Các cơ quan truyền thông đã thông tin kết quả kiểm phiếu bầu ở bang Pennsylvania cùng Nevada, theo đó ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc đua đầy gian khó.
- Bầu cử tổng thống Mỹ: Chuẩn bị đưa nhau ra tòa
- Khi nào sẽ biết kết quả bầu cử Mỹ?
- Chuyện gì xảy ra nếu ông Biden thắng, ông Trump không chịu nhận thua?
Ông bà Joe và Jill Biden (phải) cùng vợ chồng Kamala và Doug Harris trong sự kiện tổ chức ở TP Wilmington, bang Delaware, tối 7-11 để tuyên bố giành chiến thắng – Ảnh: Reuters
“Tôi tự hào là người của Đảng Dân chủ. Nhưng tôi sẽ là một tổng thống của nước Mỹ. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ cho những ai đã bỏ phiếu cho tôi cũng như cho những ai không bỏ phiếu cho tôi.” – Ông Joe Biden phát biểu tối 7-11. |
“Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên có được vị trí này (phó tổng thống thắng cử), nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng”. – Bà Kamala Harris phát biểu tối 7-11 |
Mặc dù truyền thông Mỹ đã đồng loạt đưa tin ông Joe Biden thắng cử tổng thống Mỹ và nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng, nhưng với Cơ quan dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) thuộc Chính phủ Mỹ, ông Biden vẫn chưa được xem là “người chiến thắng chắc chắn”. Có khả năng đến giữa tháng 12, ông Biden mới được tuyên bố là người thắng cuộc rõ ràng theo GSA.
Được thành lập vào năm 1949 với vai trò cơ bản là một cơ quan đảm bảo sự hoạt động hiệu quả và phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên bang, GSA được trao thêm nhiệm vụ là “người dẫn đường” cho các chính quyền mới.
Theo luật năm 1963, người đứng đầu GSA sẽ quyết định khi nào người chiến thắng được “xác định chắc chắn”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bà Emily Murphy, giám đốc GSA hiện nay, sẽ quyết định ai làm tổng thống. Vai trò chủ yếu của bà là xác định khi nào kết quả bầu cử đủ rõ ràng để kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.
Trong quá trình này, GSA sẽ cung cấp mọi thứ cần thiết cho tổng thống và phó tổng thống đắc cử. Mục đích của Quốc hội Mỹ khi giao thêm nhiệm vụ liên quan bầu cử cho GSA là để tránh mọi sự chậm trễ trong quá trình chuyển giao có thể ảnh hưởng lợi ích của nhân dân Mỹ.
Trong một năm bầu cử điển hình, GSA quyết định quá trình chuyển giao quyền lực có thể bắt đầu ngay sau khi một số hãng tin tức đáng tin cậy tuyên bố người chiến thắng hoặc sau khi người thua cuộc chấp nhận.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay đặc biệt ở chỗ Tổng thống Donald Trump – người có số phiếu đại cử tri ít hơn theo dự đoán của đa số truyền thông – tuyên bố mọi thứ chưa kết thúc và sẽ chiến đấu pháp lý tới cùng.
Một người dân New York theo dõi kết quả bầu cử tổng thống ở quảng trường Thời đại ngày 7-11 – Ảnh: Reuters
Trong tuyên bố ngày 7-11, một người phát ngôn của GSA khẳng định cơ quan này vẫn chưa chính thức xác nhận ông Biden là người chiến thắng rõ ràng, đồng thời nhấn mạnh sẽ tuân thủ pháp luật. Chỉ khi xác định một cách chắc chắn người thắng cuộc là ông Biden, GSA mới giải phóng khoản tiền 9,9 triệu USD cho tiến trình chuyển giao quyền lực và mở cửa các cơ quan liên bang để đội ngũ chuyển tiếp của ông Biden bắt đầu triển khai các kế hoạch chuyển tiếp.
Có một điều khó khăn là không có tiêu chí nào được nêu trong luật về cách người chiến thắng được “xác định chắc chắn” bởi giám đốc GSA. Đài CBS nêu lo lắng là ông Trump sẽ cản trở quá trình chuyển giao quyền lực bằng cách gây sức ép lên bà Murphy – người được ông bổ nhiệm năm 2017.
Tuy nhiên, luật có nói rõ rằng quyết định phải được thực hiện dựa trên thực chất chứ không phải chính trị. Theo tờ Politico, điều đó có thể hiểu mọi áp lực từ Nhà Trắng đối với GSA sẽ bị xem là không phù hợp. Tờ này phân tích bà Murphy có thể chọn cách an toàn là đợi tới ngày 14-12, khi đại cử tri đoàn chuẩn bị họp bỏ phiếu.
Nhưng làm như vậy cũng có thể cản trở đáng kể nỗ lực chuyển giao quyền lực của ông Biden và khiến mọi thứ trở nên lộn xộn hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế, sức khỏe cộng đồng đang đe dọa nước Mỹ.
Trong lúc chờ sự xác nhận của GSA, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đã bắt đầu làm việc, bao gồm cả việc nhờ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thẩm tra lý lịch những người có thể được bổ nhiệm vào nội các mới. Tuy nhiên, sự xác nhận của GSA vẫn là quan trọng nhất vì nó đảm bảo các cơ quan liên bang sau quá trình chuyển giao quyền lực vẫn hoạt động bình thường.
Các mốc thời gian sắp tới liên quan kiểm phiếu, nhậm chức 8-12-2020 Sáu ngày trước ngày các đại cử tri bỏ phiếu (người Mỹ gọi là “safe harbor period”) là hạn chót cho các tiểu bang giải quyết các tranh chấp (nếu có) liên quan phiếu bầu, kiểm phiếu. Bên nào muốn kiện tụng lên Tòa án tối cao Mỹ thì phải làm trước thời điểm này. 14-12-2020 Các đại cử tri nhóm họp tại thủ phủ từng tiểu bang của mình để bỏ phiếu bầu tổng thống. Số phiếu này sau đó được niêm phong và chờ kiểm đếm chính thức tại thủ đô Washington. 23-12-20020 Hạn chót để các tiểu bang gửi phiếu bầu của các đại cử tri về trụ sở Quốc hội ở thủ đô Washington. 3-1-2020 Quốc hội mới được bầu (trong kỳ bầu cử ngày 3-11-2020) tuyên thệ và nhóm họp phiên đầu tiên. 6-1-2021 Họp hỗn hợp đặc biệt các thành viên hai viện lúc 13h, do Phó tổng thống Mike Pence điều hành. Các phiếu bầu của đại cử tri được kiểm đếm trước sự chứng kiến của các nghị sĩ hai viện. Nếu không có ai đủ 270 phiếu (nhiều tiểu bang có luật yêu cầu các đại cử tri cam kết bỏ phiếu cho người chiến thắng theo ý nguyện của đa số cử tri tiểu bang và có thể phạt tiền những đại cử tri bội tín) thì Hạ viện Mỹ sẽ bầu tổng thống từ hai ứng viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Mỗi tiểu bang sẽ được bỏ 1 phiếu và các nghị sĩ đại diện bang phải thống nhất được phiếu bầu cho ai (không thống nhất được sẽ bị hủy), 50 tiểu bang sẽ có 50 lá phiếu và ứng viên nào đạt 26 phiếu thì sẽ chiến thắng. 20-1-2021 Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ tổ chức tại thủ đô Washington. Ý NGUYÊN |
Theo Duy Linh – tuoitre.vn