Ngày 7/12, nhằm tôn vinh sự xuất sắc của nữ giới trong nghiên cứu khoa học và chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng của những nhà nghiên cứu nữ hàng đầu thế giới, Quỹ L’Oréal và tổ chức UNESCO đã tổ chức một sự kiện Ngày hội Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (the For Women in Science Festival) 2021.
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền của phụ nữ trên khắp thế giới, kể cả trong lĩnh vực khoa học. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các nhà khoa học nữ, đặc biệt là những người có con nhỏ và trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch một cách đáng kể. Các khoa học nữ trở nên vô hình trong quá trình ra quyết định, quyền lãnh đạo và truyền thông, mặc cho thực tế là họ đã ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại Covid-19, đóng một vai trò quan trọng trên toàn thế giới, từ việc nâng cao kiến thức về virus, điều trị bệnh nhân và phát triển vắc xin. Chính vì vậy, đây là lúc để họ có thể lên tiếng và nhận được sự công nhận cần có.
Trong chương trình Ngày hội Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học, 40 diễn giả từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia chia sẻ về sự nghiệp và công việc của họ thông qua các buổi nói chuyện, phỏng vấn và thảo luận nhóm. Đây là những nhà khoa học xuất chúng với nhiều nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực y sinh, công nghệ, vũ trụ, năng lượng… và những nhà hoạt động xã hội, nhà báo hoạt động sôi nổi trong đấu tranh cho nữ quyền, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu.
Một ngày hội dành riêng cho nữ giới trong nghiên cứu khoa học
Ngày hội Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học sẽ giải quyết hai vấn đề trọng tâm đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu bởi cuộc khủng hoảng Covid-19:
– Nâng cao sức khỏe toàn cầu: các nhà khoa học nữ sẽ đóng vai trò gì trong việc định hướng nghiên cứu y tế và thiết kế các hệ thống y tế mới có thể chống lại khủng hoảng và chăm sóc cho tất cả mọi người?
– Giải mã cuộc cách mạng kỹ thuật số, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo các nhà khoa học nữ, kỹ sư và kỹ thuật viên đóng góp toàn diện vào thế giới khoa học công nghệ mới (từ trí tuệ nhân tạo, robot, đến khoa học vật liệu và dự trữ năng lượng) – và làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng những đột phá này dành cho tất cả mọi người, không có thành kiến hoặc phân biệt đối xử trong đó?
Chương trình Ngày hội cũng sẽ có các cuộc tranh luận về điều gì vẫn còn giữ chân các nhà khoa học nữ trong sự nghiệp của họ, và làm thế nào để vượt qua sự thiên vị và bất bình đẳng hệ thống ngăn cản một nền khoa học tiến bộ toàn diện. Nhằm tạo không gian trao đổi cho cộng các nhà nghiên cứu nữ trên toàn thế giới và cho phép khán giả từ các múi giờ khác nhau xem được nội dung, chương trình ngày hội được tổ chức theo khung giờ khu vực, cụ thể của khu vực châu Á Thái Bình Dương là 14h chiều ngày 7/12/2021. Toàn bộ nội dung có thể được truy cập xem lại trên website sự kiện https://events.forwomeninscience.com sau ngày 7/12/2021.
Khoa học cần có phụ nữ, nhưng nữ giới vẫn đang gặp nhiều thách thức trong nghiên cứu khoa học
Theo Báo cáo Khoa học mới nhất của UNESCO, mặc dù có một số tiến bộ, nhưng vẫn chỉ có 33% các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới là phụ nữ. Sự phát triển này vẫn còn quá chậm, các rào cản quan trọng vẫn tồn tại như một thực tế vô hình trong nghiên cứu. Phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn để được công nhận và tiếp quản các vị trí quản lý cấp cao: Năm 2019, phụ nữ vẫn chỉ chiếm 19% trong số các nhà phát minh; hay trong trí tuệ nhân tạo, một trong những lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến nhất, phụ nữ chỉ chiếm 22% số chuyên gia, và không ai trong số những người đoạt Giải Nobel khoa học năm 2021 là nữ. Kể từ khi Giải thưởng này được thành lập vào năm 1901, chỉ có ít hơn 4% người đạt giải Nobel là nữ giới.
Tình trạng này là kết quả của những rào cản mang tính hệ thống, của những thành kiến vô thức, sự phân biệt giới tính và phân biệt đối xử dai dẳng ở tất cả các giai đoạn trong sự nghiệp của các nhà khoa học nữ. Đây không chỉ là vấn đề của phụ nữ mà là vấn đề của ngành nghiên cứu nói chung, vì nghiên cứu khoa học phải mang tính bao trùm và cần huy động mọi tài năng sẵn có. Để đối mặt với những thách thức hiện tại và tương lai, giải pháp cho bình đẳng giới phải là giải pháp căn cơ.
Kinh nghiệm cho thấy rằng sự thiếu đa dạng trong các nhóm nghiên cứu đã dẫn đến những thất bại trong đổi mới. Ví dụ, công nghệ nhận dạng khuôn mặt bị cho là phân biệt đối xử khi một nghiên cứu đo lường độ chính xác của hệ thống phân loại theo giới tính và loại da, được sử dụng nhiều trong chăm sóc sức khỏe và thực thi pháp luật. Kết quả cho thấy các hệ thống hoạt động tốt hơn nhiều đối với nam giới so với phụ nữ, sự khác biệt trở nên trầm trọng hơn khi nói đến sự khác biệt về màu da, khiến phụ nữ da sẫm màu thường bị phân loại sai. Trong khi tỷ lệ sai sót ở nam giới da sáng hơn là 1%, thì tỷ lệ này ở phụ nữ da sáng hơn là 7% và phụ nữ da sẫm màu là 35%. Kết quả kém như vậy đã làm chậm đáng kể khả năng ứng dụng công nghệ này.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu toàn diện hơn sẽ mang lại cơ hội phát triển lớn. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các nhóm nghiên cứu có đa dạng giới sẽ có nhiều khả năng đưa ra những đổi mới vượt bậc trên thị trường trong một khoảng thời gian hai năm và nhiều công ty do phụ nữ lãnh đạo có hoạt động tốt hơn gấp ba lần so với những công ty có CEO nam.
Chương trình L’Oreal – UNESCO For Women in Science – một cam kết lâu dài dành cho phụ nữ
Với niềm tin rằng thế giới cần có khoa học và khoa học cần có phụ nữ, Quỹ L’Oréal và UNESCO trong hơn 20 năm qua đã cam kết hỗ trợ sự nghiệp và gỡ bỏ rào cản cho nhà khoa học nữ, vinh danh tài năng của họ và truyền cảm hứng về tình yêu khoa học cho thế hệ kế tiếp.
Mỗi năm, Quỹ L’Oréal và UNESCO tôn vinh 5 nhà nghiên cứu nữ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đến từ 5 khu vực lớn trên thế giới, đồng thời hỗ trợ hơn 250 nhà khoa học nữ trẻ trên toàn thế giới.
Kể từ khi thành lập chương trình Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vào năm 1998, đã có 122 Nhà khoa học xuất sắc và hơn 3,800 nhà khoa học trẻ tài năng, nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, đã được vinh danh tại hơn 110 quốc gia và khu vực.
Được bắt đầu từ năm 2009 tại Việt Nam, L’Oreal đã vinh danh 32 nhà khoa học nữ có thành tích khoa học xuất sắc, trong đó có hai nhà khoa học nữ Việt Nam được ghi tên vào danh sách Nhà khoa học nữ trẻ thế giới trong các năm 2015 và 2017. Các đề tài nghiên cứu của các Tiến sĩ nữ đa dạng từ nghiên cứu để đi sâu vào những khám phá mới và hướng đi mới trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho đến các nghiên cứu tổng hợp vật liệu mới, thông minh và bảo vệ môi trường, ứng dụng trong đa ngành như y học, vận tải, năng lượng… Bằng sự đam mê nghiên cứu khoa học, họ đã đẩy lùi biên giới của tri thức để góp phần giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay, góp phần làm thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về phụ nữ. Năm 2015, Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương, trường Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trở thành nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh nhà khoa học nữ tài năng thế giới L’Oreal – UNESCO International Rising Talent. Năm 2017, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, trường Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, một lần nữa ghi tên Việt Nam trong danh sách quốc gia có nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới của giải thưởng danh giá này. Ở góc độ khu vực, sau khi được vinh danh Nhà khoa học xuất sắc Việt Nam năm 2019 từ giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học, vào năm 2020, ba nhà khoa học nữ của giải thưởng khoa học danh giá này đã được vinh danh ở thứ hạng cao trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á bao gồm cả nam giới, đó là PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân – trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hồ Chí Minh, TS. Trần Thị Hồng Hạnh – Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và TS. Phạm Thị Thu Hà – Đại học Tôn Đức Thắng, thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Phương