Rầm rộ “nhờ” mạng xã hội tìm kiếm con bị bắt cóc, liệu có an toàn?

“Với đối tượng phạm tội lần đầu thì khi nghe thấy thông tin rầm rộ như vậy thì có thể rất hoảng sợ, hoang mang. Nhưng với những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt là người đã có tiền án, tiền sự thì sẽ phản tác dụng…”.

2
Sự việc bé Trần Trung Nghĩa (6 tuổi) được phát hiện tử vong nghi do bị sát hại sau 5 ngày mất tích vẫn chưa lắng xuống, bởi trước đó các thông tin tìm kiếm Nghĩa được cộng đồng mạng quan tâm và chia sẻ rất mạnh. Tất cả đều mong bé trai 6 tuổi sẽ may mắn trở về bên gia đình, rồi sẽ chuẩn bị vào lớp 1…

Thông tin Nghĩa tử vong như một cú sốc với nhiều người, cũng là sự hoang mang vô cùng đối với các gia đình đang nuôi con nhỏ. Cũng sau sự việc này, có ý kiến lo lắng cho rằng vì cộng đồng mạng lan truyền thông tin quá mạnh nên có thể dẫn tới kẻ phạm tội lạnh lùng ra tay sát hại.

Đồng thời, đây cũng là một bài học lớn, lời cảnh tỉnh cho các bậc cha, mẹ rằng họ nên và cần phải làm thế nào với truyền thông (đặc biệt là mạng xã hội) khi không may rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho rằng, việc cộng đồng mạng chung tay chia sẻ thông tin về các trường hợp này biểu hiện được tinh thần quan tâm, chia sẻ của nhiều người dân. Ông đánh giá, trong vụ việc của bé Nghĩa, kẻ ra tay sát hại cháu bé thật quá tàn nhẫn.

3

Đồng thời, trước ý kiến rằng với những sự việc tương tự, sự chia sẻ rầm rộ của cộng đồng mạng sẽ tạo nên áp lực lớn dẫn tới kẻ bắt cóc có thể ra tay sát hại nạn nhân, ông cho hay:

“Khi đó, có thể là bắt cóc để nhằm mục đích gì đó và sự việc lan truyền mạnh trên cộng đồng mạng sẽ khiến kẻ phạm tội phải chịu áp lực. Tuy nhiên, vì vậy mà dẫn đến hành vi sát hại nạn nhân là không thể chấp nhận được, trong khi có thể đưa ra cách giải quyết khác”.

Thực tế, với trường hợp có người mất tích, nhất là trẻ em, việc cộng đồng mạng rầm rộ chia sẻ thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội có hai mặt tác động: tích cực và bất lợi.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, đại úy Nguyễn Hữu Hưởng (CA TP Hà Nội) cho rằng:

Trước hết, với một sự việc bất kỳ có tính chất tương tự, được đưa ra công luận, được nhiều người quan tâm và chia sẻ thì sẽ có tác động mạnh đến các cơ quan chức năng. Thứ hai, đối với những sự việc cần kêu gọi sự giúp đỡ thì rõ ràng việc chia sẻ trên cộng đồng mạng cũng sẽ đem lại tác động tích cực rất lớn.

Tuy nhiên, với các sự việc tương tự như bé trai Quảng Bình mất tích, theo ông Hưởng thì khi mạng xã hội ồ ạt chia sẻ thông tin cũng gây tác động bất lợi không hề nhỏ:

“Đặc biệt, gần đây khi có các vụ trọng án, thông tin được chia sẻ quá chi tiết về hành vi của đối tượng, mô tả quá rõ tính chất dã man của vụ việc thì khiến dư luận rất hoang mang, đồng thời có tác động không tốt với người thân của nạn nhân”.

5

Nói cụ thể về trường hợp của bé Nghĩa, theo đại úy Hưởng, khi sự việc chưa rõ ràng, chỉ cần một bài viết nhỏ và với tốc độ lan truyền cực nhanh của mạng xã hội thì các gia đình có con nhỏ chắc chắn sẽ rất hoang mang.

“Với sự việc của bé ở Quảng Bình vừa rồi, thay vì việc đưa tin rầm rộ như vậy (cụ thể như việc kẻ phạm tội đã sát hại cháu bé ra sao, như thế nào) thì chúng ta nên đưa ở mức giới hạn nào đó.

Khi các cơ quan chức năng xác định rõ, đặc biệt là khi đã bắt được nghi can, nghi phạm thì chúng ta đưa những thông tin đó lên thì có vẻ sẽ có những tác động răn đe tích cực hơn”.

Theo ông, việc mô tả những chi tiết này không chỉ gây sợ hãi đối với người dân mà còn có thể tạo cơ hội cho các đối tượng khác học hỏi hành động phạm tội.

Về phía gia đình nạn nhân, nếu vô tình gặp phải tình huống như vậy thì cần lưu ý khi quyết định đưa thông tin lên truyền thông.

Theo ông, với các gia đình nếu không may rơi vào hoàn cảnh đó, trước hết cần phải báo cơ quan chức năng là điều chắc chắn. Thứ hai, khi cung cấp thông tin cho truyền thông cũng phải lưu ý, phải thông báo cho cơ quan đang điều tra để xem xét về việc đưa thông tin, cân nhắc xem nên cung cấp thông tin như thế nào.

“Nếu có thể, khi gặp phải trường hợp có dấu hiệu như vậy thì việc đưa tin lên công luận cũng rất tốt. Tuy nhiên, thời điểm đưa, đưa những gì thì rất quan trọng…”.

Tùy từng sự việc mà cần phải có sự tư vấn của họ xem nên cung cấp thông tin gì, đưa đến mức độ nào. Bởi có những thông tin khi vô tình được cung cấp ra thì lại giúp các đối tượng đó dễ lẩn trốn hơn và sẽ ảnh hưởng xấu đến công tác điều tra”.

7

Với kinh nghiệm và hiểu biết, về góc độ tâm lý tội phạm, ông Hưởng cho rằng bản thân nhiều đối tượng sau khi gây án còn quay lại để nghe ngóng và thậm chí thường xuyên lên mạng để theo dõi dư luận đang nhìn nhận như thế nào.

“Đôi khi, một phán đoán của dư luận có vẻ đang có lý, để nhiều người khác vào tham gia bình luận thì có khi lại đi lệch hướng điều tra. Cũng có khi dư luận phán đoán đúng thì đối tượng khi phát hiện ra thì sẽ có thể tìm phương thức để lẩn trốn”.

Đại úy Hưởng cho rằng, một mặt, việc chia sẻ thông tin của cộng đồng có thể nghĩ rằng phải gây áp lực để người tượng phạm tội ra đầu thú, tuy nhiên nếu với các đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm thì điều này sẽ là rất tiêu cực.

“Với đối tượng phạm tội lần đầu thì khi nghe thấy thông tin rầm rộ như vậy thì có thể rất hoảng sợ, hoang mang. Nhưng với những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt là người đã có tiền án, tiền sự thì sẽ phản tác dụng” – đại úy Hưởng nhấn mạnh.

Theo Gia đình & Xã hội

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN