Ngày 5.3, tròn 1 tháng nhậm chức của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Đã có những phát ngôn đáng chú ý, đã có những quyết sách được đưa ra. Bộ máy Đảng và chính quyền TP.HCM đang chuyển động. Người dân đang đặt khá nhiều kỳ vọng về “Dấu ấn Đinh La Thăng”.
Phong cách quyết đoán, tác phong nhanh nhẹn, xử lý quyết liệt. Đó là cảm nhận của người dân về Bí thư Thành ủy TP.HCM sau 1 tháng nhậm chức.
“Kể từ giờ phút này, toàn bộ tâm trí của tôi sẽ dành cho TP.HCM”
Ngày 5.2, trong buổi lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công vào TP.HCM đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy, ông Đinh La Thăng xúc động nói: “Kể từ giờ phút này, toàn bộ tâm trí của tôi sẽ dành cho một việc duy nhất, đó là cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác kế tục một cách xứng đáng sự nghiệp vẻ vang được gây dựng bởi các bậc tiền bối kính trọng”.
Ngưng chúc tụng đầu năm, tập trung vào công việc
Ngày 15.2 (mùng 8 Tết), tại cuộc họp về công tác chăm lo Tết Bính Thân, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 và cũng là năm đầu thực hiện các mục tiêu, kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong đó nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đang được khởi động, đòi hỏi sự quyết tâm cao và quyết liệt, hiệu quả của toàn hệ thống chính trị thành phố để đáp ứng kỳ vọng của người dân.
“Các đơn vị, địa phương chấm dứt các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc, không được để người dân, doanh nghiệp chờ đợi”, ông Thăng nói và yêu cầu UBND thành phố phải quán triệt vấn đề này với lãnh đạo các sở – ngành, quận – huyện.
Kiên quyết kéo giảm tội phạm trong vòng 3 tháng
Ngày 17.2, làm việc với Công an TP.HCM, phát biểu tại đây, Bí thư Thăng chỉ đạo trong vòng 3 tháng tới, Công an TP phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm phải được kéo giảm một cách rõ rệt.
Để thực hiện được việc này, ông Thăng yêu cầu sớm có hệ thống camera đồng bộ trên toàn thành phố kết hợp với việc phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành để hỗ trợ tối đa cho lực lượng công an trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự…
Kết hợp nhiều mô hình phòng chống tội phạm, khuyến khích người dân tham gia và có cơ chế khen thưởng cho họ. Đặc biệt thu gom người ăn xin ở khu vực trung tâm, kiên quyết xử lý các đối tượng nghiện hút vì đây là một trong những nguồn gốc của các loại tội phạm. Ngoài ra, phải chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành và đồng thuận, từ đó làm cho xã hội có cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
“Không có số của Tổng giám đốc Vinamilk, làm sao bán sữa?”
Ngày 18.2, trong buổi làm việc tại huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND huyện báo cáo nông dân nuôi bò sữa đang gặp khó khăn, không tiêu thụ được sữa. Bí thư Đinh La Thăng đã đề nghị liên lạc với Tổng giám đốc Vinamilk, nhưng chủ tịch huyện Củ Chi nói rằng không có số điện thoại.
Ông Thăng nói: “Chủ tịch huyện chưa gặp Tổng giám đốc Vinamilk thì sao biết nguyên nhân bà con bán không được sữa? Kiểm tra là biết ngay!”.
Tiếp đó, Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM đã liên lạc được với bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk. Bí thư Thăng trao đổi với bà Liên qua điện thoại và được biết số hộ không bán được sữa là do không có hợp đồng với công ty, hoặc chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Phía Vinamilk sẵn sàng phối hợp tìm các biện pháp hỗ trợ nông dân theo quy định của công ty.
Bà con góp bò vào Vinamilk có được không?
Vẫn chưa yên tâm, ngày 1.3, trong buổi làm việc với Đảng ủy khối Doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tiếp tục trao đổi với bà Mai Kiều Liên về vấn đề này.
Bà Liên cho biết: “Năm ngoái, Vinamilk mua sữa bò của bà con nông dân thay thế nhập khẩu là 131 triệu USD. Tăng trưởng sữa của bà con nông dân nhiều năm nay là 2 con số. Con số đó thể hiện sự gắn bó giữa doanh nghiệp và bà con nông dân. Mọi người cứ nói tại sao Vinamilk mua giá cao? TPP vào, giá sữa bình quân 8.000 – 9.000 đồng/lít, chúng tôi mua 13.000 – 14.000 đồng/lít là cao đến 40% so với giá thế giới. Chúng tôi cũng thông báo với bà con nông dân là từ đây đến 3 năm sau, chúng ta giảm giá thành xuống nếu muốn cạnh tranh được”.
Bí thư Thăng hỏi: “Bà con góp bò, Vinamilk có để cho họ là cổ đông, thay vì góp tiền thì góp bằng con giống, con bò có được không?”. Bà Liên trả lời: “Ý anh là muốn chuyển tất cả nông dân đó thành cổ đông? Đó là một ý tưởng hay, nhưng vấn đề mình lại phải xem đàn bò có đạt tiêu chuẩn hay không để họ góp bò vào”.
Trước đó, cũng trong lần làm việc với huyện Củ Chi, ông Thăng đã yêu cầu chính quyền làm đường vào nhà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em, sửa nhà cho bà Lê Thị Kiều Oanh (có chồng và cha là liệt sĩ). Ngay sau đó, chính quyền huyện Củ Chi đã thực hiện ngay 2 việc này.
2 ngày, 1.200 cuộc gọi tới đường dây nóng
Tối 19.2, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã chính thức công bố số đường dây nóng tiếp nhận thông tin người dân góp ý trực tiếp đến đồng chí Bí thư Thành ủy, là số 0888 247 247.
Trong vòng 43 giờ (từ 21h ngày 19.2 đến 16h ngày 21.2), đường dây nóng có gần 1.200 cuộc gọi, hơn 800 tin nhắn từ người dân gửi vào số điện thoại này. Đa số các cuộc gọi vào đường dây nóng có nội dung phản ánh về lĩnh vực quản lý đô thị (nhất là về ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường), an ninh trật tự, cải cách hành chính, khiếu nại tố cáo…
Vỉa hè đem cho thuê sao đòi phạt người đi bộ vào lòng đường?
Ngày 27.2, tại Hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nêu vấn đề: “Vỉa hè thì đem cho thuê, nhưng người dân đi xuống lòng đường thì đề xuất phạt. Toàn bộ vỉa hè thành đường đi xe máy với nơi kinh doanh buôn bán, người dân đi vào đâu?”.
Và, ông Thăng dứt khoát: “Tôi yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đỗ xe… Còn chỗ nào mà thấy cho phép sử dụng vỉa hè lòng đường được thì cho luôn, không thu phí nữa”.
Bí thư Thành ủy đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố “chỉ đạo rốt ráo vụ này”. Ông cũng yêu cầu UBND, HĐND thành phố báo cáo xem số tiền cho thuê vỉa hè, lòng đường mà các quận thu về trong những năm qua là bao nhiêu?
Theo Bí thư Thành ủy, số tiền đó không đáng kể. “Được bao nhiêu tiền mà cho thuê? Cứ giao cho quận thu kiểu này thì lòng đường, vỉa hè thành nơi kinh doanh hết. Và như vậy chỗ cho giao thông càng ngày càng ít đi”, ông Thăng nói.
Muốn biết thương hiệu gạo nổi tiếng… chỉ cần hỏi bà nội trợ
Chiều 3.3, tại buổi làm việc với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), khi nghe báo cáo của bà Lê Thị Minh Trang – Tổng giám đốc SATRA về thương hiệu gạo của đơn vị này, ông Thăng đã ngắt lời và hỏi: “Bây giờ SATRA có bao nhiêu thương hiệu gạo?”. Bà Trang trả lời: “Có 20 thương hiệu”.
Ông Thăng hỏi tiếp: “Có nổi tiếng không?”. “Dạ, nổi tiếng, thị trường ở thành phố và trong nước ai cũng biết”, bà Trang khẳng định.
Ngay lập tức Bí thư Thăng quay sang hỏi một nữ nhà báo có mặt trong hội trường xem có biết đến thương hiệu gạo nào của SATRA không? Nữ nhà báo trả lời không biết.
Bí thư Thăng kết luận, muốn biết thương hiệu gạo có nổi tiếng không thì hỏi bà nội trợ.
Theo Dân Việt