7 cách từ chối khéo không gây mất lòng đồng nghiệp

Giao tiếp, ứng xử rất quan trọng trong công việc và cuộc sống, đó là một kỹ năng cơ bản, cần thiết nhưng không phải ai cũng áp dụng hiệu quả. Đặc biệt trong giao tiếp, khi nói lời từ chối càng cần phải cẩn trọng, nghiêm túc và tế nhị để không gây mất lòng, nhất là với đồng nghiệp trong môi trường công việc hạn hẹp phải làm việc tiếp xúc thường xuyên.

Học cách nói lời từ chối với đồng nghiệp là một kỹ năng mà ai cũng cần phải học và rèn luyện. Lời từ chối nên xuất phát từ sự chân thành, giữ gìn uy tín, sự tôn trọng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp cho cả hai bên. Dưới đây là 7 gợi ý từ CareerLink về cách từ chối khéo, bạn cùng tham khảo nhé.

Hiểu rõ bản thân

Khi tự hiểu rõ chính bản thân mình bạn sẽ dễ dàng hơn để nói lời từ chối mà không cảm thấy có lỗi hay băn khoăn điều gì. Hiểu rõ và nhận thức đầy đủ năng lực chuyên môn, khả năng, lượng thời gian hay ý muốn của mình làm cho bạn có câu trả lời xác đáng, chân thành và kiên định.

Giải thích rõ ràng, khéo léo

Nếu như thực sự bạn không hề muốn giúp đỡ, làm thay công việc của ai đó hay nhận đề nghị làm thêm thì hãy giải thích rõ ràng và khéo léo. Bạn có thể bày tỏ nguyện vọng và chính kiến của mình chứ không nên mập mờ để gây sự khó chịu và khúc mắc cho cả hai bên. Khi bạn nhận lời nhưng không thể làm tốt sẽ gây ra các hệ lụy như làm không đạt hoặc kém hiệu quả gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của người được làm thay.

Tìm các lý do thiên về bản thân

Khi được đồng nghiệp nhờ vả làm một việc gì đó mà bạn không muốn nhận lời, hãy từ chối bằng cách nêu ra các lý do. Lưu ý là các lý do này thiên về bạn hơn là tập trung vào điểm yếu của người nhờ vả. Chẳng hạn bạn có thể nói “Ngày hôm nay tôi rất bận”, hoặc “Tôi đã hứa giúp một người trước khi anh nhờ tôi rồi”.

Lời nói cử chỉ nhã nhặn

Khi bạn nói lời từ chối người nào đó, tuyệt đối tránh cao giọng, cộc cằn, không có chủ ngữ vị ngữ. Điều này làm cho đối phương cảm thấy tổn thương vì thiếu đi sự tế nhị, tôn trọng. Thay vào đó, hãy sử dụng các từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự, âm điệu vừa phải, giọng điệu chân thành. Bạn cũng có thể tận dụng khoảng thời gian riêng để giãi bày quan điểm cá nhân một cách khéo léo mà không gây mất lòng cho đồng nghiệp.

“Nói dối” khi cần thiết

Nói dối thường được hiểu là hành động xấu không nên có, nhất là trong quá trình phỏng vấn, dù là với nhà tuyển dụng việc làm ở Hải Phòng hay bất kỳ nơi nào khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đôi khi lại là điều cần thiết và nên làm. Bạn có thể nói dối để từ chối nếu như lý do đó không tiện nêu ra hoặc nói thẳng ra sẽ gây tổn thương, mất lòng. Đây cũng là một cách từ chối khéo không làm xấu đi hình ảnh và mối quan hệ đồng nghiệp. Điều quan trọng bạn cần nhớ là lời nói dối này xuất phát từ thiện ý, không làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của bất kì ai. Nó được gọi là “lời nói dối vô hại”, là cách nói tránh.

Cần quyết đoán, nghiêm túc

Hãy để mọi người biết được tính cách thẳng thắn, quyết đoán của bạn thông qua những gì bạn cư xử hằng ngày. Đó là sẵn sàng nói lời từ chối nếu nhận thấy bản thân không thể đảm nhận công việc đó mà không phải do yêu – ghét cá nhân. Đừng vì cả nể mà lấp lửng, phân vân hay nhận lời để rồi không hoàn thành được. Làm như vậy bạn sẽ tự hủy hoại uy tín của mình với cấp trên và đồng nghiệp.

Ngoài ra bạn cần nghiêm túc và tôn trọng đối phương khi từ chối, không nên đùa cợt hay trêu chọc để làm tăng sự khó chịu cho người bị từ chối.

Gợi ý tìm giải pháp khác

Khi bạn được đề nghị giúp đỡ ai đó, nếu nhận thấy bản thân không thể làm được, bạn không nên nhận lời. Thay vì nói lời từ chối thẳng thừng, bạn nên gợi ý cho họ tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác có khả năng hơn. Chẳng hạn bạn có thể gợi ý cho họ: “Tôi muốn giúp nhưng lại không rành lắm, bạn có thể nhờ anh X được không, anh rất giỏi trong lĩnh vực này nên sẽ làm được rất tốt”.

Lời nói không khéo léo sẽ dễ gây đổ vỡ mối quan hệ đồng nghiệp dù cho lý do từ chối của mình là chính đáng. Do đó, khi nhận được lời đề nghị mà bạn không thể đồng ý, hãy suy nghĩ thật kỹ để ứng xử phù hợp nhất, làm sao để nói lời từ chối chân thành mà vẫn giữ được sự tốt đẹp về lâu dài.

Riêng bản thân, nếu nhận thấy lời đề nghị nào đó không muốn và không có khả năng thực hiện thì nên chọn cách từ chối khéo léo để tránh đưa mình vào thế khó. Vì khi nhận lời bạn sẽ cảm thấy nặng nề, áp lực, mất thời gian và phiền phức. Nếu không hoàn thành tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín bản thân và chính công việc của người nhờ vả.

Đặng Hảo

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN