Zalo có ngưng hoạt động khi bị thu hồi tên miền Zalo.vn và Zalo.me?

Hiện tại, khi truy cập vào địa chỉ zalo.vn người dùng sẽ lập tức được chuyển sang địa chỉ với tên miền zalo.me.

Ngày 18.7, do Zalo hoạt động theo mô hình mạng xã hội không phép nên Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có văn bản yêu cầu các bên đăng ký và quản lý tên miền thu hồi 2 tên miền của Zalo là Zalo.vn và Zalo.me trước ngày 19.7. Điều này đã tạo ra tâm lý lo ngại của người dùng về việc ứng dụng Zalo có thể bị ngưng hoạt động hay không.
Theo đánh giá, việc thu hồi tên miền .me lại hoàn toàn không đơn giản, vì nó là tên miền quốc tế. Hiện tên miền có đuôi .me như Zalo mua qua các dịch vụ cung cấp tên miền quốc tế như Godaddy sẽ chỉ mất có 3,49 USD (tương đương hơn 80.000 đồng) cho năm đầu và 9,9 USD cho các năm tiếp theo, tên miền này do tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (ICANN) cung cấp thông qua các nhà phân phối.

Zalo hiện có lượng người dùng tại Việt Nam rất lớn Ảnh chụp màn hình
Zalo hiện có lượng người dùng tại Việt Nam rất lớn_Ảnh chụp màn hình
Nên về mặt pháp lý, việc thu hồi tên miền này cần thông qua tổ chức quốc tế này. Nếu tên miền Zalo.me do VNG mua thông qua một nhà cung cấp dịch vụ trong nước, thì việc thu hồi sẽ dễ hơn so với việc họ mua qua dịch vụ ở nước ngoài – không chịu sự quản lý của pháp luật trong nước.
Được biết, vào năm 2018 Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng ra văn bản xử phạt hành chính đối với hoạt động mạng xã hội không phép này của Zalo và công ty VNG đã nộp phạt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại phía VNG vẫn chưa tiến hành xin phép mạng xã hội cho Zalo.
Trước đó, đại diện của Zalo (trực thuộc VNG) từng chia sẻ với giới truyền thông rằng đơn vị này đang đi theo mô hình OTT (giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng internet). Tuy nhiên, trong các quy định quản lý ở Việt Nam hiện nay không có quy định về quản lý OTT, mà quản lý theo mô hình hoạt động, dẫn đến có sự chồng chéo trong việc quản lý.
Hiện tại, Zalo đang đi theo mô hình siêu ứng dụng tại Việt Nam, trên ứng dụng này đang cung cấp nhiều mô hình hoạt động như Zalo Shop theo mô hình thương mại điện tử, Zalo Food với dịch vụ giao đồ ăn, dịch vụ đặt xe Zalo Transport, hay dịch vụ tổng hợp tin tức Zalo Channel…
Chính vì điều này dẫn đến việc ứng dụng Zalo vẫn đang hoạt động bình thường, dù vào ngày 19.7 khi truy cập vào tên miền zalo.vn không còn hiệu lực.
Kết thúc tháng 6.2018, Zalo cán mốc 100 triệu người dùng. Hiện nay, ứng dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là nền tảng được các cơ quan Nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0. Ngoài ra, đến tháng 5.2018, đã có hơn 20 tỉnh thành gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, Tiền Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Ngãi… chọn Zalo để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.
Phóng viên Thanh Niên hiện liên lạc với đại diện của Zalo qua điện thoại nhiều lần, nhưng các số thuê bao đều khóa máy.

Theo thanhnien.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN