4 lí do khiến bạn trì hoãn và cách khắc phục

Trì hoãn là “căn bệnh” phổ biến mà hầu hết chúng ta đều từng mắc phải. Đây là một thói quen không tốt có thể ảnh hưởng đến thành công trong sự nghiệp của bạn. Nhưng nếu xác định được lý do gây nên sự trì hoãn của bản thân, bạn hoàn toàn có thể tìm ra phương pháp loại bỏ thói quen xấu này.

Dưới đây là 4 nguyên nhân thường khiến bạn trì hoãn công việc, hãy cùng tham khảo nhé.

Do lười biếng

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của căn bệnh “trì hoãn” cũng là điều sẽ khiến bạn bị nhà tuyển dụng từ chối khi phỏng vấn kiếm việc. Bạn luôn cảm thấy ái ngại khi phải làm việc. Thay vào đó, bạn ưu tiên cho những sở thích cá nhân và gác hết công việc sang một bên. Bạn hoàn toàn có thể cho mình xả hơi một ngày cuối tuần để xem phim, nghe nhạc hay đọc sách nếu như cả tuần đó bạn đã chăm chỉ làm việc thay vì làm việc thêm ở nhà. Vậy nên, đừng để tình trạng lười biếng kéo dài. Bởi lâu ngày, nó sẽ trở thành một thói quen xấu có thể ngăn cản thành công trong sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Bạn là người cầu toàn thái quá

Cầu toàn thực ra là một tính tốt khi bạn có thể kiểm soát và biết khi nào cần cầu toàn, khi nào có thể thả lỏng mọi việc. Song, nếu bạn luôn đòi hỏi mọi việc phải được thực hiện một cách hoàn hảo nhất thì rất dễ dẫn đến trì hoãn. Một công việc đơn giản nhưng lại đòi hỏi quá kỹ lưỡng thì thời gian để hoàn thành sẽ bị kéo dài hơn so với lịch trình. Chỉ cần mỗi ngày có một việc bị kéo dài thời gian thì các công việc khác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và trì hoãn theo.

Không lên danh sách chi tiết cho công việc

Đôi khi, trì hoãn lại đến từ sự đãng trí của chính bản thân chúng ta. Lý do là bạn không lên danh sách công việc cần làm khiến bạn bỏ quên các nhiệm vụ tiếp theo. Bạn đang làm việc này và cần gác lại để làm việc khác, nếu không ghi chú thì xác suất bỏ quên là rất lớn, nhất là khi bạn đang bị áp lực công việc dồn dập. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn được khuyên nên lập kế hoạch chi tiết cho công việc theo thứ tự ưu tiên. Bởi chỉ có như vậy, bạn mới tránh được việc trì hoãn công việc do đãng trí gây nên.

Thiếu mục tiêu phấn đấu

Bất kỳ ai cũng cần đến những mục tiêu trong công việc và cuộc sống, đó là động lực để chúng ta làm việc chăm chỉ và cố gắng phát triển bản thân. Không có mục tiêu, bạn sẽ không nắm rõ lộ trình phấn đấu và mơ hồ về việc cần làm gì vào thời điểm nào để có thể “cán đích”. Nhiều người mắc sai lầm là chỉ nhắm đến mục đích chung chung mà không đưa ra những mục tiêu cụ thể, khi đó bạn sẽ có tâm lý “làm đến đâu hay đến đó” và trì hoãn là hệ lụy tất yếu.

Làm thế nào để “giải cứu” bản thân khỏi sự trì hoãn?

Việc loại bỏ tính trì hoãn không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, mà cần sự kiên trì rất lớn từ chính bản thân bạn. Đặc biệt, bạn phải ý thức được những nguyên nhân khiến mình mắc chứng trì hoãn và đặt ra kế hoạch hành động cụ thể.

Lập kế hoạch công việc mỗi ngày

Một kế hoạch công việc cụ thể giống như kim chỉ nam giúp bạn định hướng từng nhiệm vụ trong mỗi công việc hoặc dự án. Khi đã có một lịch trình rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng làm theo kế hoạch và không bỏ sót nhiệm vụ cần làm.

Bạn có thể sử dụng các công cụ ghi chú hoặc nhắc nhở như “Sticky Note”, “Google Calendar”, “Google Assistant” để không lỡ những việc quan trọng.

Xác định mục tiêu rõ ràng theo từng giai đoạn

Thật khó để thực hiện một kế hoạch dài hạn mà không có lộ trình theo từng giai đoạn. Nếu mục tiêu mơ hồ và không có thời hạn cho mỗi nhiệm vụ, đường đến đích của bạn sẽ kéo dài từ năm này qua tháng khác. Thay vào đó, hãy suy nghĩ về mục tiêu lớn nhất của mình, sau đó chia thành những mục tiêu nhỏ hơn. Đề ra thời gian thực hiện chặt chẽ cho từng mục tiêu nhỏ để không cảm thấy mệt mỏi vì nghĩ đến chặng đường xa vời kia.

Tự thưởng cho bản thân khi hoàn thành một nhiệm vụ

Đó có thể là một cuốn sách mới, một chiếc điện thoại mới hoặc một chuyến du lịch ngắn ngày… Phần thưởng luôn là động lực để chúng ta phấn đấu, vậy thì tại sao bạn không tự thưởng cho mình một món quà sau khi hoàn thành công việc?

Nhờ người khác tác động

Mỗi người trong chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng bởi một ai đó. Vậy thì bạn hoàn toàn nên nhờ cậy người đó để giúp bạn loại bỏ tật trì hoãn không tốt này. Họ có thể là cấp trên của bạn, bố mẹ hoặc một người bạn rất thân… Nếu sử dụng phương pháp này, bạn hãy nói rõ tình trạng của bản thân với người kia và chia sẻ về lịch trình công việc của bạn để họ có thể nắm rõ và theo sát bạn. Mỗi khi mệt mỏi hay muốn từ bỏ, những lời động viên và nhắc nhở từ người ảnh hưởng sẽ giúp bạn có thêm tinh thần để chiến đấu với căn bệnh trì hoãn.

Huyền Nguyễn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN