Trong khi các bạn cùng phòng giam nước mắt lã chã, đêm giao thừa đầu tiên trong trại giam, Nguyễn Mạnh Tường không còn nước mắt để khóc.
Nguyễn Mạnh Tường là niềm hy vọng lớn nhất của gia đình khi thi đỗ Đại học Y Hà Nội. “Năm đầu tiên, phải tiếp xúc với xác chết ngâm phooc-mon, tôi cũng sợ lắm. Nhưng rồi phải tự vượt qua nỗi sợ, chiến thắng chính mình thôi. Muốn trụ được với nghề y thì canh nhà xác chỉ là chuyện nhỏ”, Tường kể.
Nhiều người là đồng nghiệp của Tường làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai khi được hỏi vẫn hoàn toàn bất ngờ khi biết Tường là thủ phạm phi tang xác bệnh nhân gây chấn động dư luận. Bởi Tường rất điềm đạm, tự tin, nói năng dễ nghe, luôn tin vào tay nghề của mình và có bản lĩnh…
Còn Tường vẫn luôn tự vấn mình rằng không hiểu sao lúc đó lại có hành động như thế: “Bây giờ có thời gian bình tâm lại, tôi nghĩ rằng ngay tại thời điểm đó, sự việc chị Huyền tử vong có quá nhiều nhân viên trong trung tâm thẩm mỹ biết, mà một khi bí mật có người thứ hai biết thì không còn là bí mật nữa rồi. Vậy mà tôi vẫn hành động như vậy thì chính tôi cũng không giải thích được tại sao”.
Sau khi cấp cứu không thành công nạn nhân Huyền, Tường cùng nhân viên Khánh – đưa xác nạn nhân lên ôtô của Tường mang vào Bệnh viện Bưu điện. Thấy có quá nhiều người đứng ở cổng nên Tường bỗng thấy sợ, lại đổi ý không mang xác chị Huyền vào nữa. Đúng lúc đang loay hoay tìm phương án giải quyết, Khánh đề xuất: “Hay là ném xác xuống sông”. Vậy là cả hai đã hành động như câu chuyện chỉ tồn tại trên phim ảnh.
Tường kể rằng, sau hôm xảy ra vụ việc thì về quê chào mẹ. Nghĩ con trai mình về thăm nhà như mọi lần nhưng linh tính của người mẹ khiến bà bất an vì thấy nét lặng lẽ trong đôi mắt của con trai. Bà không hỏi và quả nhiên, linh cảm có cơ sở. Hôm sau thì bà nhận được tin “động trời”.
“Tôi định sau ca trực cuối cùng của đời bác sĩ sẽ ra cơ quan công an tự thú, nhưng không ngờ các anh công an đã đến quá nhanh. Lúc đó khoảng gần 6h sáng, tôi chuẩn bị bàn giao ca trực thì các anh đến, mời về cơ quan làm việc”, phạm nhân thụ án 19 năm tù nhớ lại thời khắc bị bắt.
Thừa nhận mình không phải là lưu manh, côn đồ, thế nên khi bị triệu tập về trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự, Tường không vòng vo mà nhận một cách tỉ mỉ. Anh ta nói không thấy sợ hãi khi ngày đầu tiên bị đưa vào buồng giam nhưng quả thật đó là những ngày “sốc nặng” bởi chưa từng va chạm với cuộc sống tù tội, nằm cùng lưu manh, ăn cơm đúng giờ quy định
Nhớ lại đêm giao thừa đầu tiên trong trại tạm giam Công an Hà Nội, Tường nói rằng hôm đó anh em trong buồng ngồi quây quần bên nhau, nhưng chẳng ai ăn được gì, dù gia đình gửi vào đầy đủ bánh chưng, giò, kẹo mứt.
“Có nhiều người nằm lặng lẽ khóc, có người kể chuyện tếu táo, úp mặt vào gối giả vờ ngủ để xua tan không khí buồn, nhớ nhà. Còn tôi thì không còn nước mắt để mà khóc nữa”, Tường tâm sự.
Hỏi Tường về người phụ nữ cùng anh ta đi lễ chùa ngay sau khi nâng ngực cho chị Huyền, Tường không giấu giếm. Đó là một phụ nữ mà Tường có tình cảm, giữa họ sâu sắc đến mức có một đứa con. Chuyện này vợ Tường biết, nhưng họ “tôn trọng” khoảng trời riêng của nhau.
Nói về vợ mình, phạm nhân nguyên là bác sĩ này chỉ dành một từ duy nhất: “Biết ơn”. Bởi sau rất nhiều thăng trầm, anh ta thấy trân trọng những gì vợ đã phải trải qua.
Tại bản án ngày 5/12/2014, TAND Hà Nội cho rằng có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật cho chị Lê Thị Thanh Huyền khi Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa có giấy phép thực hiện việc này. Biết khách hàng tử vong, bị cáo đã cố tình phi tang bằng cách ném xác xuống sông.
Tòa tuyên phạt Tường 14 năm về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, 5 năm tội xâm phạm thi thể. Tổng hợp hình phạt là 19 năm. Người cùng đi vứt xác với Tường là nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh, tòa xác định phạm tội khi còn nhỏ nên tuyên phạt 24 tháng về tội Xâm phạm thi thể, 9 tháng tội Trộm cắp tài sản, tổng cộng 33 tháng. Sau phiên tòa sơ thẩm, Khánh không kháng cáo. Tường chống án, đề nghị xem xét lại toàn bộ phán quyết của tòa sơ thẩm song đã bị toà phúc thẩm bác đơn vào phiên xử ngày 11/9/2015. |
Theo Công An Nhân Dân