Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng hình thành bão với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 10, hướng vào phía nam vịnh Bắc Bộ.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10-15 km/h. Trong 24 giờ tới, hình thái này mạnh thành bão.
Rạng sáng 12/10, tâm áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h. Hình thái này có khả năng mạnh lên thành bão. Nếu kịch bản này xảy ra, đây là cơn bão số 7 trong năm nay hình thành trên Biển Đông.
1h sáng 13/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão đi theo hướng tây với vận tốc 10-15 km/h và có khả năng mạnh thêm.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.
Rạng sáng 14/10, tâm bão nằm ngay trên đất liền phía nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi và vận tốc, đi vào vùng biển phía nam của vịnh Bắc Bộ.
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong những giờ tới nằm từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ vĩ bắc và từ 112,5 đến 119,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Bản đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới cho thấy khi áp sát vịnh Bắc Bộ, vùng ảnh hưởng của hình thái này trải rộng ra các tỉnh từ Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đến một phần của Trung Trung Bộ.
Tuy nhiên, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết một đợt không khí lạnh hình thành ngày 14/10 có thể ảnh hưởng đến hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.
Chuyên gia khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động lên phương án ứng phó.
Cùng lúc, mưa lũ ở miền Trung tiếp diễn phức tạp. Trong 12 giờ qua, lượng mưa ghi nhận được ở Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, phổ biến 150-300 mm, có nơi trên 380 mm.
Ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp hoạt động của không khí lạnh, từ nay đến ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa lớn.
Lượng mưa ghi nhận được ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế dao động 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Các tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Đà Nẵng có mưa lớn 100-200 mm. Ngoài ra, mưa cũng mở rộng ra Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi với lượng 80-150 mm.
Mỹ Hà (Theo Zing.vn)