“Khi người Việt mặc áo dài, có nghĩa là chúng ta đã biết thay đổi, trân trọng giá trị truyền thống của quốc gia, mà không đua nhau dùng hàng hiệu của nước ngoài như trước nữa…”
Lan Hương “nguyên bản” là một sơn nữ thơ ngây từ vùng núi tỉnh Hòa Bình. Cũng vì sự thơ ngây trong trẻo đó, mà khi có tình yêu đầu với một người lính, cô đã bỏ dở việc học ở trường Đại học Văn Hóa để làm vợ anh. Nhưng cuộc tình đẹp như thơ đó đã phải trải qua những năm tháng ngăn cách vì mẹ chồng. Quá đau khổ vì nguy cơ mất chồng trong lúc vừa sinh con, cô lại không dám dựa bố mẹ đẻ vì ông bà cũng không hài lòng chuyện con gái bở dở việc học để lấy chồng, Lan Hương quyết định khởi nghiệp chỉ với mục đích tự lập nuôi thân, nuôi con. Vay mượn tiền bạn bè, cô mua được cái máy khâu cũ, kỳ cạch vừa trông con vừa nhận may đo quần áo cho hàng xóm khu vực ga Cầu Bây, ngoại ô Hà Nội. Nhờ sự chú tâm, chăm chút từng đường kim mũi chỉ, sự khéo tay và sáng tạo nhiều mẫu mới mà tiệm của Lan Hương ngày càng đông khách đến may đo. Khi cô trương biển tiệm may lên ngôi nhà thuê của mình thì cũng là lúc hạnh phúc lại mỉm cười, chồng cô quyết thoát khỏi sự hà khắc của mẹ đẻ, trở về với mẹ con cô. Anh tập trung trông con để vợ rảnh tay cắt may cho khách hàng đang ngày một đông lên. Sau một thời gian, hai vợ chồng quyết định chuyển hẳn về thủ đô, thuê nhà ở và mở cửa hàng may đo, cho thuê áo cưới. Vẫn mang tính mơ mộng của một sơn nữ, thích hình ảnh của những công chúa, hoàng hậu vương quyền nên cô luôn muốn tạo nên hình ảnh đó trong đời thường, chính vì thế mà giai đoạn những năm 1990, cô chuyên tâm làm áo cưới, làm đẹp cho những cô dâu ở Hà Nội với thương hiệu Xinh Xinh Vip.
Năm 2004, cuộc đời Lan Hương rẽ sang một bước ngoặt khi cô quyết định chọn dòng sản phẩm áo dài truyền thống. Đó là áo dài thiết kế trên nền lụa Việt thêu tay. Từ đó cái tên Lan Hương được người trong giới biết tới, liên tục được nhắc trên truyền thông, các bộ sưu tập áo dài của Lan Hương được giới chân dài chọn mặc trong các cuộc tỷ thí nhan sắc trong nước và quốc tế, được mang đi lưu diễn tại nhiều nước trên toàn cầu… Áo dài Việt, trên lụa Việt và được thêu thùa bằng những bàn tay tài khéo của thợ thêu Việt Nam, cộng thêm óc sáng tạo của Lan Hương, đã trở thành những tác phẩm giá trị, có giá từ vài trăm tới hàng ngàn đô la Mỹ. Nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã mặc áo dài do Lan Hương thiết kế và đệ nhị phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden cũng dùng khăn lụa thêu của Lan Hương. Đó là sự khẳng định giá trị thời trang Việt Nam, cũng là thành công của Lan Hương khi quyết định đứng lên khởi nghiệp. Bây giờ thì mẹ chồng cô không chỉ chấp nhận cô vào gia đình bà, mà còn vô cùng tự hào về cô con dâu thành đạt này. Đầu năm nay, Lan Hương là nhà thiết kế thời trang đầu tiên được Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du lịch trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa – thể thao – du lịch Việt Nam”.
Trước trào lưu mặc áo dài trong Tết vừa qua, Lan Hương chia sẻ: Hiện tượng nhiều người chọn trang phục áo dài truyền thống VN để trưng diện dịp Tết vừa qua là một thành công lớn trong việc quảng bá áo dài của chúng ta. Lan Hương đã đầu tư nhiều công sức để thực hiện các bộ sưu tập áo dài Việt đi quảng bá cho người dân khắp năm châu, thì tại sao chính người Việt lại không dùng áo dài? Vì thế, khi người Việt mặc áo dài, có nghĩa là chúng ta đã biết thay đổi, trân trọng giá trị truyền thống của quốc gia, mà không đua nhau dùng hàng hiệu của nước ngoài như trước nữa. Tuy rằng trào lưu thì luôn thay đổi, nhưng trào lưu mặc áo dài Tết vừa qua đã trở thành một động lực lớn cho những nhà thiết kế chuyên tâm chủ đề áo dài như Lan Hương, để tôi có thể sáng tạo những bộ sưu tập áo dài đẹp hơn nữa, thực hiện nhiều áo dài cho người Việt mặc. Điều đó giúp cho sức lan toả của áo dài ngày một mạnh mẽ, góp phần tôn vinh hình ảnh, văn hóa quốc gia.
Kiều Mai (Phụ Nữ Ngày Nay)