Nghĩ rằng Burberry đã hết thời? Xin thưa, bạn đã nhầm to nhé!
Gucci, Balenciaga, Vetements, Off-White…
Đó là những cái tên đã xưng vương xưng bá suốt vài năm quá, tạo “hype” khắp toàn cầu. Và chẳng ai đoái hoài đến Burberry – nhà mốt vốn được xem như linh hồn của thời trang Anh Quốc, một trong những trụ cột chính của ngành may mặc thế giới.
Nguyên do khiến Burberry có thời kỳ lùi dần vào dĩ vãng là bởi, họa tiết kinh điển của nhà mốt này trở thành thứ văn hóa bị đạo nhái nhiều nhất thế giới. Đến mức, năm 2013, Burberry còn mất cả tính độc quyền đối với họa tiết này tại Trung Quốc, nơi tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới, với lý do không thể chán đời hơn từ cơ quan quản lý thương hiệu của nước này: không sử dụng họa tiết một cách THƯỜNG XUYÊN.
Thế là từ một biểu tượng kinh điển của văn hóa Anh Quốc, bóng dáng Burberry xuất hiện nhan nhản tại các khu chợ đầu mối, chợ đêm, quán xá vỉa hè… và hệ quả không thể tránh khỏi là giới thời trang cho rằng họa tiết Burberry đã trở nên “kém sang”, chẳng nên sử dụng nữa.
Thế nhưng 2018 này lại là một khởi đầu mới cho Burberry. Cái vẫy tay chia tay Giám đốc sáng tạo Christopher Bailey sau 17 năm gắn bó chưa hẳn đã là điều tồi tệ nhất, bởi sự thật là Burberry đang hồi sinh, họa tiết kẻ sọc cũng đang dần lấy lại sức sống.
Khắp các nẻo đường tại London, Seoul, Tokyo… cánh nhiếp ảnh gia street style nhận ra sự trở lại của Burberry – âm thầm, khiêm nhường nhưng chẳng kém phần mạnh mẽ. Họa tiết kẻ sọc với 4 màu đặc trưng là be, đen, trắng và đỏ đang trở thành một trào lưu mà những kẻ tự vỗ ngực sành điệu chẳng thể chối từ. Dù có là Burberry cổ điển hay Burberry hiện đại, đâu đâu chúng ta cũng thấy Burberry.
Và cũng từ đây, một phương thức ăn diện mới được khởi xướng…
Trong một lần rảo bước trên đường phố Tokyo, nhiếp ảnh gia Julien Boudet bất chợt nhìn thấy hình ảnh lạ mắt: chiếc áo trench-coat Burberry được lộn trái, khoác lên người ma-no-canh, phô trương toàn bộ logo và họa tiết kinh điển của nhà mốt nước Anh.
Thế là anh theo dõi, và cùng một số người bạn khởi xướng phương thức diện áo Burberry lộn trái ra ngoài.
Không cần phải màu mè hoa lá cành, những logo hay họa tiết kinh điển của các nhà mốt đang là nguồn sống trỗi dậy mạnh mẽ nhất.
Điều này cũng đồng thời tạo nên một nghịch lý thú vị: thời trang có thể là tất cả, mặc sai nhưng có khi lại tạo nên một phong cách đúng.
Và một sự thật không thể chối cãi rằng, giờ đây mặc logo từ-đầu-đến-chân đâu còn bị bỉ bai là “nhà giàu mới nổi” như trước.
Ít ai biết được rằng thứ caro mà chúng ta nhẵn mặt từ thuở bé tí tì ti vốn đã có tuổi đời lên đến hơn… 80 năm. Nó có tên gọi đặc trưng là novacheck hay còn gọi là Burberry check.
Thuở trước, họa tiết này vốn chỉ được sử dụng trong các đường viền trên cổ áo hay lớp lót bên trong. Dần dà, từ một khát vọng thời trang, họa tiết này trở thành một biểu tượng của trào lưu “Chav” (Chav là thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trong thập niên đầu của thế kỷ 21 bởi các phương tiện truyền thông, đề cập đến tiêu văn hóa thanh niên chống lại xã hội ở Vương Quốc Anh) và thể hiện văn hóa theo chủ nghĩa “hooliganism”.
Có thể bắt gặp họa tiết kẻ caro của Burberry trên rất nhiều vật dụng hàng ngày từ khăn quàng đến ốp điện thoại, xe đẩy mua sắm, đồ dùng nhà bếp và thậm chí còn được sơn lên tường các tòa nhà cao tầng.
Nếu nhận định rằng nó là một thứ thời trang thì hơi nông, bởi trong mắt các chuyên gia, Burberry đã kiến tạo nên một di sản của toàn cầu và đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ.
Trong suốt Tuần lễ thời trang Thu-Đông 2018 vừa qua, họa tiết caro của Burberry có tần suất xuất hiện nhiều bậc nhất tại các kinh đô trên thế giới.
Tại Việt Nam chúng ta, xu hướng tái sử dụng họa tiết kinh điển của Burberry cũng đã nhen nhóm từ một vài ngôi sao nổi tiếng như Hoa hậu Kỳ Duyên, Chi Pu, Bích Phương, Hoàng Ku… Điều này cho thấy giới trẻ Việt đã nhận ra sự hồi sinh của nhà mốt nước Anh và thể hiện tình yêu đó qua ngôn ngữ thời trang của riêng mình.
Những hình ảnh này như minh chứng cho thấy, họa tiết Burberry sẽ nhanh chóng đánh chiếm thời trang đường phố Việt Nam ngay trong thời gian ngắn tới đây.
(Theo Trí Thức Trẻ)