Thuê Osin như “Quản lý nhân sự”

Thuê Osin, cũng phải biết cách ứng xử, vì Osin không chỉ là người lao động đơn thuần. Những đổ vỡ, xích mích, lời kêu ca, chê bai lẫn nhau… thường là không giải quyết tốt mối quan hệ này.

1.CHẢ CÒN LÃO BỘC

Giờ ngồi xem các phim  vào thời nhiều chính biến, đổi thay, các dòng họ nổi tiếng trải qua thịnh suy,các số phận người chìm nổi, mê lắm. Thế nên phim bộ nó gây ghiền. Có bà đi đâu cũng bảo mau về đúng giờ coi phim. Bệnh mất ngủ nặng nhưng cũng ráng chống lại cơn buồn ngủ để coi phim.

Nhiều khi sự cảm động lại đến từ một kẻ ăn người ở trong nhà. Có những lão bộc ở cho một dòng họ, nuôi hết các cô các cậu lại nuôi đến con của cô cậu sau khi đã trưởng thành. Cũng không hiếm chuyện lão bộc gia nhân cứu chủ thoát hoạn nạn và họ chịu những thiệt thòi bắt bớ, có khi còn thà chết chứ không phản lại gia chủ.Chuyện này thấy ở ta cũng có, nhưng hay xuất hiện trong các phim  lịch sử Trung Quốc

Chao ôi, cái gì làm nên sự trung tín đó nhỉ?

Người tỏ ra “chính trị” thì bảo, hay gì cái chuyện đó. Thời phong kiến đế quốc, con người đi làm tôi tớ mới “khổ” thế chứ bây giờ ấy à, làm gì có, con người được “giải phóng”? Họ có quyền, có luật pháp bảo vệ. Thử sang “bên Tây” xem, thuê baby sister nhiều tiêu chuẩn và tiền cao lắm. Chả thế các bà nội ngoại ta có thêm nghề “Osin bay”, đi khắp nơi có con cái định cư để giữ con cho nó. Thuê Osin đắt lắm, mà rất phức tạp. Khác bên ta lắm. Làm gì còn có thời lão bộc trung thành giữ nhà cho chủ  vì biến cố thời cuộc đi mãi chưa về.

Kể chuyện cái bạc bẽo thời thế thì đầy ra trên báo. Thiếu gì Việt kiều bỏ tiền ra mua nhà, đứng tên người thân mua giúp, mà rồi khi về, cứ như đi ở nhờ trong chính ngôi nhà mình. Có khi còn bị chiếm mất toi!

Các lão bộc trung tín đã biến mất, chỉ còn trong các phim bộ kể chuyện ngày xưa…

Thuê Osin như "Quản lý nhân sự"

2.”PHẦN MỀM” QUẢN LÝ OSIN

Nhiều gia đình khốn khổ vì Osin. Cứ thay xoành xoạch. Khi thì do mâu thuẫn với chủ nhà, khi chê lương ít, lúc bị cho thôi vì hàng đống lý do (ăn cắp, lười biếng, hỗn láo, lằng nhằng với ông chủ, hay nghỉ về quê, hay vay tiền…). Chả mấy ai may mắn thuê được người vừa ý, thế nên người ta kết luận là “có tay nuôi người” đó, chứ không phải chuyện chơi.

Cũng ví như tại sao cũng công thức ấy mà có người muối dưa được, có người muối dưa khú. Chuyện gì cũng phải có duyên cả.

Nhưng thật ra, ngoài những nguyên nhân thuộc về  tính cách, động cơ lừa đảo, trộm cắp… phải cẩn thận khi lựa chọn một người xa lạ bước chân vào gia đình sống chung, còn lại thông thường, vẫn là cách cư xử của cả hai phía, mà chủ nhà có thể chủ động tạo dựng nền nếp.

Muốn  đi  giúp việc cho người nước ngoài, người xin việc phải qua kiểm tra tổng thể về sức khỏe. Rồi tiêu chuẩn biết ngoại ngữ, biết làm món ăn Tây, sử dụng các máy móc thiết bị gia đình. Phải thực hiện theo yêu cầu khắt khe về thời gian chính xác… Tóm lại là có tiêu chuẩn.

Giống như quản lý nhân sự – một khoa học, một nghề khó, cao cấp và chuyên môn hóa bằng các phần mềm… Họ là người nắm giữ linh hồn người lao động, sắp xếp làm việc đúng chuyên môn, gần gũi  chăm lo, tạo ra chính sách phúc lợi tiền lương, biết vun đắp tình đoàn kết…

Thuê Osin, cũng phải biết cách ứng xử, biết yêu cầu và “đào tạo”, kiểm tra, tạo ra sự thương mến, tin tưởng. Vì Osin không chỉ là người lao động đơn thuần. Loại lao động này cần nhiều yếu tố tình cảm vì họ  trở thành một thành viên chung sống trong nhà.

Những đổ vỡ, xích mích, lời kêu ca, chê bai lẫn nhau… thường là không giải quyết tốt mối quan hệ này.

Ở Việt nam, từ xưa cũng có những tấm gương về chuyện ứng xử với người làm Osin. Gia đình nhà Tư sản Hà Nội Trịnh văn Bô chẳng hạn. Họ đi theo kháng chiến, người làm cũng đi theo, chăm lo mọi việc, ở gắn bó mấy chục năm như người nhà. Nhà cửa, biệt thự bỏ lại Hà Nội cho “lão bộc” trông coi, suốt 9 năm kháng chiến, không  có sự thay đổi nào…

Hỏi về mối quan hệ đó, cụ bà cho biết: Mình coi họ như người nhà, lo lắng, chăm sóc và tổ chức công việc đâu ra đấy. Có sự tin tưởng, thương mến và nể trọng chủ nhà nữa, người làm công mới thực sự phát huy tính tích cực của họ, không đơn thuần là đi làm thuê, “đi ở”.

Osin là tên nhân vật chính của một bộ phim. Cô gái nghèo, quyết tâm, chăm chỉ làm mọi việc để thành công. Cái tên đó biểu trưng cho sự lập nghiệp bằng trung tín, danh dự, vươn lên không quản khó khăn.

Vì thế, khi ta thuê họ, phải ứng xử theo tinh thần đó. Nôm na ra, đó cũng là một kiểu “quản lý nhân sự” đặc biệt để hai bên đều được phục vụ có hiệu quả.

ĐẠT MỸ (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN