Số phận đắng cay của người phụ nữ chấp nhận kiếp chồng chung

Mang thai 3 tháng thì bị người yêu phụ bạc, bà Trương Thị Luật chấp nhận làm vợ lẽ của một người đàn ông đã có vợ…

Kiếp vợ lẽ, chồng chung

Căn nhà cấp 4 của mẹ con bà Luật ở Quỳnh Diễn-Quỳnh Lưu-Nghệ An chỉ đủ kê 3 chiếc giường nhỏ. Bà Luật với dáng người gầy còm, khắc khổ, da nhăn nheo, mái tóc bạc gần hết đang cần mẫn đút cháo cho người mẹ già 90 tuổi, bị mù lòa. Cho mẹ ăn xong, bà quay sang giường bên cạnh đút cơm cho người con gái đầu là Hoàng Thị Hoa (44 tuổi) bị não bẫm sinh. Bà lại tiếp tục bê bát cháo thứ 3 đút cho đứa cháu ngoại vừa 11 tháng tuổi. Bữa trưa của cả gia đình bà kéo dài cả tiếng đồng hồ. Khi đến lượt bà ăn thì đồng hồ cũng điểm 1h chiều.

1

Căn nhà rách mái của mẹ con bà Luật.

Cuộc đời thật bất công khi bắt những người thân yêu nhất của tôi phải gánh bất hạnh. 5 người trong gia đình thì chỉ có mình tôi là lành lặn, bình thường, còn lại đều già yếu, mù lòa, tàn tật, thơ dại. Tôi dù sức khỏe yếu vẫn hàng ngày còng lưng, kiếm rau cháo qua ngày cho 5 miệng ăn. Tới buổi lại về nấu cơm, đút cháo, tắm rửa cho mẹ già, cho con rồi cho cháu như thế này đây“, bà Luật thở dài.

2

Bà Luật đang phải chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi, mù lòa, không còn khả năng đi lại.

Bà Luật từng có tình yêu kéo dài 3 năm với thanh niên làng bên nhưng bị gia đình người đàn ông này ngăn cấm. Khi biết tin mình mang thai cũng là lúc bà đau đớn khi chứng kiến cảnh người yêu đi lấy vợ. Thời điểm ấy, gái chưa chồng mà chửa bị người đời lên án rất nặng nề nhưng bà vẫn nuốt nước mắt, nuốt tủi nhục vào trong.

Khi mang thai đến tháng thứ 4, bà đồng ý làm vợ lẽ của một người đàn ông đã có gia đình ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Người này đã có vợ và 4 cô con gái. Vì muốn kiếm mụn con trai để nối dõi tông đường nhưng không còn khả năng sinh đẻ, người vợ đã chấp nhận sống cảnh chồng chung bằng cách nhờ người mai mối, hỏi cưới bà Luật làm vợ lẽ cho chồng. Nếu bà Luật đồng ý, họ sẽ chấp nhận cả cái thai bà đang mang trong bụng, hứa khi sinh ra sẽ yêu thương, chăm sóc đứa trẻ như con cái ruột thịt.

3

Cô con gái bà bị não bẩm sinh, ăn rồi chỉ biết ngồi một chỗ.

Ba người con (2 gái, 1 trai) lần lượt chào đời thì may mắn được cậu con trai khỏe mạnh bình thường. Hai cô con gái phải gánh chịu bất hạnh vì tàn tật. Cô con gái đầu là Hoàng Thị Hoa (con riêng của bà Luật) bị viêm não bẩm sinh, không có khả năng nhận thức, ăn rồi chỉ ngồi một chỗ, không biết nói. Cô con gái thứ 2 là Hoàng Thị Phượng (39 tuổi) bị tật ở bàn tay trái, khù khờ, chậm chạp.

Con cái sinh ra gánh chịu bất hạnh đã đau đớn, bà còn phải gánh tủi nhục với khiếp sống chồng chung, khi hàng ngày phải gánh chịu những trận đòn của người chồng vũ phu, nát rượu.

Sinh lần thứ 3 là con trai, hoàn thành trách nhiệm với nhà chồng, tôi cứ nghĩ sẽ được sống yên ổn hơn, nào ngờ. Chồng tôi đánh đập, đuổi tôi và hai người con gái ra ở riêng bên căn nhà nhỏ ngay sát vách. Cậu con trai ở với chồng và bà lớn. Ở riêng rồi vẫn bị chồng kiếm cớ đánh đập suốt ngày, cứ say rượu là sẵn vơ được cái gì, ông lại ném vào người tôi cái đó. Tôi làm ra được mớ lạc, yến lúa nào là ông lại mang đi đổi lấy rượu uống“, bà Luật nhớ lại.

5 mảnh đời bất hạnh

Khi cậu con trai được 3 tuổi, bà Luật dẫn hai người con gái trốn khỏi nhà chồng để giải thoát cho mình. Không biết đi đâu về đâu, bà đành về nhà mẹ đẻ nương nhờ.

30 năm trôi qua kể từ ngày dắt con bỏ trốn khỏi nhà chồng, bà Luật vẫn một mình lầm lũi với hàng trăm công việc không tên, từ ruộng đồng, chăm sóc con cái, phụng dưỡng mẹ già. Cuộc sống thêm khó khăn khi chị Phượng sinh con.

Dù con tàn tật, khù khờ không lấy được chồng nhưng tôi vẫn mong nó có cơ hội được làm mẹ. Chỉ mong thằng bé lớn lên bình thường, khỏe mạnh để làm chỗ dựa sau này cho mẹ. Khi đó, tôi có nhắm mắt cũng an lòng phần nào“.

4

Bà Luật trải lòng về cuộc sống.

Giữa năm 2016, chị Phượng sinh một bé trai kháu khỉnh. Vốn khù khờ nên việc chăm sóc con, chị Phượng thoái thác hoàn toàn cho người mẹ ruột. Phận làm bà ngoại nhưng bà Luật chẳng khác nào mẹ già nuôi con mọn.

Thu nhập chính của cả gia đình phụ thuộc vào hai sào ruộng và số tiền 580.000 đồng nhà nước hỗ trợ hàng tháng dành cho người tàn tật của chị Hoa. Để có tiền trang trải cuộc sống, ai thuê cuốc đất, cấy, cày bà đều nhận làm. Tới buổi về nhà lại lo cơm nước, tắm rửa cho những người thân yêu.

5

Không chỉ nuôi con, bà còn phải nuôi cháu ngoại.

Nhắc đến cậu con trai, bà Luật chia sẻ thêm. Hiện con trai bà đã lập gia đình. Bà có thêm hai đứa cháu nội. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, gia đình con trai dắt díu nhau vào tận miền Nam, chồng phụ hồ, vợ công nhân để trang trải cuộc sống. Chỉ thỉnh thoảng mẹ con bà mới hỏi thăm nhau qua điện thoại.

Tôi không sợ gì chỉ sợ chết. Tôi mà chết đi rồi đàn con, cháu tôi sẽ sống như thế nào đây. Đời chúng đã quá bất hạnh”, bà Luật nghẹn ngào.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Ngọc Lạm (chủ tịch xã Quỳnh Diễn) cho biết. Hoàn cảnh gia đình bà Luật thuộc diện khó khăn đặc biệt. Dù đã 70 tuổi nhưng bà Luật phụng dưỡng bà mẹ già đã ngoài 90, mù lòa, không còn khả năng đi lại. Hai đứa con bà bị bệnh não, tàn tật và cháu ngoại chưa đầy 1 tuổi.

Theo Trí Thức Trẻ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN