Ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng từng nhiễm nCoV

Kết quả xét nghiệm kháng thể cho thấy nam bệnh nhân 65 tuổi ở quận Ngũ Hành Sơn từng nhiễm nCoV, hiện tại hai lần xét nghiệm đều âm tính.

Tối 6/9, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp test nhanh và phương pháp Mac Elisa cho thấy bệnh nhân nghi nhiễm có kết quả dương tính với kháng thể.

Ngành y tế xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Mac Elisa với em trai, vợ, con gái của bệnh nhân và cũng cho kết quả dương tính. Còn kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là âm tính với nCoV.

“Kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể, nghĩa là trong quá khứ bệnh nhân từng nhiễm SARS-CoV-2″, Sở Y tế Đà Nẵng nhận xét.

tinCác bác sĩ tại Đà Nẵng trao đổi trong đợt dịch nCoV tái bùng phát, tháng 7/2020. Ảnh: Nguyễn Đông.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và ba người nhà dương tính với kháng thể cần có thêm cơ sở khoa học và ý kiến chuyên môn, Sở Y tế Đà Nẵng nói và cho biết sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo.

Bệnh nhân hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang và tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày tới. Những người có liên quan tiếp tục được rà soát để xét nghiệm, trong đó sáu người đã được cách ly tập trung.

Trước đó, bệnh nhân nghi nhiễm từng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đầu tháng 7. Ngày 5/9, ông bị ho, sốt và được đưa vào Bệnh viện C Đà Nẵng cấp cứu.

Bệnh viện C đã lấy mẫu xét nghiệm nCoV và sáng ngày 6/9 có kết quả dương tính. Mẫu bệnh phẩm này tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng làm xét nghiệm, kết quả dương tính.

Trong ngày 6/9, Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang, nơi đang điều trị cho bệnh nhân, lấy mẫu lức 8h45; kỹ thuật viên CDC Đà Nẵng lấy mẫu lúc 9h và hai kết quả xét nghiệm được CDC thực hiện đều cho kết quả âm tính vào chiều cùng ngày.

Quận Ngũ Hành Sơn đã phong toả toàn bộ khu vực 7 hộ dân xung quanh nơi ở của ca nghi nhiễm, phun hoá chất khử khuẩn để đảm bảo quy trình về phòng chống dịch bệnh.

Kết quả xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR với 7 người khác, gồm con rể, hai cháu ngoại ở cùng nhà ít tiếp xúc với bệnh nhân; em dâu và ba người có liên quan cũng âm tính với nCoV.

RT-PCT là phương pháp xét nghiệm mục đích để tìm kháng nguyên (tác nhân gây bệnh – nCoV) có tồn tại trong cơ thể và có khả năng lây nhiễm tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm hay không.

Xét nghiệm tìm kháng thể là khi người từng mắc bệnh do kháng nguyên gây ra, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để đáp ứng lại kháng nguyên đó.

Xét nghiệm tìm kháng nguyên là xác định tại thời điểm xét nghiệm, cơ thể có nhiễm kháng nguyên hay không. Xét nghiệm kháng thể là để tìm kháng thể, được sinh ra khi cơ thể từng tiếp nhận kháng nguyên.

Nguyễn Đông (Theo Vnexpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN