Đánh máy 10 ngón sẽ không còn là việc khó khăn nếu người dùng biết đến những bí quyết sau đây.
Thành thạo đánh máy 10 ngón là một lợi thế rất lớn dành cho những người thường xuyên phải làm việc với máy tính đặc biệt là đối với nhân viên văn phòng. Việc đánh máy bằng 10 ngón tay sẽ giúp tốc độ hoàn thành văn bản được nhanh hơn cũng như tạo phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn.
Thành thạo đánh máy 10 ngón là một lợi thế rất lớn dành cho những người thường xuyên phải làm việc với máy tính đặc biệt là đối với nhân viên văn phòng
Không có nhiều người sử dụng được cách đánh máy 10 ngón bởi đa số mọi người đều nghĩ rằng phải rất khó khăn để gõ chữ trên bàn phím bằng cả 10 ngón tay. Tuy nhiên, việc này sẽ không quá khó nếu người dùng nắm được những bí quyết sau đây và chăm chỉ luyện tập đôi tay của mình.
Vị trí đặt tay trên bàn phím
Vị trí đặt tay trên bàn phím của các ngón tay.
– Bàn tay trái: ngón út (phím A), ngón áp út (phím S), ngón giữa (phím D), ngón trỏ (phím F).
– Bàn tay phải: ngón út (phím :), ngón áp út (phím L), ngón giữa (phím K), ngón trỏ (phím J).
Hai ngón tay cái đặt ở phím Space. Và nhiệm vụ của hai ngón này chỉ là thay phiên nhau đánh phím này mà thôi.
Nhiệm vụ của các ngón tay
Tay trái
– Ngón trỏ: R, F, V, 4, T, G, B, 5.
– Ngón giữa: E, D, C, 3.
– Ngón áp út: W, S, X, 2.
– Ngón út: phím Q, A, Z, 1, ` và các phím chức năng như Tab, Caps lock, Shift.
– Ngón cái: Space.
Tay phải
– Ngón trỏ: H, Y, N, 6, 7, U, J, M.
– Ngón giữa: 8, I, K, <>
– Ngón áp út: 9, O, L, >.
– Ngón út: 0, P, :, ?, “, [, ], -, +, \, Enter, Backspace
– Ngón cái: Space.
Người dùng cần phải thuộc vị trí đặt tay và nhiệm vụ của từng ngón tay trên bàn phím.
Trước tiên người dùng cần phải thuộc nằm lòng vị trí đặt tay trên bàn phím, luyện tập bằng cách gõ phím rồi quay trở lại vị trí đặt tay ban đầu. Và tập làm sao khi gõ ngón này thì ngón kia không bị di chuyển theo. Một lưu ý nhỏ là nếu người dùng kiểu gõ Telex thì tốc độ gõ tiếng Việt sẽ nhanh hơn kiểu VNI.
Người dùng cũng có thể tự học gõ bàn phím bằng cách đọc một bài thơ, bài văn bất kỳ và đánh lại vào máy tính với tốc độ thật chậm để giữ độ chính xác của các ngón tay, đồng thời để nhớ các phím, sau đó mới nâng dần khối lượng bài tập và tốc độ gõ lên.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng các phần mềm tập đánh máy 10 ngón như Finger BreakOut, Mario, Typing Trainer… để hỗ trợ cho quá trình học gõ phím được dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Theo Như Quỳnh (Dân Trí)