Việc khói mù dày đặc hơn và thời gian phải sống trong bầu không khí độc hại kéo dài sẽ khiến nhiều người khỏe mạnh đối mặt với những căn bệnh nghiêm trọng sau này.
- Lan truyền nhiều tin giả về cháy rừng ở Australia trên mạng xã hội
- Làm gì khi du lịch Australia đợt cháy rừng
Khói mù từ các đám cháy rừng tiếp tục bao phủ toàn bộ các thành phố lớn thuộc ba bang New South Wales, Victoria và thủ đô Canberra của Australia, làm gia tăng nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân địa phương.
Phóng viên tại Australia cho biết ngày 8/1, các cơ quan y tế nhà nước và Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) đã phát đi cảnh báo về chất lượng không khí đang ở ngưỡng nguy hiểm tại các thành phố Sydney (bang New South Wales), Melbourne (bang Victoria) và thủ đô Canberra.
Hiện hàng trăm đám cháy vẫn đang âm ỉ bất chấp thời tiết tại các bang này đã trở nên mát mẻ hơn và xuất hiện một số cơn mưa nhỏ, rải rác.
Chủ tịch AMA, bác sỹ Tony Bartone, cho biết khói từ các đám cháy rừng, mang theo hàm lượng bụi mịn và các loại khí độc, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và làm tăng nguy cơ tử vong đối với những người thuộc nhóm dễ bị dị ứng hay mắc bệnh hen suyễn, tim mạch và sức khỏe yếu.
Việc khói mù dày đặc hơn và thời gian phải sống trong bầu không khí độc hại kéo dài sẽ khiến nhiều người khỏe mạnh đối mặt với những căn bệnh nghiêm trọng sau này.
Mặc dù không ghi nhận có các đám cháy trong khu vực, nhưng chất lượng không khí do các cơ quan thống kê môi trường và khí tượng thủy văn đo được trong nhiều ngày liên tiếp qua tại thủ đô Canberra vẫn ở mức tồi tệ nhất trên thế giới.
Theo đánh giá của Air Vision, chiều 8/1, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Canberra ở ngưỡng 170, gần đạt ngưỡng tím – mức nguy hại tới sức khỏe, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Ngưỡng này được nhận định là cao gấp 14 lần so với mức được coi là lành mạnh đối với sức khỏe con người.
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, người dân tại ba thành phố lớn trên đã phải sử dụng khẩu trang, nhiều chương trình văn nghệ lớn, các sự kiện thể thao ngoài trời đều đã thông báo hoãn tổ chức.
Tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng đã xuất hiện tình trạng “cháy hàng” loại khẩu trang chống bụi mịn P2. Máy lọc không khí cũng trở thành mặt hàng bán chạy trong những ngày vừa qua.
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông địa phương Australia đưa tin khói từ các đám cháy rừng cũng đang tác động đến cộng đồng dân cư tại một số quốc gia khu vực Thái Bình Dương.
Tại New Zealand, khói mù khiến cho bầu trời ở thành phố Auckland chuyển sang ánh sáng màu cam và nhiều ngọn núi tuyết trắng bị chuyển thành màu nâu. Ngày 7/1, tại Chile, quốc gia cách Australia 11.000 km đường biển, cũng ghi nhận khói mù dày đặc bao phủ thành phố.
Thống kê cho thấy cuộc khủng hoảng cháy rừng kéo dài gần 2 tháng tại Australia hiện đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, phá hủy gần 2.000 ngôi nhà và hơn 8 triệu hécta rừng.
Theo baovemoitruong.org.vn