Lột bỏ quần áo, lấy quốc kỳ quấn như áo tắm đi tới nơi đông người là hành vi không chỉ lệch chuẩn đạo đức…
Ăn mừng nên có điểm dừng
Những ngày gần đây, sau khi đội tuyển U23 Việt Nam liên tiếp vượt qua vòng tứ kết, bán kết giải U23 châu Á, hàng triệu người dân Việt Nam đã đổ ra đường ăn mừng theo nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh những cách văn minh thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, vẫn còn đó không ít người có những cách ăn mừng phản cảm, lố bịch, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điển hình trong số đó là hình ảnh một vài cô gái trẻ hoặc người chuyển giới hồn nhiên lột bỏ quần áo rồi lấy quốc kỳ quấn quanh người.
Hay nhiều bạn trẻ chỉ vì những lời thách đố nhất thời đã khỏa thân, người trần như nhộng chạy trên đường phố. Những hình ảnh xấu này lan truyền một cách chóng mặt trên các trang mạng xã hội và vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV, luật sư Trần Văn Lý cho rằng, quốc kỳ là loại cờ được dùng làm biểu trưng cho một quốc gia, là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, của dân tộc. Hành vi xúc phạm quốc kỳ xâm phạm đến sự tôn nghiêm, thiêng liêng. Người có hành vi xúc phạm quốc kỳ, quốc huy, quốc ca có thể bị xử lý theo Luật hình sự.
Cụ thể tại Điều 351 Bộ Luật hình sự 2015 quy định, người nào cố ý xúc phạm quốc kỳ, quốc huy, quốc ca sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội phải có hành vi cố ý thể hiện ở chỗ viết, vẽ những nội dung không lành mạnh, có tính sỉ nhục hoặc xé rách, chọc thủng, giẫm đạp cờ Tổ quốc hay bằng những thủ đoạn khác làm biến đạng quốc kỳ, quốc huy.
Trường hợp một số cô gái lột đồ rồi quấn quốc kỳ lên người có thể không nhằm mục đích xúc phạm quốc kỳ mà chỉ vì quá phấn khích nên hành động bột phát. Đối với hành vi sử dụng cờ tổ quốc sai mục đích, không đúng quy định nhưng không cố ý xúc phạm thì không cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, luật sư Lý cho biết thêm, nếu sự việc trên xảy ra tại Hà Nội chắc chắn cô gái sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi ăn mặc phản cảm hoặc có tính chất khiêu dâm tại nơi công cộng theo bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội.
Luật chưa quy định rõ ràng
Trên thực tế, hiện nay, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc xử phạt áp dụng cho việc ăn mặc phản cảm nơi công cộng. Do đó, tại thời điểm hiện nay, thì chưa có đủ căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề này.
Trước đây, tại Điều 10 Nghị định số 70/2010/NĐ-CP có quy định về vấn đề xử phạt liên quan đến nếp sống văn minh bao gồm xử phạt người không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót nơi công cộng, nhưng khi Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 70/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì đã không còn quy định hành vi vi phạm về nếp sống văn minh.
Điều đầu tiên, để có thể xác định được người có hành vi ăn mặc phản cảm thì cần phải xác định thế nào là ăn mặc phản cảm.
Trên địa bàn Hà Nội, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng chỉ nêu các nội dung liên quan đến những điều Nên làm và Không nên làm mà không đưa ra bất kỳ khái niệm nào để xác định như thế nào là ăn mặc hở hang, phản cảm.
Pháp luật hiện hành cũng không có bất kỳ hướng dẫn nào về khái niệm ăn mặc hở hang. Để việc xử lý đúng quy định thì cơ quan ban hành cần phải đặt ra khái niệm hoặc các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là ăn mặc hở hang, phản cảm, người có thẩm quyền không thể tiến hành xử lý, thông qua các đánh giá cảm tính cá nhân, điều này sẽ tạo sự không thống nhất trong việc vận dụng quy địn và gây ra các phản ứng trái chiều.
Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, thì hành vi ăn mừng của các cô gái nêu trên là khó có thể chấp nhận được, nhất là đối với một đất nước vốn xem trọng vấn đề thuần phong mỹ tục như Việt Nam.
Sở dĩ, nhiều bạn trẻ hiện nay có những cách ăn mừng phản cảm như vậy là do họ thiếu hiểu biết pháp luật, đôi lúc chỉ hành động theo bản năng.
Ăn mừng, thể hiện cảm xúc trước một sự lớn của đất nước là điều đáng quý và trân trọng, nhưng ăn mừng thế nào để thể hiện sự văn minh, tự hào, tự tôn dân tộc lại là một điều chúng ta cần phải suy nghĩ.
Theo giadinhnet