nên đã có các biện pháp tuyên truyền quyết liệt ngay từ đầu năm” – TS Phu nhận định. Tuy nhiên, TS Phu lo ngại dịch SXH vẫn tiếp tục gia tăng trong một thời gian nữa, diễn biến sẽ phức tạp vì hiện tượng El Nino đang kéo theo nóng ấm kéo dài, mưa nhiều, gây lụt lội ở khắp nơi.

“Các nước xung quanh đều có dịch SXH, giao thương giữa các nước lại tấp nập, thời gian ủ bệnh kéo dài nên người bệnh SXH có thể mang virus đi khắp nơi, muỗi lại đốt người có virus và truyền bệnh cho nhiều người khác” – TS Phu cho biết.

Bà Gawrie N.L Galappaththy – chuyên gia của WHO tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã khống chế tốt số ca mắc SXH, thành công giảm tỷ lệ tử vong do SXH xuống dưới 1%. Tuy nhiên, theo bà, phòng chống SXH là công việc kiên trì, lâu dài, thường xuyên. Chỉ cần lơi lỏng tuyên truyền, nhắc nhở, người dân chủ quan, lơ là thì sẽ xuất hiện nhiều ổ dịch. Việc tiên quyết để hạn chế dịch SXH là dọn sạch các môi trường nước để muỗi đẻ trứng.

“Kiểm soát SXH không phải việc của riêng Bộ Y tế mà cần huy động sự góp sức, đồng lòng của nhiều bộ, ngành” – bà Gawrie N.L Galappaththy khẳng định.

Nguồn Dân Việt

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN