Hơn một năm về trước, cô gái Vũ Thùy Dung (23 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) bị chồng tưới xăng đốt đã rúng động dư luận xã hội. Thế nhưng, hôm nay cô gái với thương tổn bỏng trên 80% này lại khiến mọi người nễ phục bởi nghị lực và khát vọng sống của mình.
Đừng vội vã đến với hôn nhân
Trong suốt hơn một năm qua, Dung đã sống cùng với thân hình biến dạng, với nỗi đau thân thể vì vết bỏng hành hạ, rồi nỗi đau đớn tột cùng khi nghĩ về người chồng vũ phu.
Một cô gái từng là hoa khôi của xóm, lại đùng một cái phải mang một thân hình biến dạng, mỗi lần nhìn mình trong gương Dung toàn bật khóc. Và đã từng không biết bao lần tự phủ nhận hình hài bây giờ không phải là mình. Con thì không nhận ra mẹ, đứa con gái nhỏ của Dung chẳng chịu ngủ chung vì sợ hãi.
Những tưởng rồi Dung sẽ không thể nào vượt qua, thế nhưng nỗi đau không cướp đi được tình thương của người mẹ dành cho con và thế là cô gái trẻ vươn lên từng ngày vì hai thiên thần bé nhỏ của mình.
|
Trong chương trình Khát vọng sống do Báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức, Dung đã không ngần ngại kể về câu chuyện cuộc đời mình, kể về những tháng ngày cố gắng đi tìm từng vệt sáng nhỏ cho cuộc đời tưởng chừng chỉ còn bóng tối của sự mặc cảm bao trùm.
Dung kể, lúc mới cưới thì chồng rất tình cảm và không ai nghĩ được sau này sẽ như thế nào. Trong quá trình sống với nhau thì xảy ra nhiều xích mích, rồi những tệ nạn ngoài xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình, dẫn đến những lời qua tiếng lại.
“Người đàn ông khi nóng lên thì có thể làm bất cứ chuyện gì, còn bản thân mình thì cứ chịu đựng và không lên tiếng rồi cứ thế hết lần bạo lực này đến bạo lực khác”, Dung chia sẻ.
Rồi Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Lúc cưới chỉ mới 18 tuổi, rất thơ ngây và vô tư nên quá vội vàng trong hôn nhân và chưa tìm hiểu kỹ về người bạn đời của mình”.
Với Dung việc bắt đầu một hôn nhân quá sớm và chưa chuẩn bị đầy đủ kỹ năng cho một cuộc sống gia đình nên trong nhiều tình huống chưa biết cách cũng như chưa đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Chính vì thế Dung mong: “các bạn gái nên tìm hiểu kỹ về người bạn đời của mình hơn. Bởi trước khi cưới thì thấy người ta rất thương mình nên chẳng suy nghĩ gì thêm. Và các bạn đừng nên vội vã trong tình yêu lẫn chuyện hôn nhân cả đời người của mình”.
Người phụ nữ dù trong bạo lực vẫn mong muốn có được một cuộc sống gia đình, muốn hàn gắn, vị tha vì con. Mong muốn ấy là chính đáng, là đáng ca ngợi nhưng nếu trong trường hợp ấy nếu cứ nín nhịn và không biết cách lên tiếng, biết cách bảo vệ mình thì rõ ràng là đặt mình trong tình huống cứ mãi là nạn nhân.
Ông Trịnh Hòa Bình |
Rút ra từ câu chuyện đớn đau của cuộc đời mình, Dung khuyên chân thành các bạn trẻ nhưng giọng Dung cứ đứt quãng rồi như nghẹn nơi cổ họng, Dung cúi đầu như xót xa cho thân phận của chính bản thân mình.
Tuy nhiên một phút chốc cúi đầu xót xa ấy chỉ thoáng qua vì dường như đâu đó trong Dung luôn hiện lên tiếng cười của hai đứa con, nguồn động lực để Dung có được ngày hôm nay, và rồi Dung nói: “Sức khỏe của mình đã ổn định dần dần, lúc chưa phẫu thuật các ngón tay co quắp hết. Một năm mà mình phải phẫu thuật 6 lần ở tay và miệng. Giờ tay mình cũng có thể cầm nắm và làm được nhiều việc phụ giúp cho mẹ trong gia đình”.
Nhờ vào nghị lực và khát vọng sống vươn lên mỗi ngày, đôi bàn tay ngày nào co quắp giờ có thể làm được nhiều việc và gõ được bàn phím máy tính. Giờ đây, hằng ngày ngoài việc phụ giúp mẹ những chuyện nhẹ trong nhà, Dung còn kiếm thêm tiền bằng cách bán hàng mỹ phẩm qua mạng.
Mình lấy lại được tinh thần và nghị lực vươn lên cũng một phần nhờ vào những lời động viên của tất cả mọi người, từ người thân cho tới bạn bè. Nhiều bạn trẻ vào trang Facbook mua hàng ủng hộ và cũng động viên mình rất nhiều”, Dung bày tỏ.
Và với Dung bây giờ, Dung chỉ mong đôi tay mình linh hoạt hơn, gương mặt bớt đáng sợ hơn để Dung đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi 2 đứa con gái của mình.
Đừng để có lần đầu tiên
Dung phải chịu số phận như ngày hôm nay cũng chỉ vì bạo lực gia đình. Nhưng Dung chỉ là một trong rất nhiều những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình trong những năm vừa qua.
Chỉ tính từ năm 2011 đến 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong 6 tháng đầu năm 2016, theo con số thống kê chưa đầy đủ đã có 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mang vì bạo lực gia đình.
Theo NSƯT Chí Trung bạo lực là sự bất lực của bản thân không truyển tải được thông tin của mình đến người bạn đời, tạo thành ấm ức cộng với văn hóa được rèn luyện trong gia đình nhà trường kết hợp tạo thành bạo lực.
“Mọi trường hợp nên có sự chia sẻ cùng nhau, sẽ có lúc mình sai có lúc vợ sai nhưng mình nên nhịn bởi ít nhất mình là người lớn hơn trong gia đình. Một khi đã sử dụng đến bạo lực thì rất khó ngăn chặn bởi bạo lực có nguy cơ leo thang và diễn tiếp từ chuyện này đến chuyện khác. Nếu hôm nay tát được thì ngày mai sẽ đá rồi đấm. Và bạo lực là một cái nghiện, với bản tính đàn ông thích thể hiện mình, nên cứ tiếp tục nâng level lên cho oách và không thể nào dừng được”, NSƯT Chí Trung nhìn nhận.
Chính vì thế NSUT Chí Trung khuyên: “Với bạo lực thì đừng nên để có lần đầu tiên. Nếu có lần đầu sẽ có tiếp những lần khác”.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng mâu thuẫn gia đình thì khó có thể tránh khỏi nhưng cũng thật khó để nói được là gia đình nào cũng đều bất lực rồi dẫn đến trường hợp thượng cẳng chân hạ cẳng tay, tất cả phụ thuộc vào khả năng tháo gỡ tình huống của mỗi gia đình.
Bên cạnh đó ông Bình cũng chỉ ra: “Trong thời gian yêu đúng là phải tìm hiểu kỹ lưỡng đối phương của mình trước khi tiến đến hôn nhân. Nhưng thực ra tìm hiểu kỹ lắm cũng không hiểu hết được đối phương. Bởi khi yêu ai cũng hiện ra trong ánh mắt nhau luôn ngời sáng, muốn giới thiệu bản thân mình toàn bích, hay ho nên không dễ gì thấy được cái xấu của nhau. Chỉ khi sống với nhau mới hiểu hết về nhau”.
Theo ông Bình người phụ nữ thông thường có tính cam chịu và không biết đấu tranh hay dung hòa tình huống từ đó để những tình huống xấu ngày một tăng lên làm bạo lực ngày càng mạnh hơn.
“Người phụ nữ dù trong bạo lực vẫn mong muốn có được một cuộc sống gia đình, muốn hàn gắn, vị tha vì con. Mong muốn ấy là chính đáng, là đáng ca ngợi nhưng nếu trong trường hợp ấy nếu cứ nín nhịn và không biết cách lên tiếng, biết cách bảo vệ mình thì rõ ràng là đặt mình trong tình huống cứ mãi là nạn nhân.
Ngoài những trường hợp đối tác không thể cảm hóa haycải tạo được thì chúng tôi tin cũng còn rất nhiều những ông chồng mà các chị em có thể cảm hóa được trên cơ sở đối thoại, tôn trọng nhau và biết gợi lại những thời khắc hạnh phúc khi đến với nhau”, ông Bình khuyên.
Ông Bình cũng nói thêm: “Bạo lực gia đình là không ai mong muốn nhưng nếu xảy ra thì người phụ nữ phải tỉnh táo và tìm cách tránh đi. Phải thấy mình là kẻ yếu nên tìm cách thoát đi ngay lập tức. Nhưng bản thân việc thoát ngay lập tức cũng chưa có gì đảm bảo, về lâu về dài vẫn tìm đến việc tháo gỡ tình huống một cách bền vững hơn. Phải lên tiếng và huy động sự giúp đỡ của gia đình, của các cơ quan chức năng”.
Theo Thanh Niên