Cuộc sống bằng đôi chân của cậu bé không tay

Bẩm sinh không có đôi tay, cậu bé Hạnh 14 năm nay tự học cách làm mọi việc từ cầm bút, nấu cơm, rửa chén, gọt xoài đến leo cây… bằng đôi chân của mình.

Hồ Hiếu Hạnh được bà con trong xóm 2 (xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai) gọi thân thương là “chim cánh cụt”. Em mê chiếc máy tính từ khi vào lớp một, lần đầu tiên được chạm chân lên bàn phím. Kể từ đó, khao khát trở thành kỹ sư máy tính chưa bao giờ thôi cháy trong em.

Ba mẹ Hạnh, ông Hồ Hữu Thân và bà Bùi Thị Hợp, quê gốc ở Nghệ An, lập nghiệp ở vùng đất Đồng Nai. Kinh tế gia đình không khấm khá, thu nhập chính của cả nhà dựa vào mấy sào rau trồng quanh năm. Làm ăn liên tục thua lỗ, gia đình lại đông con nên cuộc sống túng thiếu.

Năm 2000, Hạnh sinh ra thiếu đôi tay. Khi em mới chào đời, cả nhà phải giấu, sợ bà Hợp không chịu được cú sốc. Bà ngoại và ba của Hạnh thay phiên chăm sóc cho em. Mẹ Hạnh như chết lặng nửa người lúc bế em trên tay. Di chứng chất độc da cam khiến Hạnh trở nên khác biệt so với bao bạn bè. Nhìn Hạnh rướn mình tập bò như một chú sâu đo, mọi người đều nghĩ cậu bé sẽ mãi phụ thuộc vào người thân. Nhưng cậu bé dần dần biết bò, đi lại, biết viết chữ, đến trường, đỡ đần công việc cho ba mẹ. Hạnh có thể làm trơn tru nhiều công việc nhà bằng đôi chân khéo léo và chiếc cổ của mình.

Cuộc sống bằng đôi chân của cậu bé không tay

Hồ Hiếu Hạnh nuôi mơ ước trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Ảnh: Khánh Ly

Hạnh tự sinh hoạt được bình thường nhưng ba mẹ cậu bé không dám nghĩ đến việc cho con đến trường. “Hạnh sẽ viết chữ ra sao, làm sao theo kịp các bạn, trường nào nhận”, ba mẹ Hạnh lo lắng. Cậu bé buồn lắm khi thấy bạn bè đến lớp nên lén bố mẹ đến đứng bên hiên lớp mẫu giáo. Cậu chạy về nhà đòi bố mẹ được đi học như các bạn. Đến một hôm, cô giáo bước ra, Hạnh hoảng sợ bỏ chạy. Cô liền tới nhà thuyết phục bố mẹ Hạnh bởi đọc được ánh mắt khao khát kiếm con chữ của cậu bé. Bố mẹ phân vân vì không biết con trai sẽ viết chữ thế nào. Cậu bé nhanh nhảu: “Con sẽ viết bằng chân”.

Những con chữ đầu đời với các em nhỏ khó một thì với Hạnh khó mười. Cây bút trơn trượt khỏi hai ngón chân vì mồ hôi, mực bẩn. Có những lúc, ngón chân Hạnh sưng tấy, gần rỉ máu nhưng em không bỏ cuộc. Nhưng chỉ cần được đến trường, Hạnh vui lắm, suốt ngày hí hoáy tập viết chữ trên tấm bảng con con.

Sang lớp một, trường tiểu học không chịu nhận Hạnh. Cậu bé cùng mẹ nhiều lần đến trường xin học, sự kiên nhẫn đã được đền đáp, em được vào lớp. Ở trường, Hạnh có một chỗ ngồi riêng để viết chữ, mỗi lần muốn phát biểu, Hạnh giơ bàn chân lên đầu gối. Mỗi lần lên bảng, cậu bé tỳ chân vào bàn cô giáo và cầm phấn viết.

Câu chuyện kiếm con chữ của cậu bé còn đặc biệt hơn khi tổng kết năm học, em đạt danh hiệu học sinh giỏi, chữ viết đẹp. Lần đầu được giấy khen, cậu chạy khoe khắp nhà. Mấy năm tiểu học, Hạnh luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Đôi chân tháo vát còn là trợ thủ của mẹ chăm sóc vườn rau rộng, tưới nước, giúp bố cho đàn vịt ăn. Rửa chén, nấu cơm, quét nhà… cũng từ đôi chân ấy. Ống tưới nước kẹp vào cổ, đôi chân nhanh nhẹn rê vòi tưới đi khắp vườn rau rộng lớn. Nhà Hạnh đông anh em, Hạnh đỡ đần mẹ bằng cách vui đùa với em nhỏ, trồng cây chuối điệu nghệ cho em vui. Hạnh còn bơi giỏi.

Cuộc sống bằng đôi chân của cậu bé không tay

Từ lúc học tiểu học, Hạnh đã đỡ đần mẹ làm việc nhà. Ảnh: Khánh Ly

Hạnh tự đến trường trên chiếc xe đạp tự chế của mình. Đôi chân thoăn thoắt và chiếc cổ tựa vào cổ xe thay cho đôi bàn tay. Nhiều bạn bè dành thời gian, đến trường sớm hơn để chở Hạnh vào lớp. Song hành cùng em là những người bạn đồng trang lứa sẵn sàng giúp đỡ.

15 tuổi, Hạnh đang theo học lớp 8 trường Lê Thánh Tông, xã Gia Canh, huyện Định Quán. Em có một năm gián đoạn việc học do trường xa, chi phí đắt đỏ so với thu nhập của gia đình, cộng thêm việc em kết bạn với nhóm ham chơi, lơ là việc học trên lớp.

Một năm rời xa nhà trường, bè bạn đủ làm cậu bé ấp ủ thêm nhiều quyết tâm khi được trở lại. Ước muốn trở thành kỹ sư tin học và đổi đời, giúp đỡ ba mẹ đã giữ Hạnh với trường lớp. Kết quả học kỳ một, Hạnh gần đủ điểm học sinh giỏi.

Theo: Vnexpress

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN