Theo báo cáo mới nhất từ Viện Kinh tế Mastercard (MEI), ngành du lịch toàn cầu sẽ bứt phá mọi giới hạn trong năm 2024 nhờ người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn và lưu lượng du khách tăng vọt. Báo cáo thường niên lần thứ năm của MEI được phát hành ngày 16 tháng 5 vừa qua – “Xu hướng du lịch 2024: Bứt phá giới hạn” là báo cáo thường niên lần thứ 5, do MEI thực hiện nhằm cung cấp những hiểu biết toàn diện về ngành du lịch đang ngày càng phát triển ở 74 thị trường, trong đó có 13 nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC).
Các điểm đến ở châu Á Thái Bình Dương đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, hội tụ 5/10 điểm đến hàng đầu của khách du lịch. Số liệu được đo lường và xếp hạng dựa trên sự thay đổi về tỷ trọng giao dịch du lịch trong 12 tháng qua, tính đến tháng 3 năm 2024.
Du lịch khu vực châu Á Thái Bình Dương sở hữu một số đặc điểm nổi bật, bao gồm:
– Các điểm đến ở châu Á Thái Bình Dương đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, hội tụ 5/10 điểm đến hàng đầu của khách du lịch. Trong đó, Nhật Bản trở thành điểm đến hàng đầu thế giới. Với sự rớt giá của đồng Yên (mức thấp nhất kể từ năm 1990), tỷ giá hối đoái thuận lợi của Nhật Bản dự kiến sẽ giúp quốc gia này dẫn đầu về du lịch trong suốt năm 2024.
– Các địa điểm hấp dẫn cho kỳ nghỉ hè (Tháng 6 – 8 năm 2024): Trong khi Nhật Bản là điểm đến hàng đầu trong 12 tháng qua thì Munich, Đức được xếp hạng là điểm đến top 1 trong mùa hè do đây là thành phố đăng cai tổ chức giải vô địch bóng đá UEFA EURO 2024 vào tháng 6. Tokyo đứng ở vị trí thứ hai, Bali (đứng thứ 6) và Bangkok (đứng thứ 7) cũng nằm trong top 10 thành phố được dự đoán sẽ đặc biệt thu hút du khách trong ba tháng tới.
– Du lịch nội địa Trung Quốc đại lục và du lịch nước ngoài tiếp tục phục hồi: lưu lượng du khách quốc tế từ Trung Quốc đại lục tiếp tục phục hồi và hiện ở mức 80,3% so với mức của năm 2019. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 nhờ quy định miễn thị thực tại APAC và một số quốc gia khác, cũng như việc gia tăng số lượng các chuyến bay quốc tế.
– Người Ấn Độ đang đi du lịch nhiều hơn bao giờ hết: Với tầng lớp trung lưu đang phát triển, các tuyến đường bổ sung và nhu cầu du lịch tăng cao, năm 2024 là thời điểm nhiều người Ấn Độ đi du lịch quốc tế nhất trong lịch sử.
– Du lịch dài ngày hơn: Thời gian lưu trú dài hơn đồng nghĩa với việc chi tiêu nhiều hơn cho mỗi chuyến đi, từ đó thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
– Nhu cầu về trải nghiệm và giải trí về đêm: Người tiêu dùng toàn cầu tiếp tục đề cao trải nghiệm hơn giá trị vật chất.
– Cảm giác gần gũi được ưa chuộng hơn sự cao cấp trong ngành thời trang và ăn uống: Khách du lịch ngày nay ưa chuộng cảm giác gần gũi thân thuộc, ngoại trừ những cửa hàng bán lẻ và nhà hàng cao cấp mang lại giá trị vượt trội so với số tiền bỏ ra.
Riêng tại Việt Nam:
– Du khách Ấn Độ tới Việt Nam tăng vọt 248% vào tháng 3 năm 2024 so với cùng kỳ năm 2019.
– Tính từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024, Hà Nội nằm trong Top 3 điểm đến của du khách Malaysia (bao gồm Thượng Hải, Hà Nội và Bali).
– Các điểm đến châu Á Thái Bình Dương có thời gian chuyến đi tăng nhiều nhất trong giai đoạn 2019 – 2024 là Ấn Độ (+2 ngày), Việt Nam (+2 ngày), Indonesia (+1,9 ngày) và Nhật Bản (+1,4 ngày), phần lớn là do giá khách sạn tăng không đáng kể trong thời gian này so với các thị trường khác.
Xu hướng du lịch tại ASEAN cũng ghi nhận những con số đáng kể. Du khách đến ASEAN đang dành ra những kỳ nghỉ dài hơn so với thời kỳ trước Covid-19. Tính đến tháng 3 năm 2024, du khách đến Việt Nam dành ra trung bình 7.9 ngày cho mỗi chuyến du lịch, so với thời kỳ trước Covid là 5.9 ngày. Bên cạnh đó, du khách toàn cầu cũng có xu hướng dành nhiều thời gian ở các khu vực có khí hậu ấm áp. Thị trường ASEAN như Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines đang ghi nhận thời gian lưu trú dài hơn 7 ngày/lần lưu trú.
Ở thị trường ASEAN, chi tiêu du lịch vào ngành dịch vụ ăn uống tăng lên đáng kể từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024, ở cả phân khúc bình dân và cao cấp. Riêng tại Việt Nam, trong 12 tháng tính đến tháng 3 năm 2024, chi tiêu du lịch dành cho ẩm thực bình dân tăng 79.1% và ẩm thực cao cấp tăng 5.1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông David Mann, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Mastercard cho biết: “Người tiêu dùng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có nhu cầu du lịch cao và ngày càng tiêu dùng thông thái hơn để đảm bảo họ nhận được giá trị cùng những trải nghiệm tốt nhất trong chuyến đi. Đối với các cơ quan quản lý du lịch, nhà bán lẻ, ngành dịch vụ và F&B, điểm mấu chốt nằm ở chi phí. Trong nền kinh tế hiện nay, tỷ giá hối đoái và ngân sách chi tiêu đã trở thành những yếu tố quan trọng trong nhận định của khách du lịch về chi phí trong quá trình lên kế hoạch. Do đó, các doanh nghiệp ngành du lịch cần xem xét lại các chiến lược hiện tại và thay đổi nếu cần thiết để duy trì sức hấp dẫn đối với khách du lịch.”
“Trong bối cảnh du lịch đang phát triển và gia tăng trong suốt năm 2024, Viện Kinh tế Mastercard sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong việc chuyển đổi động lực kinh tế vĩ mô và dữ liệu chuyên sâu thành những chiến lược hành động hiệu quả ở cấp quốc gia, cấp ngành nghề và cấp doanh nghiệp cũng như tư vấn về các kịch bản có thể xảy ra và ảnh hưởng của chúng đến nhu cầu thị trường”, ông Mann chia sẻ thêm.
Nguồn: Tổng hợp