Một tỉnh hơn 1.000 người xét nghiệm dương tính, Thái Lan gặp ‘ác mộng’ dịp cuối năm

Tỉnh Samut Sakhon trở thành tâm dịch COVID-19 mới nhất của Thái Lan và bị phong tỏa, với hơn 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính kể từ lúc phát hiện một cụ bà bán tôm mắc bệnh.

Một tỉnh hơn 1.000 người xét nghiệm dương tính, Thái Lan gặp ác mộng dịp cuối năm - Ảnh 1. Người lao động nhập cư xếp hàng đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan hôm 20-12 – Ảnh: Reuters

Báo Bangkok Post ngày 23-12 chạy dòng tít: “Nỗi lo COVID-19 đe dọa năm mới”.

Đổ lỗi cho đợt bùng phát COVID-19 liên quan tới chợ hải sản lớn ở tỉnh Samut Sakhon là do các lao động nhập cư được thuê trong ngành công nghiệp tôm, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ngày 22-12 cho biết ông sẽ gặp lực lượng đặc nhiệm trong tuần này để thảo luận áp dụng “thêm các quy định mà có thể thích hợp với tình hình đang tiến triển”.

Ông đã bắn tín hiệu có thể sẽ áp dụng các biện pháp khắt khe, gồm cấm các sự kiện mừng năm mới.

“Đợt bùng phát này là thứ quan trọng giúp nhắc nhở mối đe dọa của đại dịch COVID-19 vẫn còn nghiêm trọng với đất nước chúng ta ra sao” – Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói hôm 22-12.

Lỗi do người nhập cư?

Thái Lan đã cảnh giác cao độ từ hôm 17-12 khi một phụ nữ bán tôm 67 tuổi đến từ chợ Mahachai ở tỉnh Samut Sakhon có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính. Công tác truy vết và xét nghiệm trên diện rộng đã giúp phát hiện hơn 1.000 ca dương tính có liên quan tới địa điểm này.

Đây là đợt bùng phát lớn khi nước này trước đó ghi nhận chỉ khoảng 4.000 ca nhiễm trong nhiều tháng trời. Phần lớn ca nhiễm mới là người lao động đến từ Myanmar. Họ làm việc trên các thuyền tôm và những nhà máy chế biến liên quan ngành hải sản hàng tỉ USD của Thái Lan.

Hôm 22-12, các quan chức y tế đã ghi nhận 427 ca nhiễm mới, gồm 397 ca là lao động nhập cư Myanmar ở tỉnh Samut Sakhon, 16 ca lây nhiễm ở địa phương liên quan tới chợ và 14 ca “nhập khẩu”. Trong số này có 16 người đến từ 8 tỉnh khác nhau của Thái Lan, trong đó có 5 người ở Bangkok.

Nhà chức trách còn thúc giục khoảng 1.000 người khai báo. Họ đến từ 1/4 số tỉnh của Thái Lan và từng đến chợ hải sản trên trong tháng này. Hiện nhiều nơi đang lo bị ảnh hưởng. Báo Bangkok Post ngày 23-12 đưa tin: “Ổ dịch Samut Sakhon đã chạm tới Phuket”.

Thủ tướng Prayut cho rằng các nhà máy đã thuê những lao động nhập cư bất hợp pháp. Những người này bị cáo buộc đã đi qua biên giới Myanmar – Thái Lan trái phép.

“Tôi đã bảo nhà chức trách rằng phải có một hệ thống giúp truy vết các lao động” – ông Prayut cho biết, đồng thời hi vọng tình hình dịch sẽ cải thiện trong một tuần nữa.

Nhà lãnh đạo Thái Lan nói hôm 22-12: “Đợt bùng phát dịch ở Samut Sakhon lần này chủ yếu do những người nhập cư trái phép. Họ đã mang đến nhiều phiền muộn cho đất nước này”.

