Có hơn 50% số người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng lộ rõ, theo báo JDF. Thậm chí có trường hợp mắc bệnh hơn 3 tháng và có khả năng lây nhiễm cho người khác trong 70 ngày.
- Moderna xin phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19
- Hàn Quốc ghi nhận số ca Covid-19 cao chưa từng thấy trong 8 tháng
- California giới nghiêm ngăn COVID-19 lây lan mạnh
Xe cứu thương đến cơ sở phục hồi chức năng Life Care Center ở Kirkland, Washington, nơi người phụ mắc COVID-19 trong 105 ngày không có triệu chứng từng được điều trị – Ảnh: AFP
Trường hợp này được xem là hi hữu về thời gian nhiễm bệnh và thời gian lây bệnh. Và với các nhà nghiên cứu, đây là cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế lây lan của virus corona chủng mới, theo trang pourquoidocteur.fr.
Cụ thể theo tạp chí Cell, một phụ nữ 71 tuổi ở bang Washington của Mỹ đã mắc COVID-19 liên tục trong 105 ngày, chứa các hạt virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho người khác trong 70 ngày, nhưng không xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Nữ bệnh nhân này thực ra mắc bệnh ung thư tế bào bạch cầu, vì thế hệ thống miễn dịch của bà bị suy yếu và ít có khả năng loại bỏ virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể.
Dù các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ về việc những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể lây nhiễm virus lâu hơn bình thường, nhưng cho đến nay có rất ít bằng chứng về điều này.
Những phát hiện này mâu thuẫn với hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khi cơ quan này cho rằng những người bị suy giảm miễn dịch với COVID-19 có khả năng không lây nhiễm sau 20 ngày.
Trong bài báo, ông Vincent Munster – nhà virus học tại Viện nghiên cứu quốc gia Mỹ về Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (NIAID), tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết các phát hiện mới cho thấy “sự phát triển lâu dài của virus lây nhiễm có thể là mối lo ngại ở một số bệnh nhân suy giảm miễn dịch”.
Người phụ nữ bị nhiễm bệnh vào cuối tháng 2-2020, trong đợt bùng phát COVID-19 được báo cáo đầu tiên của Mỹ, khi được điều trị tại cơ sở phục hồi chức năng Life Care Center ở Kirkland, Washington.
Bà đã phải nhập viện vì thiếu máu liên quan đến bệnh ung thư vào ngày 25-2, và các bác sĩ đã kiểm tra COVID-19 vì bà đến từ trung tâm chăm sóc sức khỏe có ổ dịch. Bà có kết quả dương tính vào ngày 2-3.
Trong 15 tuần tiếp theo, bà được xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. Các bác sĩ phát hiện virus trong đường hô hấp trên của bà trong 105 ngày; và các hạt virus lây nhiễm – nghĩa là chúng có khả năng lây bệnh – được phát hiện trong ít nhất 70 ngày.
Mối lo của các nhà y tế cộng đồng là những trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng bị phát hiện chậm, lây nhiễm rộng ở cộng đồng – Ảnh minh họa
Theo báo cáo, thông thường, những người mắc COVID-19 có thể lây nhiễm trong khoảng 8 ngày sau khi nhiễm bệnh. Trước đây, thời gian phát tán virus lây nhiễm lâu nhất ở bệnh nhân COVID-19 được báo cáo là 20 ngày.
Người phụ nữ này có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài vì cơ thể của bà không có phản ứng miễn dịch thích hợp. Các mẫu máu của bà dường như không chứa kháng thể chống lại virus.
Bà đã được điều trị hai đợt bằng huyết tương từ bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi có chứa kháng thể chống lại COVID-19. Bà đã khỏi bệnh sau lần điều trị thứ hai, mặc dù không thể biết liệu huyết tương có tác dụng hay không, vì nồng độ kháng thể của bà vẫn thấp sau khi truyền huyết tương.
Các tác giả cũng thực hiện xác định trình tự di truyền của virus SARS-CoV-2 trong quá trình lây nhiễm của bà và thấy rằng virus này đã phát triển một số đột biến theo thời gian. Tuy nhiên, các đột biến không ảnh hưởng đến tốc độ sao chép của virus.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu phân lập virus từ các mẫu của bệnh nhân và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Họ thậm chí còn có thể chụp được hình ảnh của virus bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử quét và truyền qua.
Ngoài ra, các tác giả không thấy bất kỳ đột biến nào trong số này mang lại lợi thế sống sót cho virus, bởi vì không có biến thể đột biến nào trở nên thống trị trong quá trình lây nhiễm.
Các tác giả cho biết chưa thể xác định chính xác cách cơ thể người phụ nữ loại bỏ virus SARS-CoV-2, và đây là điều cần được tiếp tục nghiên cứu liên quan đến những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không biết tại sao người phụ nữ không bao giờ trải qua các triệu chứng của COVID-19 mặc dù bị suy giảm miễn dịch, trong khi đáng lẽ suy giảm miễn dịch sẽ khiến bà có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hơn.
Nhà nghiên cứu Vincent J. Munster, đồng tác giả bài báo, giải thích với báo Live Science: “Thông thường tình trạng suy giảm miễn dịch sẽ khiến virus SARS-CoV-2 lây lan từ đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới gây viêm phổi. Trong trường hợp này, mặc dù bệnh nhân bị nhiễm ít nhất trong 105 ngày, nhưng hiện tượng nêu trên rõ ràng đã không xảy ra. Và đây vẫn còn là một bí ẩn đối với chúng tôi”.
Các tác giả lưu ý, nghiên cứu của họ chỉ liên quan đến một trường hợp duy nhất, và do đó, những phát hiện có thể không nhất thiết áp dụng cho tất cả bệnh nhân có tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch.
Các tác giả cho biết, ước tính có khoảng 3 triệu người ở Mỹ có tình trạng suy giảm miễn dịch, bao gồm cả những người nhiễm HIV cũng như những người đã được cấy ghép tế bào gốc, cấy ghép nội tạng và hóa trị.
Các tác giả kết luận: “Hiểu được cơ chế tồn tại của virus và sự thanh thải cuối cùng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch sẽ là điều cần thiết để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và ngăn ngừa lây lan virus SARS-CoV-2″.
Theo Tường Nguyễn – tuoitre.vn