Số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Mỹ vượt 4 triệu, châu Âu vượt 3 triệu, với các đợt bùng phát mới ở Bỉ, Nhật, Úc khiến chính quyền phải phong tỏa.
- Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng: Đây là những điều cha mẹ cần biết để phòng trị bệnh cho trẻ
- Khủng hoảng phục hồi hậu Covid-19 ở châu Âu
- Dịch COVID-19 ngày 20-7: Cựu bộ trưởng y tế Mỹ kêu gọi đóng cửa Florida lần nữa
Đồ họa: Ngọc Thành
Với hơn 15,6 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, theo thống kê của trang worldometers sáng ngày 24-7, đến nay thế giới đã có hơn 635.000 người tử vong. Khoảng 9,5 triệu người đã hồi phục.
Mỹ dẫn đầu, ông Trump hủy sự kiện đại hội ở Florida
Cường quốc hàng đầu thế giới đã có hơn 4,16 triệu ca, dẫn đầu về số ca lẫn tỉ lệ gia tăng ca nhiễm, với trung bình 2.600 ca mới ghi nhận trong mỗi giờ. Số ca tử vong trong ngày 23-7 tại Mỹ vượt hơn 1000 dù còn nhiều bang chưa báo cáo. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca tử vong trong ngày tại nước này vượt mốc 1.000.
Dịch bệnh tiếp tục bùng phát nghiêm trọng ở phía nam nước Mỹ. Các bang Texas, California, Alabama, Idaho và Florida đều ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bên bản đồ số ca mắc COVID-19 tại nước này – Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23-7 cho biết sẽ huỷ các hoạt động tổ chức Đại hội Quốc gia trong tháng 8-2020 của đảng Cộng hòa tại Jacksonville thuộc bang Florida. Ông cho biết đã yêu cầu huỷ các sự kiện nhằm bảo vệ người dân Mỹ, ngay cả khi các phụ tá khuyến nghị ông rằng sự kiện này vẫn có thể được tổ chức theo hình thức tham dự trực tiếp một cách an toàn.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ tiếp tục hối thúc các trường học tại Mỹ mở cửa trở lại trong mùa thu này, dù một số khu vực đang bùng phát dịch nghiêm trọng có thể hoãn thêm vài tuần. Ông Trump cho biết đang thúc đẩy quốc hội hỗ trợ 105 tỉ USD cho các trường học.
Tái phong tỏa ở nhiều nơi
Khu vực châu Âu hiện chiếm 1/5 số ca nhiễm virus corona chủng mới trên toàn cầu. Tại Tây Ban Nha, khu vực Murcia ở phía đông nam đã phải phong tỏa một thị trấn 30.000 dân hôm 23-7. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở Madrid hối thúc người dân đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà.
Tại Úc, bang đông dân nhất nước này New South Wales từ ngày 24-7 tái áp dụng các biện pháp hạn chế sau khi số ca bệnh tăng trở lại. Theo đó, các nhà hàng, quán cà phê, chỉ được nhận đặt bàn theo nhóm tối đa là 10 người và nhận tối đa 300 khách. Các lễ cưới và sự kiện cũng bị giới hạn dưới 150 người và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, như cấm hát hò, nhảy múa.
Người dân Úc đi lại trên một con đường dọc biển ở Sydney ngày 20-7 – Ảnh: Reuters
Từ Úc, Bỉ đến Hong Kong, Nhật Bản, những nơi đã thành công trong việc khống chế sớm dịch COVID-19, đều đang đối mặt với sự gia tăng trở lại và buộc phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế.
Tại lục địa đen, Nam Phi cho biết số ca tử vong do COVID-19 cao hơn 60% so với ước tính ban đầu. Nước này hiện đã có hơn 400.000 ca bệnh và mới đây đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học trong bốn tuần tới.
Pháp chi 6,5 tỉ euro giải cứu giới trẻ
Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 23-7 công bố kế hoạch giải pháp việc làm cho giới trẻ, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, có tổng số tiền đầu tư lên đến 6,5 tỉ euro.
Cụ thể, khoản tiền sẽ được chi trong giai đoạn 2020-2021 với ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ việc tuyển dụng những lao động từ 25 tuổi trở xuống. Những người có hợp đồng lao động từ một năm trở lên sẽ nhận số tiền lên tới 4.000 euro . Người sử dụng lao động đã đồng ý tăng trần lương tháng lên 2 mức lương tối thiểu, nghĩa là hơn 3.000 euro/tháng, thay vì 1,6 mức lương tối thiểu như dự kiến ban đầu.
Chính phủ ước tính biện pháp này hỗ trợ cho 450.000 người lao động trẻ.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo tại Pháp sẽ được mở rộng để đón tiếp thêm 200.000 học viên bổ sung. Kế hoạch của chính phủ cũng hướng tới trợ giúp những doanh nghiệp đồng ý nhận lao động trẻ theo chương trình đào tạo vừa học vừa làm.
Đồ họa: Ngọc Thành
Trần Phương (Theo Tuổi Trẻ)