Tuy nhiên, ông Min Min Tun, một người vận chuyển tôm Myanmar, nói rằng việc Thái Lan đổ lỗi cho lao động Myanmar mà không có bằng chứng là “không công bằng và phiến diện”, theo Hãng tin AFP.

Cơn sốc sau nhiều tháng

Chợ Mahachai và các khu vực lân cận đã bị phong tỏa từ hôm 19-12, với ước tính 4.000 người bị cách ly. Đầu tuần này, chính quyền đã dùng dây thép gai bao quanh khu chợ và phân phát thực phẩm cho những người lao động bị cách ly bên trong.

Varunthorn Mathiprechakul, chủ một quầy tôm, cho biết ông muốn biết tình hình của 26 nhân viên Myanmar đang bị cách ly của mình.

“Tôi không chắc chính quyền có cung cấp đủ đồ ăn cho họ hay không. Tôi chưa bao giờ nghĩ dịch sẽ bùng phát vì Thái Lan đã không có thêm ca nhiễm trong nhiều tháng. Tôi vẫn còn sốc và không biết phải làm gì” – ông Varunthorn chia sẻ với Hãng tin Reuters.

Thái Lan có phần biên giới với Myanmar dài khoảng 2.400km. Tình hình dịch COVID-19 tại Myanmar đã trở nên trầm trọng từ tháng 8 và nước này vẫn còn ghi nhận khoảng 1.000 ca nhiễm mới một ngày. Ngày 23-12, tổng số ca bệnh COVID-19 tại Myanmar (hơn 117.900) nhiều hơn Thái Lan (hơn 5.700) gấp hơn 20 lần.

Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc nhiều vào các lao động thu nhập thấp đến từ Myanmar và Campuchia. Họ đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, dịch vụ và hải sản của xứ sở chùa vàng.

Tuy nhiên, theo Hãng tin AFP, lực lượng lao động nhập cư đối diện với tình trạng phân biệt đối xử tại Thái Lan. Đợt bùng phát dịch mới nhất đã châm ngòi cho làn sóng phân biệt người Myanmar trong lòng người Thái Lan.

1 tỉ

Chủ tịch Phòng thương mại tỉnh Samut Sakhon – bà Amphai Harnkraiwilai cho biết biện pháp phong tỏa được áp dụng tại Samut Sakhon do đợt bùng phát dịch mới sẽ gây thiệt hại kinh tế cho tỉnh này khoảng 1 tỉ baht (khoảng 766 tỉ đồng) một ngày.

Bà nói rằng ngành hải sản của tỉnh này với doanh thu lên tới 400 – 500 triệu baht một ngày cùng các hoạt động kinh doanh liên quan giờ đây buộc phải dừng do lệnh phong tỏa. Nhiều ngân hàng thương mại và nhà nước cũng thông báo đóng các chi nhánh tại tỉnh Samut Sakhon.

 

Bài học ngăn làn sóng mới

Những làn sóng dịch mới xuất hiện tại các nước đã kiểm soát dịch tốt trước đó như Thái Lan và Hàn Quốc cho thấy phải duy trì cảnh giác với COVID-19 mọi lúc, đặc biệt khi vắcxin ngừa COVID-19 vẫn chưa được tiêm rộng rãi trên toàn cầu.

“Bài học quan trọng là nếu vấn đề không được giải quyết ở cấp độ toàn cầu thì vẫn luôn có khả năng xảy ra lây nhiễm từ người sang người” – ông Nicholas Thomas, phó giáo sư an ninh y tế tại Đại học Thành thị Hong Kong, chỉ ra trên Hãng tin Bloomberg hôm 22-12. Ông giải thích thêm: “Nguy cơ là khi số ca nhiễm giảm đi và các nước tìm cách mở lại biên giới – dù mở toang hay theo hình thức bong bóng du lịch – thì những nơi hết dịch lại sẽ tái phơi nhiễm”.

 

Theo Bảo Anh – tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN