4 dấu hiệu giúp nhận biết môi trường làm việc không tốt

Công việc tuyệt vời, chế độ đãi ngộ tốt, không khí làm việc thoải mái, sếp giỏi, đồng nghiệp thân thiện… đều có thể là lý do để bạn gắn bó lâu dài với một công ty. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể được làm việc trong một môi trường lý tưởng như vậy.

Ngược lại, một môi trường làm việc tiêu cực có thể khiến tinh thần bạn căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, chất lượng cuộc sống giảm sút, ảnh hưởng đến con đường phát triển sự nghiệp của bạn.

Nếu bạn nhận thấy 4 dấu hiệu dưới đây ở công ty, hãy cân nhắc đến việc “dịch chuyển” khỏi môi trường đó nhé.

Đồng nghiệp thường xuyên nói xấu sau lưng

Dù là “gà mới” nhưng chỉ mới vài ngày đi làm, bạn đã được hết người này đến người khác lân la nói chuyện, nhắn tin kể lể riêng với bạn về chị A xấu tính, anh B kiêu căng, hay tính sếp cục cằn… Bạn cảm thấy giữa những người đồng nghiệp này hiếm khi có những cuộc tán gẫu vui vẻ, hay thái độ không thiện cảm dành cho nhau, hay chính họ lại đang lôi kéo, muốn biến bạn trở thành đồng minh của họ, chia rẽ nội bộ thì ắt hẳn, bạn sẽ chẳng thể tin ai trong số họ cả đâu.

PNN-2Chúng ta phải thừa nhận rằng, không phải ai cũng có nhu cầu kết thân hoặc thúc đẩy mối quan hệ đồng nghiệp lên mức độ sâu hơn mức xã giao. Tuy nhiên, công sở là nơi chúng ta dành phần lớn thời gian ban ngày để làm việc, cống hiến giá trị bản thân và đổi lại, chúng ta xứng đáng nhận lại những mối quan hệ lành mạnh, một không gian tích cực và tìm kiếm các lợi ích các bên cùng có lợi. Một môi trường trong lành như vậy chính là nơi bạn có thể thoải mái giao tiếp, tán gẫu với ít nhất vài đồng nghiệp, có thể nhờ cậy họ khi gặp khó khăn trong công việc và họ sẵn sàng chia sẻ cùng bạn.

Ngược lại, một nơi mà bạn suốt ngày chỉ nghe người này nói xấu người khác sau lưng, không có sự giao lưu, gắn kết thì đó là dấu hiệu chứng tỏ họ cũng chẳng thích thú gì môi trường làm việc này cả. Vậy nên, nếu bạn nhận thấy vấn đề này trên công ty, bạn thật sự nên nghiêm túc ngồi nhìn nhận lại về khả năng gắn bó cũng như giá trị bạn có thể tạo ra, hay những điều có thể nhận lại từ nơi này.

Môi trường làm việc luôn căng thẳng, mệt mỏi

Khi đi phỏng vấn kiếm việc làm, chúng ta hay nói về mong muốn được làm việc trong một môi trường làm việc lý tưởng. Tuy nhiên, sự lý tưởng lại phụ thuộc vào quan điểm và góc nhìn của mỗi người. Nhưng, nếu là một môi trường thoải mái, vui vẻ, tích cực và mang đến cho bạn cảm hứng làm việc thì đó chắc chắn là một nơi làm việc khá lý tưởng với bạn. Còn một nơi làm việc tồi tệ sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực, thậm chí là kiệt sức do căng thẳng khi làm việc.

Đến một công ty mới, bạn hãy nhìn xung quanh văn phòng, quan sát nhanh vài người đồng nghiệp. Bạn có thấy văn phòng có những khẩu hiệu vui vẻ trên tường, có những cây xanh trên bàn không? Bạn có thấy đồng nghiệp nói cười vui vẻ trên gương mặt với nhau không? Hay có những lời chào và hỏi thăm thân mật đến người mới như bạn hay không?

Chỉ cần tinh ý một chút, bạn có thể cảm nhận được không khí làm việc ở nơi này như thế nào. Nếu bạn thấy nơi đó có hầu hết những điều kể trên, hãy yên tâm rằng, dù công việc có khó khăn thì ít ra bạn cũng có được một không gian làm việc vui vẻ và những người đồng nghiệp cởi mở. Ngược lại, nếu bạn thấy ai cũng mặt mày ủ rũ, dễ cáu gắt, nổi nóng thì đó chính là dấu hiệu của những bầu không khí căng thẳng và áp lực mà bạn sẽ phải làm quen sau này.

PNN-1

Nhân viên nghỉ việc liên tục

Sự gắn bó của nhân viên phần nào phản ánh tương đối chính xác về những phúc lợi cũng như chính sách công ty dành cho nhân viên của họ. Sẽ chẳng ai dại dột nghỉ làm ở một công ty có chế độ làm việc thoải mái, sếp tâm lý, lương và các phúc lợi tốt. Ngược lại, nếu ở một công ty mà thường xuyên đăng tin tuyển dụng những vị trí lặp đi lặp lại, bạn nên cẩn thận một chút. Đặc biệt là khi nhân viên lũ lượt nghỉ việc, hoặc có những dấu hiệu của việc sa thải đột ngột mà không có những lý do chính đáng, thường là dấu hiệu của việc nhân viên không thích nơi đó.

Bạn có thể thăm dò bằng cách hỏi những người tiền nhiệm là họ đã gắn bó với công ty được bao lâu. Nếu nhiều người trong số họ gắn bó từ một năm trở lên thì có thể là tin tốt. Nhưng hầu hết họ đều là người mới như bạn thì bạn cũng nên tìm hiểu kỹ càng hơn.

Chính sách phúc lợi nhân viên không rõ ràng

Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, rất nhiều bạn gặp phải những doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ quyền lợi lương và bảo hiểm cho nhân viên. Đặc biệt là với những công ty không có bộ phận hành chính, nhân sự riêng biệt, sẽ rất khó khăn trong việc đòi hỏi quyền lợi của bản thân. Một ví dụ thực tế rất nhiều bạn trẻ thường xuyên gặp phải, là khi phỏng vấn, người quản lý có nhắc về vấn đề này cho bạn để bạn yên tâm. Song, khi đi làm, bạn luôn phải làm những công việc đòi hỏi nhiều hơn năng lực và yêu cầu, nhưng mức lương thưởng nhận lại hoàn toàn không phù hợp. Hoặc họ hứa hết thử việc sẽ đóng bảo hiểm đầy đủ, nhưng đến hạn thì lại tìm cớ thoái thác để kéo dài thời gian.

Gặp phải những tình huống như vậy, bạn nên xem xét việc trao đổi trực tiếp với quản lý và đưa ra những yêu cầu, mong muốn rõ ràng của bản thân. Nếu tiếp tục bị từ chối thì bạn hãy cân nhắc việc tìm một môi trường mới tốt hơn.

Hãy nhớ rằng, một công ty “tồi” sẽ ảnh hưởng đến tính cách, cuộc sống và con đường sự nghiệp của bạn. Do vậy, đó chưa phải là môi trường làm việc xứng đáng để bạn cống hiến và trao đi hết giá trị bản thân mà không nhận lại được gì cho mình.

logovietcvHuyền Nguyễn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN